Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội đề cập về giáo và đào tạo năm 2019 ra sao?

21/10/2019 13:19
Đỗ Thơm
(GDVN) - Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội năm 2019 và kế hoạch năm 2020.

Sáng 21/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước những nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và Kế hoạch năm 2020.

Trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi. Kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại; cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn gia tăng; giá vàng tăng cao, giá dầu thô biến động mạnh; rủi ro trên thị trường quốc tế tăng lên; nhiều quốc gia nới lỏng chính sách tài chính, tiền tệ...

Tình hình khu vực, Biển Đông diễn biến rất phức tạp. Trong khi đó, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và Kế hoạch năm 2020. Ảnh: Quochoi.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và Kế hoạch năm 2020. Ảnh: Quochoi.vn

Thực hiện Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 01, 02 và quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đề ra ngay từ đầu năm. 

Báo cáo của Chính phủ đã đề cập đến một số điểm về giáo dục và đào tạo. Theo đó, chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề được nâng lên; xếp hạng đại học tăng 12 bậc, từ hạng 80 lên 68. 

Lần đầu tiên Việt Nam có 4 Đại học có tên trong bảng xếp hạng Đại học của The World University Rankings 2020, gồm: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Theo Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (Vương quốc Anh), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong bảng xếp hạng 500 trường đạt tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới.

Tổ chức nghiêm túc kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng; điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh gian lận thi cử. Quan tâm thực hiện công tác giáo dục, đào tạo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020, báo cáo nhấn mạnh giáo dục tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại, tạo sự chuyển biến căn bản về giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng; làm tốt công tác thi cử; bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh trường học; phòng chống xâm hại trẻ em.

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh về lao động, giáo dục:

"Tình trạng thất nghiệp của thanh niên ở khu vực thành thị còn khá cao; số người hưởng trợ cấp thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp đối với lao động được đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng tăng.

Đề nghị báo cáo về hiệu quả của các giải pháp về đào tạo nghề, nhất là đào tạo lao động tay nghề cao.   

Ngành giáo dục và đào tạo đang tích cực chuẩn bị để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; đã tổ chức tốt hơn Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia nhưng một số vấn đề về giáo dục mà người dân quan tâm, đòi hỏi ngành giáo dục và chính quyền địa phương phải rà soát và tiếp tục có giải pháp khắc phục như vấn đề bạo lực học đường, việc quản lý các trường có yếu tố nước ngoài, đào tạo văn bằng 2, việc bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, thiếu giáo viên các trường mầm non...".

Đỗ Thơm