Bi hài chuyện học sinh giỏi qua lời kể của hiệu phó 1 trường chuyên

06/02/2021 06:59
HỒNG LAM SƠN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc thi học sinh giỏi, xin nói thẳng là đã biến tướng; không còn thực chất là chọn lọc nhân tài mà chỉ còn nhăm nhăm luyện “gà chọi” để “ăn thua” đạt giải.

Chuyện ôn thi, luyện “gà” để dự thi học sinh giỏi các cấp, nhất là cấp quốc gia, có khá nhiều chuyện bi hài mà trong quãng thời gian dạy học tôi được chứng kiến.

Từ hồi còn chia hai bảng A và B; các trường, tỉnh “chiếu dưới” cũng thỉnh thoảng “vớt” được vài ba giải “Khuyến khích”, chủ yếu động viên tinh thần.

Sau đó, bỏ chia bảng và cả nước thi chung một đề thì giải hàng năm đều thuộc về các tỉnh, thành lớn; có bề dày truyền thống học tập, bồi dưỡng học sinh giỏi…

Cũng từ đó, các tỉnh nhỏ, các trường vùng xa, nhất là miền Tây Nam Bộ, thì hầu như rất ít khi đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia!

Thi hoài cũng không đạt giải, việc ôn luyện thì “tự bơi” là chính; không biết hướng ra đề mỗi năm như thế nào để tập trung ôn thi nên chỉ ôn thi một cách dàn trải, không trọng tâm, không sát đề thi của Bộ…

Nhiều câu chuyện bi hài liên quan đến chuyện thi học sinh giỏi các cấp. (Ảnh minh họa trên VOV)

Nhiều câu chuyện bi hài liên quan đến chuyện thi học sinh giỏi các cấp. (Ảnh minh họa trên VOV)

Nhận thấy được thực trạng “phù phiếm” đó, một số phụ huynh, học sinh đã lần lượt “thức tỉnh” và có nhiều phen “cười ra nước mắt”…

Một anh bạn thân của tôi, cũng là đồng nghiệp sau đó chuyển qua làm luật sư. Anh có đứa con trai học giỏi môn Vật lý ở trường chuyên của tỉnh và cháu được chọn vào đội thi tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh.

Tôi cũng động viên anh cố gắng để cháu thể hiện mình, cho cháu thi và đưa vinh dự về cho nhà trường. Sau khi công bố kết quả, cháu không đạt giải nào mặc dù đề ra trong khả năng làm bài của cháu. Tôi hỏi lý do thì anh cho biết "tôi cản nó, kêu nó đừng làm bài tốt, coi chừng đạt giải thì khổ"!?

Anh cho biết vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia rất mất thời gian! Tất cả chỉ tập trung “cày” đến nhuần nhuyễn một môn dự thi trong thời gian hai tháng (8 tuần thực học, biết bao bài vở, kiến thức không được học). Còn các môn khác, dù được nhà trường “miễn học” nhưng anh vẫn không thích!

Vì sao? Chỉ tập trung ôn luyện một môn, nên các em phải bỏ bê các bộ môn trong tổ hợp đăng ký thi đại học, kiến thức không liền mạch như các em không thi học sinh giỏi!

Mặt khác, dù được cho điểm cao hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên ra đề cho có vẻ khách quan; còn có bài để lưu lỡ bị thanh tra có để đối phó, trả lời) nhưng đó chỉ là điểm ảo, không thực chất vì có được học đâu!

Có một số trường họp khác; khi được đưa vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia thì sợ xanh mặt! Không phải sợ bài ôn thi khó mà chỉ sợ chỉ học, luyện một môn; còn lại các môn khác sẽ được “cấy điểm".

Hai tuần ôn luyện là cả một cuộc đấu tranh tư tưởng: ôn luyện, nhồi nhét kiến thức trong thời gian ngắn ngủi, gấp gáp liệu có “tiêu hóa” nổi không? Và điều quan trọng là có “chen chân” vào đạt giải này giải này giải nọ không?

Thế là các phụ huynh (không rõ do ai bày cách) mang đến nhà trường giấy xác nhận của bệnh viện rằng cháu bị suy thận hoặc thường hoa mắt chóng mặt và năn nỉ xin nhà trường “tha” cho cháu một phen!

Và còn nhiều chiêu để trốn tránh tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi của học sinh, của quý phụ huynh…

Việc thi học sinh giỏi, xin nói thẳng là đã biến tướng; không còn thực chất là chọn lọc nhân tài mà chỉ còn nhăm nhăm luyện “gà chọi” để “ăn thua” đạt giải mà thôi!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn, quan điểm của tác giả, phó hiệu trưởng của một trường trung học phổ thông chuyên đề nghị không nêu tên.

HỒNG LAM SƠN