6 biểu hiện của những giáo viên lười, ngại đổi mới

29/11/2020 07:15
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN - Trong giáo dục, gặp thầy cô lười không chỉ thiệt thòi cho những học sinh ấy mà ngành giáo dục cũng chịu một tổn thất rất lớn.

Lười được hiểu là ở trạng thái không thích, ngại làm việc, ít chịu cố gắng. Người lười thì làm trong bất kỳ công việc nào, ngành nghề nào cũng sẽ không mang lại hiệu quả.

Đặc biệt trong giáo dục, gặp thầy cô lười không chỉ thiệt thòi cho những học sinh ấy mà ngành giáo dục cũng chịu một tổn thất rất lớn.

Không phải giáo viên nào cũng nhiệt tình khi lên lớp (Ảnh minh họa: Báo Dân tộc và Phát triển)

Không phải giáo viên nào cũng nhiệt tình khi lên lớp (Ảnh minh họa: Báo Dân tộc và Phát triển)

Nếu hỏi, trong ngành giáo dục có thầy cô giáo lười không? Theo quan sát của người viết với các đồng nghiệp xung quanh, câu trả lời là có. Những biểu hiện nào để nhận biết đó là những thầy cô giáo lười?

Những biểu hiện dễ nhìn thấy nhất

Thứ nhất, luôn kêu ca khi được nhà trường phân công công việc. Tìm mọi cách từ chối tham gia các hoạt động phong trào của lớp, của trường, của ngành. Khi bắt buộc phải làm thì làm đại khái, làm qua loa chiếu lệ cho có.

Thứ hai, luôn phản đối những đổi mới của ngành và bảo thủ những cái cũ mặc dù biết khiếm khuyết.

Thứ ba, đến giờ vào lớp, hết giờ bước ra mà không quan tâm đến bất cứ chuyện gì khác ngoài công việc giảng dạy của mình. Nếu là giáo viên chủ nhiệm thì mọi việc đều giao phó hoàn toàn cho học sinh tự làm.

Thứ tư, vào lớp chủ yếu chỉ ngồi một chỗ mà không di chuyển đến từng nhóm, từng bàn quan sát học sinh để hỗ trợ các em khi cần, để kèm thêm cho những học sinh tiếp thu còn chậm.

Thứ năm, không chịu học hỏi để đổi mới phương pháp dạy học. Luôn trung thành với cách giảng dạy, quản lý học sinh của nhiều năm về trước.

Thứ sáu, hồ sơ sổ sách, kế hoạch cá nhân luôn mượn của đồng nghiệp để sao chép chứ không bao giờ tự làm.

Giải pháp nào hạn chế tình trạng giáo viên lười?

Hiện tượng giáo viên lười dạy học, lười tham gia các hoạt động giáo dục, lười học hỏi để nâng cao trình độ, lười đồng thuận với những đổi mới của ngành như phản ánh của chúng tôi vừa rồi không phải là hiếm.

Theo quan sát của cá nhân người viết, có khá nhiều trường học mà tôi biết, hiện nay đều có những thầy cô giáo lười đổi mới. Có khẳng định ngay rằng, những thầy cô giáo lười chính là lực cản trong công cuộc đổi mới giáo dục.

Trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục hiện nay, có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ các nhà giáo.

Để hạn chế tình trạng trên, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đầu tiên, cấp trên cần sàng lọc để thay thế những ban giám hiệu trường học làm việc không hiệu quả, yếu năng lực. Khi có được cán bộ quản lý giỏi chắc chắn sẽ có được một đội ngũ giáo viên tốt, nhiệt tình.

Thứ hai, nhà trường cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc dạy, việc quản lý lớp, tham gia các phong trào giáo dục của giáo viên để có hình thức khen thưởng hay nhắc nhở giáo viên kịp thời.

Thứ ba, thực hiện tốt việc đánh giá công chức hằng năm một cách trung thực, công tâm. Xếp loại đúng mức các giáo viên khi không hoàn thành nhiệm vụ. Vì theo quy định mới nếu giáo viên bị xếp loại 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị buộc thôi việc.

Thứ tư, thực hiện tốt việc luân chuyển giáo viên hàng năm khi không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Đồng thời sẽ tạo điều kiện cho những giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được chọn trường theo nhu cầu.

Thứ năm, nhà nước cũng cần quan tâm đến chế độ lương, thưởng cho giáo viên. Một khi lương bổng đủ sống, thầy cô giáo ít phải vất vả lo kế mưu sinh thì sẽ dành nhiều thời gian cho công việc của mình.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả là một giáo viên tiểu học đang đứng lớp.

Đỗ Quyên