Bài toán giáo viên KHTN dôi dư chưa có lời giải, nhiều lãnh đạo Sở GD nói gì?

04/07/2022 06:45
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội nhiều khiến giáo viên khoa học tự nhiên bị dôi dư thì họ có thể kiêm nhiệm thêm các nhiệm vụ khác hoặc dạy liên trường.

Tại Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2022, nhiều lãnh đạo Sở bày tỏ lo ngại việc quá nhiều học sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội để học, thi và xét tuyển dẫn đến giáo viên khối ngành khoa học tự nhiên bị dôi dư.

Kiêm nhiệm thêm các nhiệm vụ khác

Trao đổi về nội dung này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, xét tổng thể những năm gần đây, tỷ lệ học sinh của tỉnh chọn nhóm môn khoa học xã hội dự thi và xét tuyển đại học chiếm 60%, chọn nhóm môn khoa học tự nhiên chiếm 40%.

Năm nay, chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng đối với lớp 10, ngoài những môn bắt buộc thì các em được lựa chọn tổ hợp môn học. Theo Sở này dự đoán tỷ lệ chọn môn của học sinh đầu cấp trung học phổ thông năm học 2022-2023 tương đương với tỷ lệ chọn khối thi những năm gần đây, tức là tổ hợp khoa học xã hội nhiều hơn.

Nhiều học sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội để học thi và xét tuyển dẫn đến giáo viên khối ngành khoa học tự nhiên bị dôi dư. Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Nhiều học sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội để học thi và xét tuyển dẫn đến giáo viên khối ngành khoa học tự nhiên bị dôi dư. Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Có khả năng xảy ra tình trạng giáo viên môn thuộc tổ hợp khoa học tự nhiên bị dôi dư ra. Đối với những trường hợp này, họ có thể dạy kèm một số nội dung khác gồm giáo dục hướng nghiệp, giáo dục địa phương hoặc thực hiện thêm nhiệm vụ kiêm nhiệm trong nhà trường như công tác chủ nhiệm lớp.

Bản thân giáo viên đã được tập huấn những môn học mới vừa kể, vì vậy, giáo viên hoàn toàn có đủ chuyên môn, kiến thức dạy học sinh và đáp ứng nhu cầu công việc.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ phải tính toán làm sao cho hài hòa để giáo viên khoa học tự nhiên dạy đủ số tiết và hưởng đủ lương”.

Ông Mai Huy Phương cũng bày tỏ, giáo viên môn tự nhiên kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ hay dạy các môn học khác chỉ là giải pháp trước mắt, còn lâu dài thì cần có chế độ tổng thể về đội ngũ giáo viên toàn ngành xét trên xu hướng chung của học sinh.

“Nếu đặt ra vấn đề giáo viên khoa học tự nhiên bị dôi dư ra thì sẽ còn kéo theo tình trạng thiếu giáo viên khoa học xã hội, điều này thường xảy ra ở một số trường thuộc các huyện miền núi trong tỉnh, bắt buộc nhà trường phải ký hợp đồng giáo viên và nguồn kinh phí chi trả sẽ lấy từ ngân sách chung.

Khoảng 5-7 năm tới, có một số lượng giáo viên biên chế sẽ nghỉ hưu và được thay thế bằng lực lượng giáo viên mới. Lúc đó, tỉnh chắc chắn sẽ tuyển chọn kỹ càng nhằm đáp ứng được xu hướng của học sinh và xã hội”, ông Phương nói.

Giáo viên có thể dạy liên trường hoặc dạy tăng cường bậc học dưới

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho hay, theo thống kê vài năm gần đây trên địa bàn tỉnh, số lượng học sinh lựa chọn tổ hợp khoa học tự nhiên để thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học ít hơn nhóm khoa học xã hội 10-15%.

“Theo tôi, giáo viên dạy trong một trường, đặc biệt là bậc trung học phổ thông phải linh hoạt. Ví dụ, giáo viên thuộc tổ hợp khoa học tự nhiên dôi dư ra thì phải chấp nhận dạy liên trường, trên cơ sở những trường gần nhau.

Nếu giáo viên có chuyên môn giỏi, dạy tốt được học sinh lựa chọn, yêu mến thì việc dạy liên trường sẽ dễ dàng thực hiện. Còn cứ theo kiểu có sao dùng vậy, không linh động, không có tính cạnh tranh thì chất lượng giáo dục khó có thể đi lên.

Bên cạnh đó, các phòng giáo dục và đào tạo có nhiệm vụ rà soát tình trạng đội ngũ giáo viên trên địa bàn quản lý. Trường hợp cấp trung học cơ sở thiếu giáo viên môn tự nhiên, hoàn toàn có thể điều phối giáo viên bậc trung học phổ thông xuống dạy tăng cường. Điều này giải quyết được việc thừa thiếu giáo viên cục bộ, hạn chế công tác bổ sung biên chế hoặc thi tuyển thêm”, ông Trần Văn Thức nói.

Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa. Nguồn: Báo Lao động

Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa. Nguồn: Báo Lao động

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cũng bày tỏ quan điểm, để giải quyết tình trạng giáo viên khoa học tự nhiên dôi dư ra không nhất thiết chỉ nhìn đội ngũ của từng trường mà phải nhìn vào tổng thể trên cả một địa bàn rộng, đó là một tỉnh.

“Năm nay là năm "lợn vàng" nên số lượng thí sinh thi vào 10 cao hơn hẳn những năm học trước và chắc chắn năm sau sẽ không đông bằng năm nay. Nếu các trường cứ chạy theo số lượng thí sinh vào học từng năm để phân bổ chỉ tiêu giáo viên thì rất rắc rối và bất hợp lý.

Tôi lấy ví dụ, năm học 2022-2023, các em học sinh trường A lựa chọn 60% tổ hợp khoa học xã hội, 40% tổ hợp khoa học tự nhiên, vì vậy trường tuyển thêm 10% chỉ tiêu giáo viên dạy các môn xã hội, giảm 10% biên chế các môn tự nhiên. Tuy nhiên, đến năm sau, tỷ lệ này ngược lại thì không thể chạy theo mãi và bài toán đội ngũ giáo viên không bao giờ giải quyết được.

Chưa kể, mỗi lứa học sinh sẽ có những nhu cầu học khác nhau và tính ổn định khác nhau. Vấn đề cần quan tâm là phải cân đối mặt bằng lao động cùng với chất lượng giảng dạy”, ông Trần Văn Thức chia sẻ.

Đến thời điểm hiện tại, các trường trung học phổ thông ở tỉnh Thanh Hóa đang trong quá trình hoàn thiện tổ hợp môn học đối với lớp 10. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, số lượng tổ hợp môn của mỗi trường phải có giới hạn, đặt ra mức tối thiểu và tối đa cụ thể, ví dụ như tối thiểu 6, tối đa 8 tổ hợp. Các nhà trường tuyệt đối không được tự ý hình thành những tổ hợp môn không có cơ sở vì có thể sẽ ảnh hưởng tới những học sinh có nhu cầu chuyển trường sau này.

Trần Lý