Ánh mắt học trò khiến cô Thúy vượt qua cảnh ‘một chốn, bốn quê’

31/01/2020 07:00
Trần Phương
(GDVN) - Hạnh phúc có con sau thời gian dài chờ đợi chưa được bao lâu, cô Thúy phải nén lòng để lại con nơi nhà ngoại để lên đường gieo chữ trong dãy Trường Sơn

Như lời thầy Phạm Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh (Hướng Hóa, Quảng Trị), cô giáo Lê Thị Thúy là một trong những giáo viên có hoàn cảnh rất đặc biệt ở mảnh đất khó như xã Thanh.

Không chỉ vượt qua nghịch cảnh của bản thân, cô Thúy còn đảm bảo tốt công tác giảng dạy, làm bạn với học trò ở vùng biên giới còn quá nhiều khó khăn như xã  Thanh.

Dành cả thanh xuân tại những ngôi trường vùng khó, cô giáo Lê Thị Thúy đã có thâm niên 14 năm giảng dạy ở xã Thanh.

Người bạn đời của cô cũng là một thầy giáo dạy ở xã Xy, một xã vùng biên giới khác cũng đặc biệt khó khăn.

Hai người song hành từ những ngày trường học và cuộc sống của bà con vô cùng vất vả, điều kiện học tập cho học sinh hết sức thiếu thốn.

Cô giáo Lê Thị Thúy và học trò Hồ Thị Ơn. Ảnh: LC
Cô giáo Lê Thị Thúy và học trò Hồ Thị Ơn. Ảnh: LC

Cô giáo Thúy cũng như nhiều thầy cô giáo khác cũng từng đi qua những ngày tháng mà trường lớp chỉ là những phòng học tranh tre, nứa lá, bàn ghế chỉ là những phiến gỗ đóng tạm.

Không chỉ vượt qua những khó khăn của những điều kiện thiếu thốn trong công việc, hai người cũng phải chờ đợi dòng dã 11 năm sau ngày cưới mới có tin vui, khi cô Thúy sinh hạ được hai bé song sinh.

Khi hai đứa trẻ song sinh ra đời, hạnh phúc đã vỡ òa không chỉ với vợ chồng cô giáo Thúy mà còn là hạnh phúc của bạn bè, đồng nghiệp.

Ước mơ về một ngôi trường bán trú cho học trò dưới chân dãy Trường Sơn
Ước mơ về một ngôi trường bán trú cho học trò dưới chân dãy Trường Sơn

Thế nhưng, hạnh phúc bên con với cô giáo Thúy thật ngắn ngủi khi điều kiện nhà chồng neo đơn, thầy phải về quê công tác, hương khói cho mẹ già đã khuất, cô Thúy phải để con ở nhà ngoại, một mình vượt đèo vào sâu trong dãy Trường Sơn tiếp tục sự nghiệp “gieo chữ, chồng người”.

Ở trường Trung học cơ sở Thanh, có lẽ không nhiều thầy cô giáo phải gặp cảnh “một chốn, bốn quê” như cô giáo Lê Thị Thúy khi các con ở nhà ngoại ở huyện Cam Lộ, chồng dạy ở huyện Hải Lăng, còn cô giáo Thúy, hàng tuần về thăm con rồi lại ngược 75km trở lại trường với học trò.

Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Thúy cho biết: “Cũng vì hoàn cảnh thôi ạ, vợ chồng cũng động viên nhau, thay vì chán nản hoàn cảnh khó khăn, cùng động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cố gắng vì con và cũng vì học trò của mình, lấy đó làm hạnh phúc và động lực để mình vượt qua”.

Học trò ở xã Thanh còn vất vả nên nhiều em phải đi rừng, đi suối với cha mẹ thay vì phải đến lớp học. Ảnh: LC
Học trò ở xã Thanh còn vất vả nên nhiều em phải đi rừng, đi suối với cha mẹ thay vì phải đến lớp học. Ảnh: LC

Chúng tôi thắc mắc, điều gì khiến một cô giáo nhỏ bé có thể vượt qua rất nhiều nghịch cảnh, khắc phục khó khăn để tiếp tục bám trường, bám lớp, hoàn thành tốt nhiệm vụ của một nhà giáo, một người vợ, một người mẹ? và câu trả lời của cô giáo Thúy là vì học trò.

“Em thì thương học trò ở đây lắm, các em hoàn cảnh khó khăn, đặc thù của cha mẹ ở vùng này rất khó để trẻ có thể sẻ chia, bầu bạn nên thầy cô giáo không chỉ là người thầy mà còn là người bạn để các bạn chia sẻ.

Trong nhiều điều kiện hoàn cảnh khó khăn, tuổi cũng mới lớn, các em thường chán nản và đi vào vòng luẩn quẩn khi kết hôn sớm, nghèo lại quấn trong cái nghèo.

Những câu chuyện chia sẻ với các em ngoài giờ trên lớp cũng giúp các em rất nhiều trong việc thay đổi nhận thức”, cô giáo Thúy cho biết.

Bữa cơm kham khổ của học sinh Tiểu học nơi vùng biên giới Quảng Trị
Bữa cơm kham khổ của học sinh Tiểu học nơi vùng biên giới Quảng Trị

“Cũng có lúc nghĩ đến ánh mắt học trò cần mình nên cũng cố vượt qua hoàn cảnh của bản thân để ở lại với trường. Các em ở đây nhiều lúc ảnh hưởng ngoài xã hội nên rất dễ chệch hướng, đặc biệt là các em học sinh độ tuổi Trung học cơ sở, tuổi chuyển biến về tâm lý. Thiếu nguồn động viên của người lớn, các em rất dễ bỏ học, bỏ trường, bỏ lớp”, cô Thúy tâm sự.

Ngồi cạnh cô giáo Thúy, cô học trò Hồ Thị Ơn (học sinh lớp 9B), một trong những học sinh học tốt nhất trường, hỏi Ơn về ước mơ, Ơn bảo, em sẽ là cô giáo như cô giáo Thúy.

Khi được hỏi cô giáo quá vất vả như vậy em có muốn theo không, Ơn bảo, em biết cô giáo Thúy vất vả lắm nhưng em chỉ thích làm cô giáo thôi.

Em sẽ cố học thật giỏi để được làm cô giáo như cô Thúy.

Không nhiều học trò ở vùng đất khó như xã Thanh có được ước mơ và xác định ước mơ như em Hồ Thị Ơn.

Dẫu là ít nhưng đó cũng là động lực để cô giáo Thúy cùng nhiều thầy cô giáo ở lại với núi rừng Trường Sơn, gắn bó với dòng Xê – Pôn “gieo chữ, trồng người”.

Bữa cơm học trò vùng khó, cái nghèo có thể khiến các em phải nghỉ học bất cứ lúc nào.
Bữa cơm học trò vùng khó, cái nghèo có thể khiến các em phải nghỉ học bất cứ lúc nào.

Nói về công tác ở vùng khó, cô giáo Thúy cho biết, cái khó lớn nhất của các thầy cô giáo ở xã Thanh không hẳn là điều kiện cơ sở vật chất, đường xá đi lại mà cái khó lớn nhất là nếp nghĩ của đồng bào dân tộc.

Đã không ít lần cô giáo Thúy gặp câu hỏi khó của học trò, “Em học xong thì làm gì ạ? Bạn em bằng tuổi em không đi học, ở nhà, bạn có chồng, có con, có nhà. Còn em đi học xong về vẫn chẳng có gì?”.

Trước những câu hỏi khó ấy, cô Thúy kiên trì thuyết phục học trò bằng tất cả tấm lòng của nhà giáo có.

Những sự chuyển biến có thể chưa đến ngay, nhưng cô Thúy tin rằng với chân tình của người làm nghề giáo, học trò sẽ đổi thay.

Xã Thanh là một xã vùng biên giới khó khăn của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Tại xã Thanh đồng bào dân tộc Vân Kiều chiếm 94,16%, hộ nghèo vẫn còn chiếm 70% dân số toàn xã, dẫu còn nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế nhưng bà con dân tộc Vân Kiều vẫn cố gắng cho con em mình học lấy cái chữ.

Tại Trường Trung học cơ sở Thanh hiện có 391 em học sinh các khối, đến từ 7 thôn. Trong đó thôn xa nhất là cách trường 7km.

Trần Phương