Bài học giáo dục về khởi nghiệp

15/07/2017 09:35
Giáo sư John Vũ
(GDVN) - Khởi nghiệp nên dạy trong trường công nghệ, bởi sai lầm thường phạm phải trong kinh doanh là việc họ đối xử với công ty khởi nghiệp giống như một công ty nhỏ

LTS: Để có được phương pháp khởi nghiệp thành công đó là một việc không mấy dễ dàng. Nhưng, muốn làm được điều đó, trước hết các bạn sinh viên cần phải học cách thất bại, xem như một bài học kinh nghiệm để xây dựng nên tính kiên cường và bản lĩnh.

Nhằm giúp các bạn sinh viên có được những bài học giáo dục về việc khởi nghiệp, Giáo sư John Vũ đã gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam bài viết này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Một người bạn đã hỏi tôi: “Nếu khởi nghiệp là khoa học mà có thể được dạy, thì làm sao các nước đang phát triển lại có thể dạy sinh viên tạo ra các công ty khởi nghiệp để cải tiến nền kinh tế và giải quyết vấn đề thất nghiệp”.

Tôi bảo anh ấy: “Điều đó phải bắt đầu bằng việc thúc đẩy nhiều hơn về khoa học, công nghệ, kĩ nghệ và toán học vì chúng là nền tảng của phát kiến. Không có phát kiến công nghệ, sẽ khó tạo ra các công ty khởi nghiệp có thể làm nên khác biệt cho nền kinh tế.”

Hình ảnh minh họa cho con đường khởi nghiệp của các bạn trẻ (Ảnh: nguồn Giáo sư John Vũ)
Hình ảnh minh họa cho con đường khởi nghiệp của các bạn trẻ (Ảnh: nguồn Giáo sư John Vũ)


Khi dạy ở châu Á, tôi đã có dịp được nghe nhiều cuộc nói chuyện về khởi nghiệp nhưng tôi không thấy mấy ai làm điều này trở thành hiện thực. Khi tới thăm các trường đại học, tôi thấy các lớp khởi nghiệp phần lớn được dạy trong trường kinh doanh nơi sinh viên học về: kinh tế, quản lí và tài chính.

Một giáo sư bảo tôi rằng: họ có chương trình dạy sinh viên về cách bắt đầu công ty nhưng cho dù sinh viên có tạo ra công ty khởi nghiệp, sau một thời gian ngắn, phần lớn đều thất bạn.

Tôi giải thích cho ông ấy rằng: khởi nghiệp nên được dạy trong trường công nghệ chứ không phải trong trường kinh doanh. Sai lầm thường phạm phải trong kinh doanh là việc họ đối xử với công ty khởi nghiệp y hệt như một công ty nhỏ. 

Bài học giáo dục về khởi nghiệp ảnh 2

Tôi mừng cho các em, nhưng tốt nghiệp và có việc làm mới chỉ là bắt đầu

Nhưng, công ty khởi nghiệp không phải là công ty nhỏ. Công ty khởi nghiệp là một doanh nghiệp có tri thức về khách hàng, sản phẩm hay dịch vụ cũng như thị trường. Công ty khởi nghiệp là một “tổ chức lâm thời” đang tìm kiếm khách hàng và tìm cách kinh doanh nơi thị trường vẫn còn chưa được biết tới.

Giáo dục về khởi nghiệp nên hội tụ vào việc phát triển ra các sản phẩm mà có thể giải quyết các vấn đề hay đáp ứng một nhu cầu, chứ không phải là cách bắt đầu một công ty. Do đó, việc dạy về khởi nghiệp cho sinh viên công nghệ là cách tiếp cận khoa học. 

Mục đích tối thượng của công ty khởi nghiệp công nghệ là phá vỡ thị trường bằng việc đem tới giá trị cho nhiều người và đồng thời tạo ra việc làm mới, thị trường mới, và ngành công nghiệp mới. 

Vấn đề với đào tạo kinh doanh là việc các sinh viên thường làm theo quy tắc kinh doanh, các lí thuyết kinh tế, phương pháp luận tài chính và xây dựng bản kế hoạch kinh doanh để cho mọi điều họ cần là tuân theo các quy trình mà các công ty lớn đang làm để đưa sản phẩm ra thị trường.

Nhưng khởi nghiệp không giống thế, vì, sản phẩm của họ còn chưa được biết tới, khách hàng của họ còn chưa được biết tới, thị trường của họ là chưa được biết tới và doanh nghiệp của họ cũng chưa được ai biết tới. Vì thế, bạn không thể coi công ty khởi nghiệp là công ty nhỏ được.

Về cơ bản, khởi nghiệp không phải là việc làm, nó là kinh doanh mạo hiểm. Nó không dễ nhưng mọi người thường tô điểm. Mọi người đều muốn là Bill Gates hay Steve Jobs và vấn đề là đào tạo khởi nghiệp đang hội tụ chủ yếu vào vinh quang chứ không vào thất bại.

Bài học giáo dục về khởi nghiệp ảnh 3

Sinh viên là thời điểm lý tưởng nhất để khởi nghiệp

Sinh viên được dạy làm ra nhiều tiền trước khi họ được dạy về gia tăng giá trị cho thị trường. Chủ định của khởi nghiệp không phải là làm ra tiền mà để tạo ra các sản phẩm giá trị, có thể làm thay đổi cách mọi người làm việc hay làm cho thế giới này thành chỗ tốt hơn. Tiền chỉ là kết quả của việc cung cấp giải pháp để giải quyết vấn đề.

Có nhiều công ty khởi nghiệp thất bại, sinh viên phải được dạy trước về cách  xử lý với thất bại. Nếu họ không sẵn lòng vượt qua thất bại, họ không bao giờ thành công.

Vấn đề chính cho nhiều nhà doanh nghiệp, đặc biệt ở châu Á đó là việc họ không có môi trường để thể trao đổi các ý tưởng và học hỏi từ người khác, rất khó tìm ra người cố vấn giỏi. 

Phần lớn các nhà doanh nghiệp châu Á đều tự làm việc biệt lập, dựa trên suy nghĩ và tính sáng tạo riêng của họ. Tôi nghĩ đại học nên tạo ra môi trường cho những nhà doanh nghiệp này để đáp ứng và thảo luận về các ý tưởng của họ với nhau.Các lớp khởi nghiệp nên là chỗ mà ở đó sinh viên dành thời gian cùng người khác hay các nhà doanh nghiệp có kinh nghiệm để thảo luận về các ý tưởng về cách đưa ý tưởng của họ ra thị trường.

Khởi nghiệp là về hành động và chấp nhận rủi ro, sinh viên phải học thực tế thay vì ghi nhớ các lí thuyết khởi nghiệp. Đó là lí do tại sao cách tiếp cận “học qua hành” là hoàn hảo cho kiểu học này.

Để dạy khởi nghiệp, sinh viên sẽ phải học bằng cách thất bại vài lần xem như “kinh nghiệm học tập” để họ có thể xây dựng nên tính kiên cường. Một nhà doanh nghiệp thành công đã nói: “Sai lầm lớn nhất của tôi, đã đưa tôi tới kinh nghiệm học tập lớn nhất và chung cuộc tới thành công của tôi”.

Thay vì dạy về tài chính, kinh tế và quản lí, lớp khởi nghiệp phải dạy về tổn thất tâm lí liên kết với thất bại, giảm thiểu rủi ro và phát triển cá nhân. Đó là lí do tại sao tôi tin “dạy khởi nghiệp trong lý thuyết sách vở sẽ không hiệu quả”.

Giáo sư John Vũ