Tỷ lệ chọn tổ hợp Khoa học xã hội áp đảo
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, toàn thành phố có 22.573 thí sinh đăng ký dự thi.
Ngoài 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, thí sinh sẽ lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Kỳ thi năm nay, tỷ lệ thí sinh đăng ký tổ hợp Khoa học Xã hội trên toàn thành phố là 14.622 em, gấp đôi so với số thí đăng ký tổ hợp Khoa học tự nhiên với 7.307 em.
Trong đó, số thí sinh đăng ký môn Lịch sử có 14.709 em, môn Địa lý có 14.709 em và môn Giáo dục Công dân có 12.541 em.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đức Cảnh (huyện Kiến Thuỵ), trường có 342 học sinh khối 12 thì có 33 học sinh đăng ký thi tổ hợp khoa học tự nhiên, 309 học sinh đăng ký tổ hợp khoa học xã hội.
Trường Trung học phổ thông Hồng Bàng (quận Hồng Bàng) có 409 hồ sơ đăng ký thi tốt nghiệp với 194 học sinh đăng ký thi tổ hợp khoa học tự nhiên, 215 thí sinh đăng ký thi tổ hợp khoa học xã hội.
Còn tại Trường Trung học phổ thông Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng), khối 12 có 344 học sinh thì có 124 đăng ký tổ hợp khoa học tự nhiên, 220 em đăng ký tổ hợp khoa học xã hội.
Tương tự, Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong có 354 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp thì 139 em chọn tổ hợp khoa học tự nhiên, 215 em đăng ký tổ hợp khoa học xã hội.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong trong giờ ôn thi (Ảnh: CTV) |
Lý giải sự chênh lệch trên, theo thầy Nguyễn Bá Quý, giáo viên Địa lý Trường Trung học phổ thông Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng), vài năm gần đây, tổ hợp khoa học xã hội là xu hướng lựa chọn không chỉ của học sinh Hải Phòng mà còn của học sinh cả nước.
Nguyên nhân chủ yếu là do các trường đại học bổ sung nhiều tổ hợp môn xét tuyển mới có các môn Khoa học xã hội trong đó có cả môn Giáo dục Công dân, môn học giúp học sinh có nhiều cơ hội đạt điểm cao.
Bên cạnh đó, số lượng học sinh có nhu cầu chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng tăng nên tổ hợp Khoa học xã hội là lựa chọn tối ưu.
Thầy Bình chia sẻ quan điểm, học sinh có học lực trung bình khá trở xuống dễ dàng tiếp cận kiến thức Khoa học xã hội hơn so với tổ hợp Khoa học tự nhiên.
Đơn cử như môn Giáo dục công dân có kiến thức gần gũi, sát thực cuộc sống; môn Địa lý thí sinh được mang Atlat địa lý Việt Nam vào phòng thi.
Dù môn học “xương” nhất là Lịch sử cũng được thi dưới hình thức trắc nghiệm đã giúp các em không phải học và ghi nhớ chi tiết quá nhiều con số, sự kiện, giảm tải rất nhiều áp lực đối học sinh.
Ôn luyện tổ hợp Khoa học xã hội thế nào?
Ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng cho biết, để nâng cao hiệu quả ôn luyện cho học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Sở tăng cường chỉ đạo chuyên môn tới các nhà trường phù hợp với khả năng và xu hướng lựa chọn của học sinh.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường tăng cường sinh hoạt chuyên môn tại các tổ chuyên môn của trường, trong đó đặc biệt lưu ý đối với tổ hợp khoa học xã hội do tổ hợp này theo khung chương trình thường ít tiết, với trường ít giáo viên sẽ phải dạy nhiều lớp.
Để các giáo viên có điều kiện tăng cường sinh hoạt chuyên môn, với những môn ít giờ, giáo viên có thể sinh hoạt chuyên môn theo hướng cụm (nhiều trường với nhau) để tăng cường trao đổi chuyên môn.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Lê Chân ôn luyện môn Địa Lý (Ảnh: CTV) |
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tăng cường kiểm tra, khảo sát các môn thi tốt nghiệp vào cuối tháng 4 và cuối tháng 5.
Qua kiểm tra khảo sát, kết quả cho thấy điểm số thấp các môn như Lịch sử, Ngoại ngữ, Sinh học,…ở một số trường còn nhiều.
Kết quả khảo sát của học sinh được thông báo đến từng trường để các trường nắm bắt được thực lực học sinh so với mặt bằng chung của học sinh thành phố, từ đó có giải pháp ôn thi phù hợp với từng nhóm nhằm nâng cao kết quả kỳ thi.
Ngoài ra, các chuyên viên phụ trách môn học của Phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cũng lập nhóm giáo viên cùng bộ môn trên hệ thống công nghệ thông tin để sinh hoạt chuyên môn trao đổi kinh nghiệm giữa các giáo viên với nhau.
Đồng thời, cung cấp tài liệu để giáo viên ôn luyện cho học sinh cũng như kịp thời giải đáp các vướng mắc phát sinh.
Trong giai đoạn ôn thi nước rút, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường tích cực phối hợp với gia đình trong việc quản lý, động viên, chăm sóc học sinh để các em vừa vững kiến thức, vừa bảo đảm sức khoẻ trước khi bước vào kỳ thi quan trọng này.
Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường đặc biệt lưu ý đối với tổ hợp Khoa học xã hội do tổ hợp này theo khung chương trình thường ít tiết, với trường ít giáo viên sẽ phải dạy nhiều lớp (Ảnh: CTV) |
Ghi nhận tại Trường Trung học phổ thông Hồng Bàng, sau khi thi khảo sát lần 2, nhà trường “lọc” những học sinh có nguy cơ trượt hay kết quả thi còn thấp để tổ chức giáo viên kèm cặp, tập trung những kiến thức cơ bản, các kỹ năng làm bài thi để đạt điểm tối thiểu.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả ôn luyện môn Lịch sử, tổ chuyên môn của nhà trường còn phân nhau bám theo ma trận của đề minh hoạ để xây dựng các đề khác nhau.
Tích cực trao đổi đề giữa các thành viên trong nhóm và với các trường khác giúp học sinh được làm quen với nhiều dạng đề, giúp các em không bị ngỡ ngàng khi bước vào kỳ thi thật.