Bát gạo nếp, hai quả trứng và bông ngô đồng mãi mãi không quên

20/11/2018 07:08
Trần Phương
(GDVN) - Hơn 20 năm cắm bản vùng cao, hai món quà kỷ niệm của học sinh vùng biên làm cô giáo Hương Giang nhớ mãi, những món quà vui buồn trong nước mắt.

Tuổi thanh xuân đi qua trên những điểm cao mây trắng

Cũng đã rất lâu, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam mới có dịp trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Hương Giang, cô giáo mầm non đã dành 23 năm tuổi thanh xuân trên những điểm trường quanh năm mây mù của xã Lóng Sập (Mộc Châu, Sơn La).

Trải qua 23 năm trên những điểm trường miền cao, dù đã được chuyển về trường thị trấn nhưng cô giáo Hương Giang vẫn đang xin trở lại trường cũ để được về với bà con dân bản, về với những đứa trẻ người Mông lớn lên như những hòn đất lăn lóc giữa cao nguyên.

Cô giáo Hương Giang với những học trò vùng khó. (Ảnh: NVCC)
Cô giáo Hương Giang với những học trò vùng khó. (Ảnh: NVCC)

“Những đêm nhớ học sinh cũ, chị chỉ khóc, chị khóc vì thương học sinh. Vẫn biết đồng nghiệp của mình sẽ vẫn làm tốt thôi nhưng với chị, nơi đó không chỉ là nhà, là người thân mà còn cả phần tâm huyết của mình. Dẫu sao 23 năm trên những điểm trường như thế, chị không sao quên được”. Cô giáo Giang tâm sự.

Trên những đỉnh núi cao chót vót từ Ka Lăng, Mù Cả (Mường Tè, Lai Châu) đến Lóng Sập (Mộc Châu, Sơn La) không thiếu những điểm trường nằm heo hút lạnh lẽo, bồng bềnh trên những đỉnh mây mù. Song, không vì thế mà những nơi đó thiếu những tiếng ê a của tuổi học trò.

Ở những nơi điểm trường cao chót vót trong đỉnh mây mù ấy, không ít thầy cô giáo cắm bản đã bỏ lại ước mơ, tuổi thanh xuân, thậm chí là hạnh phúc riêng của mình để giành lại cho em thơ những mảnh đời hi vọng.

Cô giáo Hương Giang là một trong những người như thế.

Cô giáo Hương Giang tự nhận mình là người “nổi tiếng” khi nhẵn mặt trên cả truyền hình, báo chí bởi những lần các đoàn về trao quà từ thiện cho các con trên những trường vùng khó.

Thế nhưng, những lần ấy, cô chưa bao giờ nói một lời than khó cho riêng mình. Phải rất kiên trì thuyết phục phóng viên mới có thể nghe cô giáo Giang trải lòng.

Được về trường mới, được dạy ở trung tâm với nhiều điều kiện tốt hơn rất nhiều so với những điểm trường vùng cao nhưng cô giáo Hương Giang đang cố gắng xin các cấp lãnh đạo xét duyệt cho mình trở lại trường cũ.

Bát gạo nếp, hai quả trứng và bông ngô đồng mãi mãi không quên ảnh 2Phút xao lòng định mệnh của cô giáo mầm non cắm bản đi qua miền hạnh phúc

Ở thị trấn, sau những ngày thấy mình “lạc giữa phố đông người”, cô giáo Giang lại nhớ học sinh vùng cao của mình đến da diết.

Từ tính nết từng nhóc, đến những đứa trẻ mang đến lớp gương mặt đầy bùn đất, đầu đầy chí… nhưng chỉ qua lớp cô giáo Giang chưa đầy một năm nhưng đa biết tự lo cho bản thân, biết múa hát véo von, biết thương cha, yêu mẹ…

Sự tiến bộ hàng ngày của những đứa trẻ đã giúp cô giáo Hương Giang có động lực hàng ngày đến lớp. Có lẽ, đó cũng chính là lý do cô giáo Hương Giang đưa ra quyết định có phần “ngược đời” như vậy.

Sinh năm 1976, đến nay cô giáo Hương Giang vẫn chưa thể có được mái ấm hạnh phúc cho riêng mình bởi không ít lần cô đã phải đấu tranh tư tưởng giữa hạnh phúc gia đình và tương lai của lũ trẻ, để rồi tuổi thanh xuân qua đi cô đã dành trọn tình cảm cho lũ trẻ miền cao nguyên.

Hai bông ngô đồng của học trò nghèo

Hơn 20 năm trên những điểm cao ấy hầu hết là những năm tháng gần như cô giáo Giang và đồng nghiệp không biết ngày 20/11 là gì.

Nhưng hai kỷ niệm mà cô giáo Hương Giang nhớ mãi khi nhận được quà của học trò khiến cô rơi nước mắt.

Những năm 1996 – 1997, đường vào những điểm trường Lóng Sập là những lối mòn ngoằn ngoèo trên những triền núi.  Xe máy ngày ấy với cô giáo Hương Giang cùng bao đồng nghiệp khác là một ước mơ xa vời.

“Hai chị em vào trong Pu Nhan dạy học là ở lại cả tuần, có khi cả tháng đến ngày Chủ nhật mới về nhà. Ăn ngủ tại lớp học luôn. Lớp học ngày ấy chỉ là tranh tre, nhà nứa tạm chứ không được bê tông cứng hóa như bây giờ”, Cô giáo Hương Giang bồi hồi kể lại.

“Những năm ấy, các chị đi dạy học nào biết đến ngày 20/11 là gì. Ngày nào được nghỉ thì chị em lại về trường trung tâm góp tiền lại nấu ăn với nhau một bữa, rồi tự chúc nhau. Này nào không được nghỉ thì bọn chị lên lớp bình thường. Chẳng bao giờ có hoa hay lời chúc nào từ ai. Nhiều lúc các chị cũng tủi bởi mình như bị bỏ quên giữa núi rừng. Nhưng mãi các chị cũng thành quen”, cô Giang tâm sự.

Lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho học trò. (Ảnh: NVCC)
Lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho học trò. (Ảnh: NVCC)

Thế nhưng, những khó khăn ấy, các cô giáo cũng nhận được không ít những bất ngờ. “Chẳng biết có phải nghe cô giáo giảng về ngày 20/11 hay các vị phụ huynh nghe ở đâu mà tối ngày 20/11/1996 ở điểm trường Pu Nhan các chị nhận được món quà vừa sợ, vừa buồn cười”. Cô Giang chậm giãi kể.

“Hai chị em đang ngủ trong lớp thì thấy mấy cô cậu nhóc bê bát gạo nếp để trên đó hai quả trứng cắm thêm bông ngô đồng từ từ đi vào cửa gọi cô giáo. Hai chị em giật mình chưa kịp định thần thì chúng nó bảo tặng cô nhân ngày 20/11. Nhìn món quà của học sinh mà cười chảy nước mắt vì nhìn như… đồ cúng”. Cô giáo Giang bật cười kể.

Năm sau, cô giáo Giang lại nhận được quà, quà lần này là con gà sống và … ngậm hoa ngô đồng. Lần này, học trò đến sớm hơn, khi trời… vừa nhá nhem tối.

“Đó là hai lần nhận quà mà suốt cả đời chị chẳng thể quên được”. Cô giáo Giang kết lại kỷ niệm ngày 20/11 đáng nhớ.

Cô và trò cùng nhau lên lớp. (Ảnh: NVCC)
Cô và trò cùng nhau lên lớp. (Ảnh: NVCC)

Công việc của cô giáo Hương Giang không chỉ dạy học trò mầm non trên lớp mà cô còn đóng vai trò là người mẹ thứ hai trong cuộc sống hàng ngày của các em.

Ngày nào cũng vậy, sáng đầu tuần là đi “nhặt” học trò đến lớp, chăm sóc chúng từ việc nhỏ nhất, đến những bài học đầu tiên của những ngày chập chững đến trường.

“Học sinh ở những vùng này dẫu có nghèo, có chậm hiểu một chút nhưng chúng rất nghe lời cô giáo. Phụ huynh người Mông nghèo nhưng rất tin cô giáo và họ sống rất có tình.

Có những lúc họ ngại vì chẳng biết lấy gì cám ơn cô. Các chị hiểu và quý những con người ở những dẻo cao như thế. Đó cũng là lý do chị muốn quay lại những khó”. Cô giáo Hương Giang tâm sự. 

Trần Phương