Băn khoăn vẫn một chữ Thầy!

14/05/2017 05:36
Nguyễn Hữu Quyền
(GDVN) - Đội ngũ giáo viên sẽ là một điểm nghẽn nổi cộm trong rất nhiều điểm nghẽn trong quá trình lưu thông của giáo dục. Nó quyết định sự thành bại của đổi mới.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của tác giả Nguyễn Hữu Quyền, nguyên chuyên viên phụ trách môn Ngữ văn Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An.

Trong bài viết này, tác giả đưa ra ý kiến của mình về việc đổi mới công tác tập huấn giáo viên theo hướng từ cơ sở lên để tránh mắc phải "vết xe đổ" như những lần cải cách giáo dục trước.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Qua trải nghiệm, tôi thấy, những thay đổi nào trong giáo dục không dừng lại một khâu, một bộ phận nào. Nó là cả một hệ thống, một chuỗi.

Mọi thành công hay thất bại, theo đó là những nguyên nhân đều gắn liền với hệ thống. Người thực hiện cuối cùng trong quá trình những thay đổi đến với học sinh là giáo viên.

Quá trình vận hành của hệ thống nhất định phải gặp những nút thắt, những điểm nghẽn. Càng có nhiều thay đổi càng có nhiều điểm nghẽn.

Đội ngũ giáo viên sẽ là một điểm nghẽn nổi cộm trong rất nhiều điểm nghẽn trong quá trình lưu thông của giáo dục. Nó quyết định sự thành công hay thất bại của đổi mới.

Cần thay đổi công tác tập huấn cho giáo viên để đổi mới hiệu quả. (Ảnh minh họa: hongbang.edu.vn)
Cần thay đổi công tác tập huấn cho giáo viên để đổi mới hiệu quả. (Ảnh minh họa: hongbang.edu.vn)

Theo tôi, cốt lõi của điểm nghẽn này là giáo viên, trong tư cách người chuyển tải trực tiếp, thường trực ý định của bộ phận cầm lái con tàu hệ thống (bao gồm triết lí, quan điểm giáo dục, chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy- học…) đến với người học đã không hoàn thành nhiệm vụ.

Nghĩa là ý định đó hoặc không được như ban đầu, hoặc bị rơi rụng, hoặc bị méo mó, biến tướng… trong quá trình giáo viên thực hiện (bài viết này không bàn ý định đúng hay sai).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đã nêu, trong đó nguyên nhân cơ bản nhất là giáo viên vận dụng không đúng phương pháp giáo dục nói chung và phương pháp dạy - học nói riêng.

Xin nêu ví dụ: Ý định của lần thay đổi chương trình giáo dục, sách giáo khoa hiện hành (năm 2000) là phát huy tính chủ động tích cực của học sinh, hướng tới tự học, vận dụng sáng tạo…

Thầy giáo là người tổ chức, hướng dẫn học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức, kĩ năng, vận dụng vào đời sống… xin không bàn đến chương trình, sách giáo khoa có tập trung vào mục đích đó không, chỉ riêng về phương pháp dạy- học khi đi vào thực tiễn đã không còn như lí thuyết.

Băn khoăn vẫn một chữ Thầy! ảnh 2

Cô giáo tiếp tục băn khoăn với chương trình mới

(GDVN) - Trước khi thực hiện chương trình giáo dục tổng thể, cần sàng lọc đội ngũ giáo viên một lần nữa. Cần ưu các giáo viên trẻ có năng lực và yêu nghề.

Người dạy, với nhiều lí do rốt cuộc chủ yếu chỉ truyền thụ, áp đặt kiến thức.

Người học tiếp thu một chiều, thụ động. Trong giờ dạy, thầy vẫn là người làm việc nhiều nhất.

Học sinh có hoạt động cá nhân hay theo nhóm thì thực chất cũng là để minh họa (chưa nói đến việc gà câu hỏi, câu trả lời trong những giờ thao giảng, thực tập, giờ thực hành trong hội thi giáo viên giỏi các cấp…).

Những giờ có màu sắc đổi mới thực chất cũng chỉ nhằm đáp ứng cách học từng dạng bài chứ chưa có ý thức trả về với đời sống để vận dụng.

Cứ thế, thực tiễn dạy - học trong các nhà trường xa dần ý định ban đầu của người cầm lái chủ trương đổi mới.

Hệ quả là chỉ có không giống trước về chương trình, sách giáo khoa mà thôi. Còn thực chất vẫn như cũ. Sản phẩm đầu ra không có gì mới. Thất bại chủ yếu có gốc rễ từ đây.

Tại sao lại như thế? Trả lời câu hỏi này dễ mà không dễ. Có vấn đề thiếu thống nhất, đồng bộ giữa ý định người cầm lái với người làm chương trình, người soạn sách giáo khoa?

Có sự quan liêu, thiếu những hiểu thấu cần có của đội ngũ quản lí các cấp về ý định, đích đến của việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa, những thay đổi về phương pháp giáo dục nói chung và phương pháp dạy - học nói riêng dẫn đến cách thức quản lí không phù hợp?...

Tất cả dội vào giáo viên, cộng thêm những sự thiếu khác như điều kiện, năng lực, tâm huyết, kĩ năng ... của bản thân họ khiến giáo viên không hoàn thành trọng trách.

Cách khơi thông nút thắt giáo viên là tạo chế tài thực hiện, kiểm soát, giám sát bằng văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện:

- Từ Bộ xuống tận cơ sở giáo dục, ở đâu không thực hiện thực chất, có hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy - học thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Theo đó, bắt buộc quản lí phải cùng đứng trên con tàu đổi mới với giáo viên, cùng chia sẻ với họ.

- Các tác giả soạn chương trình tổng thể và chương trình bộ môn, tác giả sách giáo khoa… phải trải nghiệm thực tế thông qua thực nghiệm một số giờ dạy thí điểm nhất định ở cơ sở trước và sau khi chính thức hoàn thiện chương trình cũng như sách giáo khoa và đưa vào sử dụng.

Yêu cầu này là cần thiết bởi những người tham gia soạn chương trình và sách giáo khoa là những nhà khoa học có thể ít có điều kiện thâm nhập thực tế dạy - học ở bậc phổ thông.

Làm vậy, các tác giả sẽ hiểu hơn người dạy và người học ở phạm vi đại trà. Từ đó sẽ góp phần cho ra những sản phẩm sát thực tế nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu hội nhập, tạo những nền tảng thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong dạy và học.

- Sau những thực nghiệm ở các lớp, các cấp học, cần lấy kết quả thực nghiệm từ thầy, cô giáo, học sinh…, đúc rút bằng văn bản những kết luận và công bố rộng rãi những vấn đề cụ thể như chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học của từng bộ môn đã thực nghiệm có những ưu, nhược điểm gì.

Hướng đi cho việc thực hiện đại trà… để giáo viên biết, từ đó họ có điều kiện liên hệ, đối chiếu, trao đổi, rút kinh nghiệm cho chặng đường tiếp theo.

Băn khoăn vẫn một chữ Thầy! ảnh 3

Tập huấn giáo viên, chọn người nghe hay người báo cáo?

(GDVN) - Chất lượng các lớp tập huấn giảm đi theo từng cấp. Và thực tế, chất lượng buổi tập huấn phụ thuộc nhiều vào trình độ của các báo cáo viên.

- Việc triển khai tập huấn: Về tài liệu tập huấn, tôi đề nghị phải chọn người viết thực sự am hiểu cả lí luận và thực tiễn, nhất là thực tiễn phổ thông.

Sao cho sách của họ giúp ích cho giáo viên. Không nên là một mớ lí thuyết suông.

Lực lượng tham gia tập huấn nên là những người có năng lực, có vốn trải nghiệm, có khả năng tiếp thu cái mới, sáng tạo, tâm huyết với nghề.

Họ thực sự là thầy chứ không phải thợ.

Cách triển khai như lâu nay mà tôi biết, kể cả tập huấn ở cấp Bộ, trừ một vài vị thực sự có tên tuổi, còn lại không như mong đợi.

Theo tôi, bên cạnh hình thức tập huấn trên xuống thông qua cốt cán như lâu nay (một hình thức làm cho điều cần đến với giáo viên bị rơi rụng quá nhiều, thậm chí có trường hợp bị biến tướng), chúng ta cần có cách tập huấn dưới lên, gia tăng thực hành, thể nghiệm.

Nghĩa là lực lượng tập huấn, đặc biệt là ở cấp trên cao cần tham gia trực tiếp một số giờ dạy thí điểm từ cơ sở.

Từ đó chọn ra những giờ dạy chuẩn, qua công nghệ thông tin như mạng, các kênh truyền hình… nhân rộng đến đông đảo giáo viên. Đây là một ưu thế, ưu tiên cần khai thác triệt để.

Cần tạo mọi cơ hội cho giáo viên được nghe chính từ các chuyên gia hàng đầu không được trực tiếp thì gián tiếp qua các phương tiện truyền thông.

Tôi nhớ là năm 2009, Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An cùng với khoa Ngữ văn, Trường Đại học Vinh và Sở giáo dục - Đào tạo Hà Tĩnh phối hợp tổ chức cuộc hội thảo về đổi mới phương pháp dạy - học môn Ngữ văn tại Trường Trung học phổ thông thị xã Cửa Lò, trong đó có bốn giờ dạy thể nghiệm (Nghệ An đảm nhận ba giờ. Hà Tĩnh đảm nhận một giờ).

Thầy Hoàng Ngọc Hiến có dự một giờ. Thầy nói với tôi đại ý: Thực tiễn làm bung vỡ quá nhiều thứ. Cảm ơn các cậu.

- Dùng kiểm tra, đánh giá như một cạnh khía của chế tài nhằm giúp và buộc giáo viên sử dụng chương trình, sách giáo khoa và đặc biệt là phương pháp dạy - học đúng hướng, đáp ứng yêu cầu đổi mới đã đặt ra.

Dứt khoát không lặp lại tình trạng trước đây, Bộ hô đổi mới nhưng trong các kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi vào đại học, Bộ vẫn ra đề như chưa hề có đổi mới khiến giáo viên hoang mang, thất vọng, góp phần buộc họ phải dạy như cũ.

Tình hình này kéo khá dài. Đến năm 2011, trong một lần tập huấn ở Đà Nẵng, không chịu nổi, chúng tôi đã gay gắt góp ý.

Tình hình những năm sau đó có sự thay đổi. Đề thi bắt đầu tiếp cận yêu cầu đổi mới, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn từ phía giáo viên.

- Cơ chế tài chính phải minh bạch. Thù lao cho các việc làm, các chức danh… từ trên xuống dưới, trong đó có người đứng lớp phải được công khai rõ ràng và được một cơ quan chức năng giám sát.

Tránh tình trạng, nghe nói (chỉ nghe nói thôi nên có thể không chính xác) những lần thay đổi trước, người làm chương trình, soạn sách giáo khoa, người làm nhiệm vụ tập huấn … hưởng mức thù lao thật sự không tương xứng (Riêng lực lượng tham gia tập huấn chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy - học và giáo viên thì tôi biết rất rõ là thù lao hết sức bèo bọt).

- Thông qua các loại công văn, tạo khung pháp lí, theo đó bỏ cách quản lí bằng hồ sơ vốn rất hình thức để giáo viên có đủ thời gian nghiên cứu, chủ động, sáng tạo nhằm làm phong phú nội dung, hình thức đổi mới, trong đó, đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy - học.

Trên đây là một số suy nghĩ của người viết xung quanh nút thắt giáo viên - một điểm nghẽn nổi cộm có vai trò quyết định sự thành bại của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy - học chúng ta đang gấp rút tiến hành. Tất cả không ngoài mong muốn sự thay đổi đó thành công.

Nguyễn Hữu Quyền