Tại sao một số địa phương vẫn tổ chức thi giáo viên dạy giỏi?

04/03/2020 09:37
Đỗ Quyên
(GDVN) - Việc áp dụng một thông tư không còn hiệu lực để tổ chức một hội thi cấp thị xã liệu có thật sự khách quan? Có đúng theo quy chế của ngành giáo dục đã ban hành?

Để phòng chống dịch Covid-19, toàn ngành giáo dục buộc phải cho học sinh nghỉ học và ngưng hết mọi hoạt động giáo dục.

Một tiết dạy dự thi giáo viên dạy giỏi (Ảnh minh họa: Báo Đại đoàn kết)
Một tiết dạy dự thi giáo viên dạy giỏi (Ảnh minh họa: Báo Đại đoàn kết)

Thế nhưng, vẫn có địa phương phớt lờ sự khuyến cáo của Bộ Y tế, sự an toàn cho sức khỏe cộng đồng ngang nhiên tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi.

Không chỉ thế, những địa phương này vẫn vận dụng quy chế của Hội thi giáo viên dạy giỏi đã không còn hiệu lực thi hành.

Cụ thể, Điều 2 của Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT (thông tư mới về thi giáo viên dạy giỏi) quy định rất rõ: Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12 tháng 02 năm 2020 và thay thế Thông tư số 49/2011/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non;

Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 7 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên;

Tại sao một số địa phương vẫn tổ chức thi giáo viên dạy giỏi? ảnh 2
Hội thi giáo viên dạy giỏi sắp tới sẽ thay đổi thế nào?

Thông tư số 43/2012/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 26 tháng 11 năm 2012 ban hành điều lệ hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Dù thế, một số địa phương vẫn tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi theo thông tư cũ gồm 3 vòng: sáng kiến, năng lực và tiết dạy.

Việc áp dụng một thông tư không còn hiệu lực để tổ chức một hội thi cấp thị xã liệu có thật sự khách quan? Có đúng theo quy chế của ngành giáo dục đã ban hành?

Học sinh cần an toàn còn giáo viên thì không?

Phòng chống dịch, không cho học sinh đến trường để tránh việc tiếp xúc đông người không được an toàn. Vậy, giáo viên của vài chục trường học trong một thị xã được tập trung để dự thi là an toàn hay sao?

Tại sao một số địa phương vẫn tổ chức thi giáo viên dạy giỏi? ảnh 3
Thi giáo viên giỏi vẫn sẽ là kiểu tự nguyện…bắt buộc

Chưa nói đến việc, mới chỉ là vòng thi thứ hai và sau đó giáo viên vẫn phải dự thi thêm 2 tiết dạy mới được công nhận.

Thời gian vừa rồi, học sinh nghỉ học nên bài vở sẽ quên khá nhiều.

Dự báo, khi các em đi học lại, giáo viên phải nỗ lực khá nhiều để ôn tập, kèm cặp học sinh yếu, kém và bồi dưỡng nâng cao cho học sinh khá giỏi.

Thế mà, vẫn phải dành tâm trí để ôn bài chuẩn bị cho vòng thi 2 tiết dạy.

Thử hỏi, thời gian nào để dành cho học sinh? Thời gian nào sẽ ôn bài để dự thi cho mình?

Sợ rằng để lo cho những tiết dạy của bản thân, sẽ có những thầy cô buông lơi việc dạy. Và như thế, thi giáo viên dạy giỏi để làm gì?

Chưa nói đến, sẽ có dăm ba trường được mượn để lập hội đồng coi thi. Và suốt cả tuần tổ chức thi giáo viên dạy giỏi ở những nơi đó, việc học, việc chơi của học sinh trong trường sẽ bị xáo trộn, bị ảnh hưởng không nhỏ.

Chúng tôi nghĩ rằng, thi giáo viên dạy giỏi chỉ là phong trào khuyến khuyến giáo viên học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Vì thế, không tổ chức thi năm học này sẽ tổ chức thi vào năm học khác chứ có mất gì đâu?

Hãy để giáo viên chăm lo dạy dỗ, bồi dưỡng cho học sinh khi các em đã nghỉ học một thời gian khá dài sẽ hiệu quả và thiết thực hơn nhiều cái hội thi chẳng mấy tác dụng kia.

Đỗ Quyên