Quốc hội thông qua Luật Giáo dục sửa đổi

14/06/2019 09:30
Đỗ Thơm
(GDVN) - Với 414/453 đại biểu đồng ý tán thành chiếm 85,54%, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Sáng nay 14/6, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 9 chương, 115 điều.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục số 44/2009/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Đại biểu bấm nút biểu quyết. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu bấm nút biểu quyết. Ảnh: Quochoi.vn

Trước đó, ngày 21/5/2019, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với nội dung dự thảo Luật đã được chỉnh lý; đánh giá cao việc tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến góp ý và cho rằng dự thảo Luật cơ bản đáp ứng điều kiện để được xem xét, thông qua trong Kỳ họp này.

Trước khi các đại biểu biểu quyết thông qua dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã giải trình một số nội dung.

Có ý kiến đề nghị bổ sung các quy định về giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông, kiến thức phổ thông vào hệ thống văn bằng, chứng chỉ; làm rõ giá trị pháp lý của các loại giấy chứng nhận.

Ý kiến của đại biểu là xác đáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được tiếp thu và bổ sung quy định về giá trị pháp lý của hai loại giấy chứng nhận này tại Điều 34 của dự thảo Luật. 

Về chương trình giáo dục phổ thông, có ý kiến đề nghị giảm bớt số lượng môn học nhằm giảm tải chương trình học và giảm áp lực cho học sinh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được báo cáo như sau: số lượng các môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông, Luật Giáo dục quy định mang tính nguyên tắc về yêu cầu, việc thẩm định, ban hành chương trình giáo dục phổ thông.

Việc bảo đảm chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu của phát triển xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế, tâm sinh lý học sinh được giao cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quyết định với sự giám sát của Quốc hội và xã hội như quy định của dự thảo Luật (các điều 8, 31).

Về sách giáo khoa, có ý kiến đề nghị quy định sách giáo khoa phải được sử dụng ổn định, lâu dài; có ý kiến đề nghị giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa; có ý kiến đề nghị giao thẩm quyền cho Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, ý kiến của đa số đại biểu đồng ý pháp điển hóa Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội XIII về: có một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, có một số sách giáo cho mỗi môn học, giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng và quyết định ban hành sách giáo khoa sử dụng trong cả nước.

Về thẩm quyền quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, Điều 32 dự thảo Luật đã được chỉnh lý cho phù hợp với quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Không thể bỏ thi Quốc gia
Không thể bỏ thi Quốc gia

Về Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, dự thảo Luật đã quy định cụ thể về thành phần Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.

Trên cơ sở quy định cụ thể về thành phần, cơ cấu này, việc giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa theo từng môn học ở từng cấp học, để thẩm định sách giáo khoa và chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông là phù hợp với thẩm quyền chuyên môn mà vẫn bảo đảm tính khách quan.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xin được giữ như dự thảo Luật (Điều 32).

Đỗ Thơm