LTS: Từng trải qua hai đề án 322 và 911, Đại học Đà Nẵng đã thu về được những “quả ngọt” khi thu hút được đội ngũ giảng viên, nghiên cứu chất lượng cao từ nước ngoài về.
Tuy nhiên, hai đề án trên cũng để lại nhiều bất cập, thiếu sót và nhiệm vụ của đề án 89 là giải quyết những tồn tại đó.
Liên quan đến vấn đề này, Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư Lê Thành Bắc – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng về sự chuẩn bị của các trường trước khi triển khai đề án.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.
Phóng viên: Thưa thầy, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai đề án 89 nhằm mục tiêu đào tạo đội ngũ Thạc sĩ, Tiến sĩ cho các trường Đại học, theo quan điểm của thầy thì việc bỏ ngân sách ra đào tạo giảng viên cho các trường có còn phù hợp? Và đề án này có ý nghĩa gì với các trường đại học hiện nay?
Phó Giáo sư Lê Thành Bắc: Để xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu (Tiến sĩ, Thạc sĩ cho ngành đặc thù, chuyên môn cho cán bộ quản lý), đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước, gắn với yêu cầu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của công nghiệp 4.0.
Theo tôi thì việc nhà nước đầu tư ngân sách cho mục tiêu đào tạo giảng viên là phù hợp và cần thiết (vấn đề là triển khai ra sao để đạt hiệu quả cao mà thôi).
Hiện nay, theo tôi biết thì tỷ lệ Tiến sĩ/giảng viên trung bình tại các trường Đại học Việt Nam khoảng trên dưới 27%, đây là một tỷ lệ còn khá khiêm tốn so với các nước đang phát triển (khoảng trên 50%).
Tỷ lệ giảng viên trình độ cao ảnh hưởng mang tính quyết định đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học (2 nhiệm vụ cơ bản của một Đại học), số lượng công bố khoa học và xếp loại thứ hạng mỗi trường đại học.
Chính vì vậy, đề án với mục tiêu tăng số lượng tiến sĩ (dự kiến thêm lên 10%) mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Ngoài ra các cơ sở giáo dục đã được Bộ Giáo dục và Đào phê duyệt tham gia đề án 89 được tự chủ trong việc tuyển sinh và tổ chức đào tạo.
Điều này thêm cơ hội cho giảng viên và những người có nguyện vọng trở thành giảng viên có điều kiện để được học Tiến sĩ. Giúp cho các trường tham gia đề án tăng chất lượng và số lượng đào tạo sau đại học.
Phó Giáo sư Lê Thành Bắc – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nêu ra những điểm mới của đề án 89 so với các đề án trước đó. Ảnh: TT |
Phóng viên:Thực tế trước đây đã có hai đề án đào tạo trình độ Tiến sĩ là đề án 322 và 911 nhưng cả hai đề án này đều tồn tại nhiều bất cập. Trong đó có vấn đề giảng viên nhận tiền ngân sách đi học nước ngoài xong không về.
Có trường hợp trở về công tác nhưng không nhận được mức đãi ngộ xứng đáng (mức lương thấp) nên bỏ ra ngoài. Hoặc phân công bố trí công tác giảng dạy không phù hợp…
Vậy, đề án 89 phải khắc phục những bất cập này ra sao? Theo quan điểm của thầy thì để giải quyết các vấn đề trên, bản thân các trường Đại học cần phải làm gì?
Phó Giáo sư Lê Thành Bắc:Đúng là việc triển khai đề án 322 và 911 ngoài những hiệu quả tích cực đã mang lại là đã góp phần tăng đội ngũ trình độ cao (Tiến sĩ, Thạc sĩ), đây là thực tế không thể phủ nhận, tuy nhiên cả hai đề án này cũng đã cho thấy tồn tại khá nhiều bất cập.
Có thể kể đến 5 bất cập lớn là:
Thứ nhất, cơ chế tài chính không hấp dẫn bằng các chương trình học bổng nước ngoài khác, mức sinh hoạt phí cho lưu học sinh còn thấp, hay chuyển chậm gây ít nhiều khó khăn.
Thực tế nhiều giảng viên dù quan tâm đến đề án 911 nhưng khi nhận được học bổng nước ngoài khác, họ sẽ chọn học bổng nước ngoài trước, sau mới đến học bổng đề án.
Thứ hai, phương thức đào tạo phối hợp gặp khó khăn do nhiều người học hạn chế về ngoại ngữ, việc hỗ trợ bồi dưỡng ngoại ngữ cho ứng viên chưa được chú trọng đúng mức.
Dẫn đến phương thức đào tạo phối hợp chưa cho thấy có sự khác biệt đáng kể so với đào tạo tiến sĩ trong nước.
Thứ ba, số Tiến sĩ sau tốt nghiệp trở về nước làm việc còn ít, cải thiện chưa nhiều tỷ lệ Tiến sĩ/giảng viên. Quy định trong việc cử người đi học còn cứng quá nên đã không khuyến khích được nhiều ứng viên tham gia.
Thứ tư, đã xảy ra việc giảng viên hoàn thành chương trình học về nước xin thôi việc, một số học tại nước ngoài ở lại không về nước, một số giảng viên không hoàn thành khóa học vì lý do khách quan (sức khỏe, bị trường buộc thôi học…). Các trường hợp này đã làm hạn chế mục tiêu ban đầu của các đề án.
Thứ năm, sau khi về nước phần nhiều chưa phát huy được năng lực của mình, thiếu môi trường để phát triển nghiên cứu tiếp.
Chưa cùng nhau phối hợp nghiên cứu tạo thành các nhóm nghiên cứu mạnh để giải quyết nhiệm vụ khoa học lớn của đất nước đang đặt ra.
Chế độ đãi ngộ cho viên chức sau khi hoàn thành chương trình đào tạo về còn thấp, dẫn đến 1 số xin thôi việc hoặc xin chuyển công tác (đây có lẽ là bất cập lớn nhất).
Để đề án 89 khắc phục được những bất cập, hạn chế của các đề án trước, thì phải cần sự nỗ lực của tất cả các Bộ, ngành liên quan đến đề án chứ chỉ các trường Đại học thì cũng không thể nào giải quyết được.
Theo tôi thì đề án 89 đã được Ban soạn thảo xem xét tới những hạn chế của 322, 911 cho nên bổ sung có một số điểm mới:
Đó là, trên cơ sở số lượng ứng viên trúng tuyển theo đề án 89 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong công tác tuyển chọn ứng viên cử đi đào tạo, quản lý kinh phí, theo dõi quá trình đào tạo cho tới việc sử dụng giảng viên sau đào tạo và bồi hoàn kinh phí (nếu có).
Việc giao cho trường trực tiếp quản lý học viên thì với mỗi trường số lượng ít nhiều so với Bộ trực tiếp quản sẽ góp phần tăng hiệu quả hơn.
Đề án đã tăng kinh phí cho việc đào tạo trong và ngoài nước đáp ứng chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hành, thí nghiệm, thực tập và công bố kết quả trên các tạp chí uy tín.
Điều này đã tạo ra sự hấp dẫn của đề án với ứng viên, qua đó có thể cạnh tranh với các hổng bổng khác.
Đề án cho phép các cơ sở giáo dục Đại học đủ điều kiện sẽ tự chủ trong tuyển sinh và tổ chức đào tạo với số đào tạo trong nước (khoảng 30% chỉ tiêu), trên nguyên tắc chia sẻ kinh phí giữa nhà nước và cơ sở cử giảng viên đi tham gia đào tạo.
Việc này đã tạo thêm nguồn sau đại học cho các trường do hiện tại nguồn tuyển sau đại học trong nước đều giảm.
Trong đề án quy định các đối tác nước ngoài được lựa chọn để cử đi đào tạo là những ngành có uy tín, trong top 500 trong các bảng sếp hạng uy tín quốc tế.
Điều này sẽ tăng chất lượng đào tạo, tuy nhiên có ý kiến là Bảng xếp hạng cụ thể nào. Bởi hiện nay có khá nhiều bảng xếp hạng các trường Đại học trên thế giới;
Ngoài ra, theo tôi thì ngay với việc lựa chọn các trường trong nước để tham gia đào tạo thì Bộ cũng nên lưu ý chọn các cơ sở đã được kiểm định, có thứ hạng cao trong nước, các ngành có chương trình đào tạo được kiểm định bởi các Tổ chức kiểm định uy tín.
Để thực hiện tốt đề án, trước tiên các trường nghiêm túc triển khai đúng yêu cầu của đề án, đặc biệt chú trọng công tác giới thiệu ứng viên, xây dựng các cam kết (với người học, với cơ sở nhận đào tạo).
Theo dõi thường xuyên quá trình học tập của ứng viên mình cử đi học, trường cam kết bố trí công tác hợp lý khi hoàn thành khóa học.
Trường cần xây dựng quy định riêng về quản lý, cấp phát tài chính, xử lý đền bù… đối với các ứng viên theo đề án 89.
Ngoài ra, theo tôi, các trường nên chọn cử nhóm ứng viên (thay vì riêng lẻ) đi nghiên cứu theo hướng lĩnh vực ưu tiên của trường để khi trở về sớm có được nhóm nghiên cứu mạnh.
Trong số tiếp theo, Phó giáo sư Lê Thành Bắc - Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng sẽ đề cập đến vấn đề khá nhạy cảm trong các đền án là việc thu hồi kinh phí đào tạo đối với các học viên không hoàn thành cam kết.
Cũng như những chứng cứ pháp lý cần ràng buộc chặt chẽ để đảm bảo nguồn ngân sách của nhà nước không bị hao hụt, lãng phí.
(Còn nữa)