Gia Lai yêu cầu có chính sách thuận lợi để thu hút, phát triển trường NCL

24/08/2022 06:56
MINH THẢO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Các điểm trường nhỏ, lẻ được yêu cầu sáp nhập, đồng thời chuyển biên chế giáo viên dôi dư từ các cơ sở đào tạo được sáp nhập, giải thể về trường phổ thông.

Ngày 23/8, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai có công văn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ cùng các cơ quan liên quan về việc: “triển khai thực hiện các nội dung về sắp xếp, tổ chức lại trường, lớp".

Gia Lai sẽ tiến hành sắp xếp, tổ chức lại trường lớp trước thềm năm học mới trong bối cảnh thiếu giáo viên nghiêm trọng. Ảnh: MT

Gia Lai sẽ tiến hành sắp xếp, tổ chức lại trường lớp trước thềm năm học mới trong bối cảnh thiếu giáo viên nghiêm trọng. Ảnh: MT

Theo đó, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương triển khai thực hiện công tác rà soát, tổ chức lại các trường mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục.

Sắp xếp lại các trường phổ thông có quy mô nhỏ trên cùng địa bàn xã hoặc liên xã để hình thành trường phổ thông có nhiều cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng địa phương.

Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học theo quy định pháp luật hiện hành; Sáp nhập các điểm trường gần nhau trên địa bàn xã, liên xã (chỉ thực hiện trong phạm vi huyện).

Kiên quyết thu gọn, giảm các điểm trường đối với các địa phương thực hiện chưa triệt để, bảo đảm nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục.

Thực hiện dồn lớp để đạt tỷ lệ học sinh/lớp đến mức tối đa theo điều lệ của từng cấp, bậc học; kiểm soát chặt chẽ việc thành lập mới điểm trường và trường, bắt đầu thực hiện từ năm học 2022- 2023.

Để xử lý tình trạng thiếu giáo viên trong ngành giáo dục, tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo phải đẩy mạnh xã hội hóa các lớp nhà trẻ, mầm non ở những địa bàn phường, thị trấn vùng thuận lợi, có khả năng xã hội hóa cao.

Đồng thời, có chính sách thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc thành lập trường mầm non, phổ thông ngoài công lập ở những nơi có điều kiện; bố trí đủ giáo viên dạy 2 buổi/ngày; chuyển biên chế giáo viên dôi dư từ các cơ sở đào tạo được sáp nhập, giải thể về trường phổ thông.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cũng giao Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án thành lập trường đa cấp học nhằm tiết kiệm biên chế giáo viên và tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận các mô hình giáo dục hiện đại, tiên tiến.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng giao Sở Nội vụ tổ chức việc giao biên chế sự nghiệp trên cơ sở phương án sáp nhập các trường/điểm trường, dồn dịch lớp học.

Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Gia Lai đề nghị có sự phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án tổ chức lại các trường phổ thông với trường trung học phổ thông có quy mô dưới 15 lớp trên cùng địa bàn cấp xã để hình thành mô hình trường có nhiều cấp học.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc sáp nhập trường/điểm trường, đảm bảo việc bố trí sĩ số học sinh đúng quy định theo phân cấp quản lý (bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở);

Đối với các huyện, thị xã, thành phố chưa thực hiện đủ chỉ tiêu giảm đủ 10% số cơ sở giáo dục công lập trong giai đoạn từ năm 2017-2021, tiếp tục rà soát, điều chỉnh đề án/kế hoạch với mục tiêu đến năm 2025 giảm 10% số cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Thực hiện việc dồn lớp, tăng sĩ số học sinh/lớp đến mức tối đa theo điều lệ của từng cấp, bậc học đối với các địa phương chưa đạt.

Dồn ghép các điểm trường gần nhau trên cùng địa bàn xã hoặc liên xã; dồn ghép các điểm trường ở các trường có số điểm trường vượt quy định so với Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT.

Sáp nhập các điểm trường có sĩ số học sinh/lớp thấp đảm bảo nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai, bước vào năm học mới 2022-2023, tỉnh vẫn đang thiếu khoảng 3.721 giáo viên ở các cấp học.

MINH THẢO