32 sở Giáo dục bàn giải pháp thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới

23/03/2019 07:31
TẤN TÀI
(GDVN) - Lãnh đạo ngành giáo dục 32 địa phương phía Nam đã đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngày 22/3, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo khoa học “giải pháp quản lý thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới” với sự tham gia của lãnh đạo ngành giáo dục 32 tỉnh, thành phía Nam và đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhiều vấn đề nóng được mổ xẻ

Theo Phó Giáo sư Hà Thanh Việt – Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh cho biết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý việc triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới là vấn đề “nóng”, được nhiều chuyên gia, lãnh đạo sở quan tâm.

Đại diện lãnh đạo 32 sở Giáo dục và Đào tạo phía Nam chia sẻ giải pháp quản lý thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Ảnh: TT
Đại diện lãnh đạo 32 sở Giáo dục và Đào tạo phía Nam chia sẻ giải pháp quản lý thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Ảnh: TT

“Với cách nhìn thực tế, ngoài việc phản ánh những thuận lợi, vướng mắc, khó khăn chung của ngành, địa phương… các chuyên gia, lãnh đạo sở cũng phân tích thực trạng của ngành giáo dục như: đội ngũ, cơ sở vật chất, kinh phí, năng lực quản lý.

Các yêu cầu nhằm đáp ứng tốt công tác tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đồng thời, đã có nhiều đề xuất về giải pháp, biện pháp nhằm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới”, Phó Giáo sư Việt cho hay.

Ai trả tiền viết sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới?

Nhóm vấn đề thứ hai được quan tâm là nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hầu hết, các ý kiến đều xác định, cùng với đội ngũ nhà giáo, vai trò của cán bộ quản lý giáo dục có tính quyết định đến việc tổ chức thành công chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt là vai trò của Hiệu trưởng.

Tại hội thảo lần này, các chuyên nhà, nhà quản lý giáo dục cũng đã khẳng định vai trò quan trọng của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Do đó, đổi mới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng là yêu cầu cấp thiết và là đòi hỏi của ngành giáo dục hiện nay.

Vấn đề nóng cuối cùng nhận được nhiều sự quan tâm là đổi mới hoạt động giảng dạy, giáo dục nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới.

Trong đó, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn của các thầy, cô giáo để từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy.

Vai trò của sở Giáo dục

Để thực hiện thành công chương trình, sách giáo khoa mới thì các sở Giáo dục và Đào tạo địa phương đóng một vai trò cực kỳ quan trọng.

Ông Phan Đoàn Thái – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận cho rằng, trước và trong quá trình triển khai chương trình và sách giáo khoa mới ở địa phương thì sở Giáo dục phải thực hiện những nhiệm vụ lớn.

Nhiều ý kiến về chương trình mới gửi Bộ trưởng Nhạ!

Cụ thể, cử cán bộ, giáo viên dự tập huấn báo cáo viên cấp tỉnh do Bộ tổ chức, tổ chức bồi dưỡng cán bộ, giáo viên trong tỉnh về thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới;

Trang bị phương tiện dạy học, xây dựng phòng bộ môn, phòng thực hành phù hợp.

Bổ nhiệm, tuyển dụng mới cán bộ, giáo viên đáp ứng nhu cầu thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.

“Việc thay đổi cấu trúc chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và việc chia ra môn bắt buộc, môn tự chọn có thể làm thay đổi ít nhiều nhu cầu giáo viên phổ thông ở từng đơn vị, gây ra tình trạng thừa thiếu giáo viên.

Ngoài ra, chương trình, sách giáo khoa mới cũng đòi hỏi những năng lực mới ở cán bộ quản lý cấp trường học và giáo viên phổ thông.

Vì vậy, việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục mới và việc phối hợp với các trường sư phạm để đào tạo giáo viên;

Đáp ứng nhu cầu thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới là một trong những công tác mà sở giáo dục cần quan tâm, điều tra, khảo sát để dự báo chính xác và xây dựng kế hoạch đón đấu thực hiện nội dung này, không để bị động”, ông Thái phân tích thêm.

Ngoài ra, nhiệm vụ của Sở là triển khai kịp thời chỉ đạo của Bộ đến các trường phổ thông và tổ chức sơ kết, đánh giá.

Những nhiệm vụ nói trên cho thấy sở Giáo dục không phải là cơ quan thực thi bị động mà là cơ quan bản lề, có vai trò đặc biệt quan trọng trong triển khai chương trình và sách giáo khoa mới.

“Là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trung gian giữa cấp quốc gia và cấp huyện, sở Giáo dục chịu trách nhiệm về con người lẫn cơ sở vật chất và kinh phí trong việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới.

Một trách nhiệm lớn quyết định sự thành công hay thất bại của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, lo sự cạnh tranh thiếu lành mạnh

Trong thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới theo Thông tư 32/2018 thì sở Giáo dục là cơ quan bản lề đóng nhiều vai trò vì vừa thực thi sự chỉ đạo của Bộ, vừa chỉ đạo lại cơ quan giáo dục trên địa bàn (phòng giáo dục, trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên).

Vừa tổ chức triển khai thực hiện chương trình và sách giáo khoa, vừa lắng nghe ý kiến của cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh để sơ kết, đánh giá nhằm tự điều chỉnh hoặc đề nghị Bộ chỉ đạo điều chỉnh”, ông Thái nói.

Tại hội thảo lần này, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cũng đã phân tích sâu những vấn đề như: khó khăn khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới;

Những giải pháp để tháo dỡ khó khăn, tình hình triển khai chuẩn bị cho chương trình, sách giáo khoa mới tại các địa phương như thế nào?

Vai trò của Hiệu trưởng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ra sao?... Tất cả vấn đề này sẽ được chúng tôi trình bày trong các số sau.

TẤN TÀI