Áp lực sinh ra áp đặt và dễ dẫn đến sai lầm của người thầy

28/11/2018 09:43
Nhật Duy
(GDVN) - Chính vì áp lực thi đua vô hình mà dẫn đến áp lực cho nhiều giáo viên. Nếu có dịp tìm hiểu, quan sát ở các trường hiện nay thì sẽ thấy rất nhiều điều đáng bàn.

LTS: Sau sự việc cô giáo Thủy yêu cầu các em học sinh tát 231 cái vào mặt bạn tại Quảng Bình đã khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Tác giả Nhật Duy đã cho rằng, từ “áp lực” sinh ra “áp đặt” và dễ dẫn đến sai lầm của người thầy.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nghề dạy học chưa bao giờ là công việc nhàn nhã, thảnh thơi bởi nó có quá nhiều áp lực từ nhiều phía mà người thầy ngày nay đang phải đối mặt.

Song, khi đã chọn nghề nghiệp cho cuộc đời của mình thì mỗi thầy cô giáo phải lựa chọn cho mình một hướng đi đúng, phù hợp trong mọi hoàn cảnh sống và công tác.

Áp lực không có nghĩa là áp đặt lên học trò những điều vô lý. Vậy nhưng, nhiều thầy cô vẫn quen với cách quản lý, dạy học trò theo mệnh lệnh, áp đặt và gò học sinh phải làm theo ý mình.

Vì thế, đôi khi dẫn đến những sai lầm đáng tiếc xảy ra cho người thầy trong quá trình đứng lớp và dĩ nhiên, hậu quả thì bản thân người thầy đương nhiên phải gánh chịu.

Từ “áp lực” sinh ra “áp đặt” và dễ dẫn đến sai lầm của người thầy (Ảnh minh họa: TTXVN).
Từ “áp lực” sinh ra “áp đặt” và dễ dẫn đến sai lầm của người thầy (Ảnh minh họa: TTXVN).

Có lẽ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì học trò vẫn luôn cần và thích thú với những người thầy vừa nghiêm khắc nhưng lại có phong cách trẻ trung, bao dung, nhân ái và nắm được tâm lý của các em. Biết cương, biết nhu đúng lúc phù hợp với hoàn cảnh giáo dục.

Và, dĩ nhiên, học trò không bao giờ thích những thầy cô đánh học trò, chửi học trò thường xuyên trong lớp.

Các em cần sự thấu hiểu nhưng đôi lúc thầy cô lại chưa có điều kiện tìm hiểu, cảm thông với học trò. 

Vì thế, có những chuyện rất nhỏ, rất bình thường nhưng được một số thầy cô xử lý chưa tế nhị như chửi bới, kỷ luật trước lớp, thậm chí là đánh học trò khiến cho các em khó chịu, bất bình.

Nói thật, ngay cả với người lớn chúng ta mà ai đó phê bình mình bằng giọng điệu trịnh thượng, chì chiết thì mình cũng thấy khó chịu, huống chi học trò - các em cũng biết mắc cỡ, xấu hổ trước bạn bè của mình chứ.

Tuy nhiên, một số thầy cô bây giờ khi vào lớp lại rất cứng nhắc, nguyên tắc về các thủ tục hành chính. Vào lớp là điểm danh, kiểm tra bài cũ, kiểm tra vở soạn và tiến hành dạy học. Tất nhiên những bước như vậy không sai nhưng sẽ nhàm chán đối với học trò.

Nói thật, dù học sinh giỏi mức nào thì mỗi khi bị thầy cô trả bài cũng có phần lúng túng. Những học sinh yếu kém thì việc trả bài cũ lại là một cực hình.

Tuy nhiên, cứ em nào không thuộc bài là thầy cô ghi sổ đầu bài, cuối tuần đội cờ đỏ tổng hợp lại và trừ điểm thi đua, đầu tuần sau trong buổi chào cờ là nhà trường bắt đứng trước cột cờ “huấn thị”, la rầy.

Áp lực sinh ra áp đặt và dễ dẫn đến sai lầm của người thầy ảnh 2Bệnh thành tích đã tát 231 cái tê tái vào giáo dục

Rõ ràng, phương pháp này học sinh không bao giờ thích và cũng chẳng bao giờ cảm phục. 

Những em học sinh giỏi, học sinh rèn luyện tốt lại càng không muốn “chịu trận” chung với các bạn vi phạm. Bởi, các em tốt nhưng khi thầy cô ngân bản “dân ca nhạc cổ truyền” thì cả lớp, cả trường cùng nghe.

Mấy ngày nay, sự việc cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy cho học sinh tát 231 cái vào mặt em N. đã đã được hàng trăm bài báo đề cập, phản ánh, phân tích kĩ lưỡng ở mọi khía cạnh, góc độ khác nhau. Điều này cũng cho thấy đó là một phương pháp giáo dục sai lầm của giáo viên.

Học sinh cũng là con người, nhất là em học sinh đó mới lớp 6 như một tờ giấy trắng vậy mà phải hứng trọn hơn 231 cái tát vào mặt. Trong đó, cái tát cuối cùng lại là của cô giáo chủ nhiệm.

Theo phản ánh của nhiều tờ báo, trong suốt ba tháng chủ nhiệm lớp thì cô Thủy đã chỉ đạo cho học sinh trong lớp tát trên 900 cái vào mặt nhau mà phải tát mạnh, tát đau nếu không thì sẽ bị tát lại. Có lẽ đây là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong ngành giáo dục Việt Nam.

Sự việc của lớp cô Nguyễn Thị Phương Thủy nó giống như một mệnh lệnh mà học sinh là người thừa hành mệnh lệnh đó.

Cứ học sinh vi phạm là bị tát vào mặt…và có lẽ sự cố 231 cái tát vừa qua mà không được báo chí đề cập, các ban ngành vào cuộc thì chắc chắn một điều là “phương pháp giáo dục” của cô Thủy sẽ còn được “phát huy” suốt cả năm học này và có thể là các năm sau nữa.

Bởi, trước đây, cô Thủy cũng đã từng bị kỷ luật ở trường cũ vì những hành động bạo lực trước học trò của mình.

Chính vì áp lực thi đua vô hình kia mà dẫn đến áp lực cho nhiều giáo viên. Và, nếu chúng ta có dịp tìm hiểu, quan sát ở các trường hiện nay thì sẽ thấy rất nhiều điều nghi ngại đáng bàn.

Vào lớp dạy, điều giáo viên hay thấy là ban cán sự lớp luôn để sẵn quyển sổ ghi chép trên bàn. Quyển sổ này được giáo viên tạo mẫu sẵn từng danh mục. Em nào nói chuyện ghi, không mang dụng cụ học tập ghi, không soạn bài, làm bài tập ghi…

Ít nhất là 4 tổ trưởng 4 sổ, rồi lớp trưởng, lớp phó cũng có sổ ghi chép. Cuối tuần, sinh hoạt lớp là các “tiểu ban” báo cáo lên giáo viên chủ nhiệm và đương nhiên những em vi phạm này sẽ được đứng trên bục giảng để thầy cô quở trách.

Áp lực sinh ra áp đặt và dễ dẫn đến sai lầm của người thầy ảnh 3Học sinh bị tát 231 cái, tình thương biến mất, ích kỷ lên ngôi

Những em vi phạm không chỉ bị xếp loại hạnh kiểm thấp hơn các bạn mà còn bị phạt trực nhật, lao động, thậm chí có giáo viên còn áp dụng phạt tiền...

Nhiều khi học sinh phản kháng, nêu ý kiến là một số giáo viên quy cho tội vô lễ và gọi là học sinh cá biệt. Thành thử, nhiều em thụ động và làm theo mệnh lệnh của thầy cô.

Quay lại với trường hợp em học sinh H.L.N bị cô giáo chủ nhiệm yêu cầu 23 bạn tát vào mặt. Nếu như hôm ấy mà 4 em học sinh còn lại trong lớp không về nhà lấy vở bài tập thì em N còn bị thêm 40 cái nữa.

Chi tiết này cũng cho ta thấy một điều vô cùng cứng nhắc của cô giáo. Nếu như 4 em về nhà lấy bài tập mà xảy ra chuyện gì giữa đường thì cô giáo biết ăn nói sao với phụ huynh đây.

Thôi thì chuyện các em bỏ quên vở ở nhà là không đúng nhưng giáo viên nhắc nhở để các em khắc ghi, đằng này lại bắt về nhà lấy…Nhưng, dù phải tát bạn, dù phải về nhà lấy vở bài tập mà học sinh gần như phục tùng mệnh lệnh của cô một cách tuyệt đối, không hề phản kháng!

Điều sợ nhất ở nhà trường hiện nay là có những giáo viên luôn tự cho mình cái quyền luôn luôn đúng để áp đặt học trò.

Thiết nghĩ, ngành nào cũng có áp lực nhưng thầy cô đừng quá tạo sự áp đặt cho học trò, bắt các em luôn phải tuân theo mệnh lệnh của mình một cách cứng nhắc.

Nếu người thầy mải áp đặt lên học trò và bắt buộc học trò làm theo mệnh lệnh của mình thì chắc chắn một điều là “sản phẩm” giáo dục đó sẽ khó thành những “sản phẩm” tốt cho xã hội sau này.

Nhật Duy