Từ ngày 12/2/2020, quy định mới về thi giáo viên dạy giỏi các cấp chính thức có hiệu lực.
Quy định này có nhiều điểm tích cực, rất đáng ghi nhận mà không phải giáo viên nào cũng hiểu thấu đáo.
Thứ nhất, điểm mới của Thông tư 22 là rút ngắn thời gian được thông báo và chuẩn bị trước cho Hội thi dạy giỏi các cấp.
Cụ thể, theo Điều 6, Điều 7 và Điều 8, tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp mầm non; Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp phổ thông và Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp phổ thông, thời gian thông báo và chuẩn bị trước đều chỉ có 02 ngày.
Trong khi đó, Thông tư 49/2011/TT-BGDĐT, Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều quy định thời gian giáo viên được thông báo và chuẩn bị trước cho Hội thi 01 tuần.
Như vậy, việc chuẩn bị giáo án chỉ trong 2 ngày buộc giáo viên phải thật vững kiến thức, kĩ năng và phương pháp. Cho dù thầy cô được tư vấn về một giáo án hay nhưng thiếu những yếu tố đó thì cũng trở tay không kịp.
Quy định mới về thi giáo viên dạy giỏi có nhiều điểm tích cực. (Ảnh: Baobaclieu.vn) |
Thứ hai, nội dung thi giáo viên dạy giỏi theo hướng giảm lý thuyết và ưu tiên nhiều hơn cho thực hành, tập trung vào kỹ năng giảng dạy, năng lực thực tế của giáo viên.
Theo đó, Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp mầm non, giáo viên thực hiện một hoạt động giáo dục cụ thể; hoạt động này được tổ chức lần đầu tại lớp với nguyên trạng số lượng trẻ em của lớp đó và giáo viên không được dạy thử trước.
Cùng với đó, giáo viên trình bày một biện pháp nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, trong vòng 30 phút. Biện pháp này phải được xác nhận là đã được áp dụng hiệu quả và lần đầu được dùng để đăng ký thi.
Còn trước đây, giáo viên mầm non làm bài thi kiểm tra năng lực và thực hành 01 - 02 hoạt động chơi - tập. Điều này khiến thầy cô có thể học thuộc bài và sau đó cứ thế mà “diễn”, thậm chí diễn rất nhuần nhuyễn vì đã có nhiều thời gian luyện tập.
Còn Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp phổ thông, giáo viên dạy một tiết học cụ thể; tiết dạy này phải được tổ chức lần đầu với nguyên trạng số lượng học sinh, không được dạy thử trước.
Cùng với đó, giáo viên trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy trong 30 phút. Biện pháp này phải đã được xác nhận là áp dụng hiệu quả và lần đầu dùng để đăng ký dự thi.
Trước đây, giáo viên làm báo cáo sáng kiến kinh nghiệm hoặc kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng được; Một bài kiểm tra năng lực hiểu biết về kiến thức, kỹ năng sư phạm; Thực hành giảng dạy 02 tiết trong chương trình giảng dạy.
Giáo viên vẫn chưa thể yên tâm về thi giáo viên giỏi sắp tới |
Nhiều thầy cô cho rằng, giáo viên chỉ thực hiện một hoạt động giáo dục (bậc mầm non), một tiết dạy (45 phút với bậc phổ thông) thì giám khảo khó có thể đánh giá chính xác.
Bởi giáo viên dạy một tiết thì chưa thể nói lên điều gì, hoặc cũng có thể có sơ suất.
Tuy vậy, giám khảo chỉ cần đánh giá qua kiến thức và phương pháp thì kết luận được ngay giáo viên có dạy giỏi hay không.
Người thầy giỏi trước hết phải làm chủ kiến thức, biến những điều khó hiểu thành dễ hiểu bằng phương pháp phù hợp nhất cho nhiều đối tượng học sinh.
Bên cạnh đó, người thầy giỏi còn biết cảm hứng học tập cho học sinh, cách thức tổ chức lớp học hợp lí, ứng xử sư phạm linh hoạt…
Ngoài ra, giáo viên trình còn phải bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy trong 30 phút đã được áp dụng có hiệu quả tại đơn vị.
Nghĩa là biện pháp mà thầy cô đưa ra đã được Hiệu trưởng nhà trường công nhận, không phải lí thuyết suông, tức là đã thay thế sáng kiến kinh nghiệm (phần lớn thiếu thực tế) theo quy định trước đó.
Thứ ba, với Hội thi cấp trường giáo viên phải đảm bảo đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên.
Còn trước đây giáo viên phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn như đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên; có thời gian trực tiếp giảng dạy liên tục từ 3 năm trở lên; có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức, quản lý lớp học được học sinh và đồng nghiệp đánh giá cao, được lãnh đạo nhà trường xác nhận…
Theo nội dung này, giáo viên trẻ cũng có thể dự thi giáo viên dạy giỏi để khẳng định chuyên môn nếu đáp ứng những tiêu chí như đã nói.
Thực tế, nhiều giáo viên chỉ cần dạy 2, 3 năm đã được đồng nghiệp, học sinh đánh giá cao về năng lực chuyên môn. Ngược lại, nhiều thầy cô có khi dạy mấy chục năm nhưng cũng “mờ mờ nhân ảnh”, chẳng có sự nghiệp gì.
Có thể nhận thấy, Thông tư 22 đã có nhiều quy định mới nhằm cải thiện chất lượng giáo viên dạy giỏi, đưa Hội thi này trở về thực chất hơn, tránh hình thức như hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
[1] //luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-22-2019-tt-bgddt-quy-dinh-ve-hoi-thi-giao-vien-day-gioi-179675-d1.html
[2] //thukyluat.vn/vb/thong-tu-49-2011-tt-bgddt-dieu-le-hoi-thi-giao-vien-day-gioi-cap-hoc-mam-non-20104.html
[3] //thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-21-2010-TT-BGDDT-Dieu-le-hoi-thi-giao-vien-day-gioi-cac-cap-ho-108943.aspx