LTS: Sau loạt bài của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chia sẻ một vài suy nghĩ của ông về đổi mới giáo dục, Tòa soạn nhận được bài viết của nhà giáo Phạm Toàn.
Bài viết này làm rõ thêm một vài vấn đề nhằm gỡ rối cho đổi mới giáo dục theo góc nhìn của ông và tập thể nhóm Cánh Buồm.
Ý tưởng của nhà giáo Phạm Toàn trong bài viết tập trung vào việc Học của trẻ em trong công cuộc cải tổ nền Giáo dục. Ông muốn lưu ý dư luận vào điều cốt lõi của Giáo dục là việc Học của trẻ em – có cái Học đúng thì sẽ có tất cả.
Vì thế, trong bài viết, nhà giáo Phạm Toàn có trao đổi lại loạt bài của Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng về Công nghệ Giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đăng tải trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Trên tinh thần khách quan, đa chiều, chúng tôi xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này của nhà giáo Phạm Toàn, đồng thời mong muốn các nhà giáo dục và quản lý giáo dục trong cũng như ngoài nước, cùng lên tiếng, bàn bạc tìm giải pháp “gỡ rối” phù hợp và hiệu quả nhất cho Giáo dục nước nhà.
Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của nhà giáo Phạm Toàn và tập thể nhóm Cánh Buồm.
Ý kiến người trong cuộc
Lời thưa
Loạt bài gần nhất của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng [1] trên trang Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (Giaoduc.net.vn) cho những người trong cuộc nhìn thấy hai điều:
Một là, công cuộc Giáo dục quốc dân của nước nhà đang như cuộn chỉ rối;
Hai là, đang có nhiều ý hướng tìm giải pháp gỡ rối, với mục tiêu giống nhau: xây dựng lại một nền Giáo dục quốc dân.
Nhà giáo Phạm Toàn (ngoài cùng bên trái), ảnh do tác giả cung cấp. |
Các ý tưởng của các bên đòi hỏi đổi mới Giáo dục đều “gần giống nhau” ở chỗ không xa rời sự nghiệp Giáo dục nước nhà; song về giải pháp thì rất xa nhau.
Tôi không thích dùng chữ “phản biện” vì nhiều lẽ, nhất là vì có rất nhiều “phản biện” gây phản cảm.
Bài viết này bổ sung vài điều “rất là hoàn cảnh”, mà Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng chưa trải nghiệm, hoặc tâm hồn quá trong sáng nên khó biết, hoặc biết qua qua nhưng không xem xét.
1. Giải pháp Hồ Ngọc Đại
Xin được đánh giá ngay từ đầu bài viết này như sau:
Từ cuối những năm 1970 thế kỷ trước, giải pháp Công nghệ Giáo dục của Hồ Ngọc Đại thực sự là một phương án khả thi xây dựng lại toàn bộ nền Giáo dục quốc dân, lý do duy nhất là nó bắt đầu bằng việc tổ chức lại cách học của con em. [2]
Hồ Ngọc Đại đã quá nôn nóng khi ngay từ lập ngôn đã tuyên bố phải dỡ ra làm lại từ đầu một sự nghiệp Giáo dục đang được biết bao thế hệ gắn bó.
Hồ Ngọc Đại cũng quá nôn nóng khi trong tay anh không có nhiều hơn một đồng nghiệp (là bản thân anh!) đủ sức xây lại nền Giáo dục mới sau khi đã “dỡ” cái cũ.
Thực ra, nền Giáo dục Việt Nam cho đến năm 1975, đúng là … cần dỡ ra làm lại thật! Lý do duy nhất: thế giới đã biến chuyển quá nhanh và quá xa, làm việc gì cũng phải làm theo nguyên lý khác.
Nhưng nhận thức được điều đó đã khó, và có khả năng thực hiện điều đó đâu có là chuyện dễ!
Bộ trưởng với nhiệm kỳ 29 năm Nguyễn Văn Huyên đã cảm nhận được tình hình, nên đi đâu cũng nói to: “Đại học của ta chỉ là cấp 4 phổ thông!”
Nhưng một bộ trưởng không thể chỉ có tấm lòng. Về năng lực cải tổ, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên có đủ sức, nhưng Ông lại là vị Bộ trưởng không đủ quyền hành thực thi các ý kiến của mình trong tư cách Bộ trưởng.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng rất có thể, đã không biết chuyện này.
Khoa học chính trị, lịch sử nhất định phải đổi mới tư duy dạy và học |
Và rồi “bổ sung” cho khó khăn, là chiến tranh liên miên cùng những khó khăn vật chất bề bộn … cuối cùng, lịch sử thì dài, đời con người thì ngắn, một nhiệm kỳ bộ trưởng dài dặc trôi đi, nguyện vọng thay đổi thì vẫn còn nguyên đó!
Hồ Ngọc Đại không có cơ hội giúp Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, nhưng phương án cải tổ Hồ Ngọc Đại lẽ ra phải được những nhà quản lý đương thời nghiên cứu và tùy nghi sử dụng.
Hồ Ngọc Đại chỉ được sự cảm thông trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, người đã cho phép anh triển khai thực nghiệm hệ thống Công nghệ Giáo dục vào năm 1984.
Hồ Ngọc Đại từng phân tích với người viết bài này: “Bà Bình hành động không như nhà khoa học, chỉ như một bà mẹ hoặc nguời chị hiền, nhưng thế là đủ biết ơn chị rồi”.
Thực ra, cần nói thêm cho đủ: bà Nguyễn Thị Bình từ cán bộ chính trị chuyển sang làm quản lý giáo dục, nhưng ngay cả về sau dù đã có tuổi – và cho tới tận hôm nay, năm 2017 – bà vẫn là người hiếm hoi của thế hệ mình đã biết đón nhận cái Mới.
Chỉ đến thế là đủ biết ơn bà rồi!
Nhờ quyết định của bà Nguyễn Thị Bình (và sau đó được Bộ trưởng Trần Hồng Quân tiếp nối ủng hộ) nên Công nghệ Giáo dục đã lan tỏa ra 43 tỉnh và thành phố - trong đó ở Sài Gòn, 60 phần trăm học sinh Lớp 1 đã theo chương trình Thực nghiệm của Hồ Ngọc Đại.
2. Phản ứng của một “hệ thống mới”
Giải pháp giáo dục Hồ Ngọc Đại không phát triển được và luôn luôn đứng trước nguy cơ bị sập tiệm, vì hai nguyên nhân.
Nguyên nhân bên trong: hệ thống Công nghệ Giáo dục không có người đủ khả năng hoàn thiện nó như một cách làm Giáo dục mới. Ý tưởng đã có, nhưng không có đủ người thực thi.
Những “học trò” của Hồ Ngọc Đại đều từ lò đào tạo mang nặng tính giáo điều ở Liên Xô về.
Làm thế nào để sách của GS. Hồ Ngọc Đại vào được nhà trường? |
Với nguyên nhân yếu kém từ bên trong, hệ thống Công nghệ Giáo dục có được lệnh mở rộng hơn nữa cũng chẳng làm nên trò trống gì.
Nỗi đau lòng cũ được lặp lại: lịch sử thì dài, đời người thì ngắn, vào năm 2004 khi hệ thống Công nghệ Giáo dục bị “đóng cửa”, thì Hồ Ngọc Đại đã về hưu được vài bốn năm.
Khi đó những nguyên nhân bên ngoài được thế tác động mạnh.
Những tác nhân bên ngoài rộ lên tìm cách xóa sổ giải pháp Hồ Ngọc Đại. Nó thể hiện rõ nhất qua hai sự kiện: cuộc “Hội thảo khoa học 1995” và vụ “thảo luận” về Công nghệ Giáo dục” mấy năm gần đây trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam này.
Cuộc “Hội thảo khoa học” 1995 thực chất là cơ hội bầy ra để xóa Công nghệ Giáo dục cùng Giải pháp Giáo dục Hồ Ngọc Đại.
Vì đề tài cấp nhà nước Công nghệ Giáo dục đã được nghiệm thu long trọng tháng 10 năm 1990 (nhờ đó mà “Cơ sở thực nghiệm giáo dục phổ thông” đã được chính thức nâng cấp thành “Trung tâm thực nghiệm giáo dục phổ thông”).
Nhưng thực thể giáo dục đang có chút uy tín này cần được thay bằng bộ “Chương trình năm 2000” (viết tắt CT-2000) đang cấp tốc biên soạn với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, World Bank.
Bi kịch lộ rõ trong CT-2000 này.
Mặc dù đã được đón đường bằng cả một bộ Luật Giáo dục mới, quy định chương trình và sách giáo khoa là pháp lệnh và cả nước chỉ dùng chung một bộ chương trình và sách giáo khoa, nhưng nó (CT-2000) mãi đén năm 2004 mới vào đời và đến năm 2008 đã bị chê bằng một ngôn từ lịch sự là quá tải.
Vì không tìm nguyên nhân bệnh “quá tải” là do tổ chức cách học sai, nên không sao “chạy chữa” nổi trong cả nhiệm kỳ ông Nguyễn Thiện Nhân cũng như nhiệm kỳ ông Phạm Vũ Luận.
Nhiệm kỳ ông Nguyễn Thiện Nhân để lại dấu ấn “chống tiêu cực”. Điều đó không sai, nhưng vẫn chưa tập trung vào điều tiêu cực nhất là không thay đổi được việc Học của con em.
Trả lời một phụ huynh về việc dạy thêm và học thêm, ông lập luận rằng “không có người tiêu thụ hàng lậu thì không có buôn lậu” (!).
Giáo sư Phạm Vũ Luận, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển và những siêu đề án ngàn tỉ |
Nhiệm kỳ ông Phạm Vũ Luận cũng lúng túng khi “vị tư lệnh” không chỉ nghĩ đến “giảm tải” mà còn đòi hỏi “giảm tải sâu”, nhưng chẳng hề giảm dược chút tải nào vì vẫn không tập trung nổi vào việc tổ chức việc Học của con em.
Ấn tượng của người viết bài này là sự thất vọng khi nghe ông trả lời trên hội trường Quốc Hội [3].
Lẽ ra, ông Bộ trưởng cần chỉ ra một hướng đi tổng thể, thì gần như đã lạc vào chi tiết, nhất là khi trả lời về chuyện học tiếng Anh, và chê giáo viên phát âm kém học sinh ở các Trung tâm ngoại ngữ (!).
Giải pháp “nhà trường Việt Nam mới” (VNEN) có thể là một nỗ lực tổng thể chăng?
Giải pháp này cũng được dư luận quan tâm và nhiều lần lên tiếng ngay trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nhưng chưa thấy ai trả lời, và cũng không thấy cấp cao nào yêu cầu tổng kết.
3. Điều lẽ ra đã nên làm
Một việc lẽ ra nên làm và phải làm là tổng kết sự tồn tại của Nhà trường Việt Nam trải nhiều năm.
Nhưng người viết bài này cũng nghĩ: không tổng kết có khi lại hay. Vì nếu tổng kết, chắc là lại theo thói quen, lại xoay quanh thành tích và tồn tại, và chắc chắn không tổng kết cách tổ chức việc Học của con em cả nước.
Đó chính là điều Hồ Ngọc Đại từng tổng kết riêng rẽ nên đã đi đến kết luận chắc nịch dỡ ra làm lại từ đầu.
“Dỡ ra” không có nghĩa cách chức ai, không nhằm giải tán cơ quan nào, mà cốt để tìm cách tổ chức việc học của con em ta từ khi bước chân vào nhà trường đến khi trưởng thành.
Tiếc rằng, điều đó chưa làm được. Còn những ý kiến “phản biện” thì chỉ càng làm cho sự thể thêm rối tinh rối mù.
Ngay ý kiến của một Giáo sư Toán ở Toulouse [4] phân tích và phê phán “nguyên lý dạy học từ trừu tượng đến cụ thể” cùng nhiều luận điểm khác (như bỏ thi cử), cũng cho thấy có sự hiểu nhau không đầy đủ.
Thực ra điều đó đã được Gaston Bachelard [5] giảng từ lâu.
Con người từ thời nguyên thủy đã có khả năng quan sát, thống kê, phân loại, nhưng đó mới chỉ là “tư duy tiền khoa học”. Nó chỉ manh nha cho phương pháp làm việc khoa học về sau khi đã khái quát hóa các sự vật và hiện tượng.
Sang thời hiện đại, nhà giáo dục không thể dắt trẻ em đi lại từng bước thô thiển đời xưa, dù mang danh khoa học, mà cần dắt trẻ em “làm lại” theo cách ngược lại với cách làm xưa.
Học nói thì trừu tượng hơn học ghi lại lời nói; học ghi lại lời nói thì trừu tượng hơn học nói và viết chính xác, lô gich, văn hoa…
Nếu cứ đi lại theo con đường từ cụ thể đến trừu tượng thì làm sao trẻ em có thể chỉ trong dăm bảy tháng “làm lại” công trình của A. de Rhodes đã làm trong hơn hai chục năm để tìm ra cách ghi tiếng Việt bằng bộ chữ gọi bằng chữ Quốc ngữ?
Hình minh họa, Báo Nhân Dân. |
Và làm sao có thể đưa vào tay trẻ em từ 6 tuổi đến 17 hoặc 18 tuổi cả kho từ vựng tiếng Việt tích tụ nhiều nghìn năm? Chẳng lẽ cho thanh thiếu niên cả nước học nhặt nhạnh lối hái lượm bằng cách thuộc lòng từ điển?
Các giáo sư không thống nhất được với nhau, khiến công chúng càng thêm ngỡ ngàng. [6]
4. Cách tháo gỡ cuộn chỉ rối
Có hai cách hợp lý để tháo gỡ cuộn chỉ rối. Một cách là lần tìm một đầu rồi rút dần. Một cách là cắt một điểm giữa đám chỉ rối và rút dần.
Cả hai cách đó trong giải pháp giáo dục quốc dân Việt Nam hiện thời đều nằm trong thay đổi phương thức tổ chức nền Giáo dục quốc dân.
Cốt lõi của hệ thống Giáo dục quốc dân nằm ngay trong khái niệm nhà trường, ở đó khâu trọng yếu duy nhất là tổ chức việc học.
Tổ chức lại việc học, chứ không phải là những thứ khác xung quanh hoặc xa lạ với việc học. Tổ chức lại cái phương thức nhà trường chứ không chạy quanh hoặc lánh xa nhà trường là nơi diễn ra việc học.
Có thay đổi “căn bản” đến đâu, “triệt để” đến đâu, cũng chỉ xoay quanh thay đổi căn bản và triệt để việc Học của con em.
Thi cử cũng xoay quanh việc học: hoàn toàn có thể bỏ thi, thay vào đó bằng cách đánh giá khác, một khi tổ chức được việc tự đánh giá và tự kiểm tra ngay trong quá trình học từ tấm bé đến lúc trưởng thành.
Công việc thay đổi hình thức đánh giá không qua thi cừ này không thoát khỏi việc tổ chức lại cách học của người học từ lớp 1 trở lên.
Công việc thay đổi cách học của toàn thể người học trong cả nước đã được Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng gợi ý rất rõ khi nói đến người học (tài liệu đã dẫn):
Trò chuyện cùng nhóm Cánh Buồm: Cải cách nhà cải cách - ưu tiên của mọi ưu tiên |
“Mỗi con người là một thế giới riêng, không ai giống ai; và mặt khác, họ đều là thành viên của một cộng đồng cùng loại".
“Triệt tiêu hoặc làm lu mờ vai trò của cá nhân sẽ làm mất động lực phát triển. Quên tư cách thành viên của cộng đồng sẽ làm hư hỏng hoặc rạn nứt nền tảng văn hóa".
“Từ những cá nhân được hoàn toàn giải phóng, được hoàn toàn tự do, phát triển tối đa theo các thế mạnh của mình, cộng lại sẽ có một cộng đồng dân tộc với sức mạnh của cấp số nhân”.
Thực hiện một cuộc đổi mới căn bản, triệt để nền Giáo dục quốc dân chính là nhằm vào cốt lõi dân trí của những con người tự do tiềm tàng đó.
Thực hiện một cuộc đổi mới căn bản, triệt để nền Giáo dục quốc dân không thể bỏ qua sự học nhằm vào cốt lõi dân trí của những con người tự do tiềm tàng đó.
Đối xử với những học sinh tiềm tàng một nhân cách tự do không thể bằng những giải pháp thiếu tự do.
Hãy để các cá nhân và các nhóm được tự do đề xuất chương trình giáo dục được định nghĩa như một lý tưởng đào tạo và sách giáo khoa như những bạn đồng hành của giáo viên và học sinh trên con đường đi tới lý tưởng.
Không một nhóm nào (trừ nhóm lợi ích) dám cam đoan sẽ không lặp lại bài học cũ, nếu vẫn không thay đổi tư duy giáo dục lấy việc Học của con em làm trung tâm nghiên cứu.
Hãy đối xử với các sản phẩm tổ chức lại việc học của các nhóm một cách dân chủ, không thiên vị bên nào.
Vẫn chưa muộn để “đoàn kết lại” với Công nghệ Giáo dục hoặc phương án dỡ ra làm lại từ đầu mang tên tác giả Hồ Ngọc Đại.
Theo cách này, ngay một giải pháp rất tự tin như của Hồ Ngọc Đại cũng phải tự điều chỉnh để càng ngày càng xứng là một giải pháp mang tầm quốc gia.
Khi người dân có nhiều giải pháp để chọn lựa, sẽ không lường được kết quả sẽ tốt đẹp như thế nào.
Một kết luận
Bàn mọi chuyện, đi đâu về đâu rồi cũng đến chỉ một nguồn ánh sáng: nhà giáo dục, đứng trên mọi cương vị, làm việc gì cũng phải xoay quanh việc học của con em, không đi theo hướng đó thì có tháo gỡ được bao nhiêu vẫn chưa đi đúng đường của nhà giáo dục!
Hà Nội, 19 tháng Ba 2017
__________________________________
Chú thích của tác giả
[1] Vũ Ngọc Hoàng, Đổi mới giáo dục và món nợ với cha ông,
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Doi-moi-giao-duc-va-mon-no-voi-cha-ong-post174910.gd
Không làm rõ, nắm chắc triết lý, mục tiêu giáo dục, đổi mới sẽ mất phương hướng, http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Khong-lam-ro-nam-chac-triet-ly-muc-tieu-giao-duc-doi-moi-se-mat-phuong-huong-post174911.gd
Thầy phải là người bạn lớn, bình đẳng, đồng hành cùng học trò đi tìm chân lý. http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Thay-phai-la-nguoi-ban-lon-binh-dang-dong-hanh-cung-hoc-tro-di-tim-chan-ly-post174959.gd
Khoa học chính trị, lịch sử nhất định phải đổi mới tư duy dạy và học, http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Khoa-hoc-chinh-tri-lich-su-nhat-dinh-phai-doi-moi-tu-duy-day-va-hoc-post174962.gd
Tính hệ thống trong nền giáo dục nước ta đang bị chặt khúc, thiếu liên kết, http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tinh-he-thong-trong-nen-giao-duc-nuoc-ta-dang-bi-chat-khuc-thieu-lien-ket-post174964.gd
Một số vấn đề nổi cộm trong quản lý giáo dục, http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Mot-so-van-de-noi-com-trong-quan-ly-giao-duc-post174965.gd
[2] Hồ Ngọc Đại, nhiều tài liệu được nhà xuất bản Giáo dục tái bản, từ 1982 đến nay, như Tâm lý học dạy học, Bài học là gì?, Công nghệ giáo dục, Cái và Cách, Vấn đề dạy văn … cùng rất nhiều Sách giáo khoa thực nghiệm bậc tiểu học.
[3] Xem lại phiên trả lời chất vấn: http://vtv.vn/goc-khan-gia/xem-lai-phien-tra-loi-chat-van-cua-bo-truong-bo-giao-duc-va-dao-tao-2015061421151649.htm
[4] Gaston Bachelard, Sự hình thành tinh thần khoa học, Tri thức xuất bản, Hà Nội, 2010.
[5] Nguyễn Tiến Dũng, Phản biện giáo sư Hồ Ngọc Đại về Giáo dục (bài từ 1 đến 6) http://thinhoi001-thinhoi001.blogspot.com/2012/07/phan-bien-gs-ho-ngoc-ai-ve-giao-duc-1.html
Đường dẫn trên có gần đủ những bài cả hưởng ứng lẫn phản biện khác.
[6] Sau bài viết của Hồ Ngọc Đại, Nếu có công nghệ giáo dục, 30 năm sau sẽ có một dân tộc khác, http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/GS-Ho-Ngoc-Dai-Neu-co-cong-nghe-giao-duc-30-nam-sau-se-co-mot-dan-toc-khac-post168814.gd có nhiều ý kiến hiểu không thấu đáo, rất khó tranh luận, thí dụ:
“Xin hỏi Giáo sư: Thực nghiệm từ 1985, có phải đến nay đã 31 năm rồi không? Vậy những lớp thực nghiệm đầu tiên, họ đã thành người gì cả rồi?” (hiểu nhầm “thực nghiệm” là gì);
“30 năm sau sẽ có một dân tộc khác là khác thế nào giáo sư có thể dự đoán được chưa.” (hiểu nhầm “dân tộc khác” là gì);
“Giáo sư giải thích cho tôi rõ câu "họ dạy một lớp 30 học sinh còn tôi dạy 30 học sinh trong một lớp" ngữ nghĩa là thế nào ạ tôi không hiểu đó là nghệ thuật đảo ngữ hay là gì vậy?” (không hiểu đầy đủ một cách diễn đạt);
“Ông GS này định biến dân tộc Việt Nam thành dân tộc gì đây? Hãy dẹp ngay cái công nghệ vớ vẩn đó đi. Chúng tôi không muốn trở thành một dân tộc khác; hãy để cho trẻ em được làm người đừng lấy các con làm vật thí nghiệm nữa!!!!” (vẫn hiểu nhầm “dân tộc khác” là gì); vân vân …