Bỏ được chứng chỉ chức danh, thì nhiều giáo viên cũng đã mất khối tiền vô bổ

10/06/2021 06:55
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đa phần giáo viên đã có dịp “sưu tầm” một bộ chứng chỉ tương đối đẹp, đầy đủ nhưng khi nhìn lại thì có những chứng chỉ chẳng giúp được gì cho công việc đứng lớp.

Câu chuyện chứng chỉ của đội ngũ nhà giáo đã trở thành khúc bi ai suốt hàng chục năm qua và cho đến tận bây giờ thì nó vẫn còn dai dẳng chưa kết thúc. Qúa nhiều chứng chỉ được các văn bản hiện hành quy định và giáo viên dưới cơ sở phải miễn cưỡng chấp hành.

Những năm qua, theo yêu cầu của công việc thì đa phần giáo viên đã có dịp “sưu tầm” một bộ chứng chỉ tương đối đẹp, đầy đủ nhưng khi nhìn lại những tấm chứng chỉ này thì có những tấm chứng chỉ chẳng giúp được gì cho công việc đứng lớp hàng ngày của họ.

Có lẽ, cái quan trọng nhất của người thầy là quá trình học tập, trau dồi, lĩnh hội chuyên môn ở trường đại học sư phạm. Khi đã ra trường, chuyện phải học tập thêm một số chứng chỉ không có tác dụng là bao nhưng nó tốn kém vô cùng.

Tốn kém về thời gian, tiền bạc và làm cho mỗi thầy cô giáo thêm nhiều nghĩ suy, buồn chán về cái sự học của mình.

Bộ Nội vụ đề xuất giảm một số chứng chỉ cho giáo viên (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Bộ Nội vụ đề xuất giảm một số chứng chỉ cho giáo viên (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Nhìn lại những tấm chứng chỉ phai dần trong góc tủ

Khi còn ngồi trên giảng đường đại học sư phạm, ngoài những đơn vị kiến thức chuyên ngành bắt buộc phải học thì đa phần các sinh viên cũng đã phải học một số chứng chỉ bắt buộc theo quy định của các nhà trường mới đủ điều kiện tốt nghiệp.

Ra trường, đi làm thì nhiều giáo viên được cử đi học, hoặc phải tự nguyện đăng ký nhiều lớp học khác nhau và đương nhiên là sau mỗi lớp học như vậy lại được nơi đào tạo cấp thêm cho 1 chứng chỉ.

Vì thế, sau nhiều năm đứng lớp thì đa phần giáo viên đã có kha khá chứng chỉ nhưng khi có được nó rồi thì cũng chỉ để lưu giữ trong ngăn tủ gia đình và nó cũng phai mờ dần theo năm tháng thời gian…

Bởi, nếu không tính văn bằng đại học thì trong những chứng chỉ của giáo viên, có lẽ chứng chỉ cần thiết nhất là chứng chỉ tin học bởi nó phục vụ cho công việc hàng ngày của mỗi nhà giáo.

Vì thế, những giáo viên nào chưa học, hoặc không tự học về tin học thì rất vất vả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hàng ngày của mình.

Ai cũng thấy, chứng chỉ mà vô duyên nhất là chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhưng đây lại là chứng chỉ mà đa phần giáo viên đứng lớp đều đã học vì theo hướng dẫn của các văn bản gần đây thì nó liên quan đến việc xếp hạng, xếp lương của giáo viên.

Mấy năm trước, thì các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT/BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập được ban hành.

Mới đây nhất thì Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập thì giáo viên lại thêm nhiều vất vả.

Nhiều giáo viên lại phải đi học thêm chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, có giáo viên sợ nên phải học đến 2 lần cho chứng chỉ này bởi các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2015 và năm 2021 quy định các tiêu chí về hạng giáo viên khác nhau.

Khi mà gần hết giáo viên trên cả nước đã học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì mới đây Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký văn bản số 2499/BNV-CCVC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.

Điều đáng chú ý là văn bản này thì Bộ Nội vụ đã đề nghị giảm 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Theo đó, giáo viên hạng I, II, III từ cấp Mầm non đến Trung học phổ thông đang có 3 loại chứng chỉ cho 3 hạng tương ứng sẽ được giảm bớt 2 loại chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Thông tin này khiến cho giáo viên dưới cơ sở rất mừng vì tiếng nói của họ đã được các cấp, các ngành lắng nghe và đề xuất thay đổi.

Nhưng, giá như…Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục lắng nghe dư luận và thực hiện sớm hơn thì có lẽ hàng triệu nhà giáo không phải bỏ ra mỗi người hơn 2 triệu đồng để học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và điều cơ bản là không khiến cho đội ngũ nhà giáo phải phản đối nhiều như mấy tháng gần đây.

Hãy bồi dưỡng những kiến thức giáo viên cần, chứ không phải là những chứng chỉ vô bổ tốn kém…

Chúng tôi hy vọng nếu như những nội dung đề xuất của văn bản số 2499/BNV-CCVC được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thì tới đây những giáo viên đã được các cơ quan chức năng tuyển dụng không phải học thêm những chứng chỉ vô bổ khác nữa.

Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục cần giảm tải chứng chỉ cho giáo viên đứng lớp bởi họ là những người làm chuyên môn đơn thuần thì cái cần nhất là chuyên môn, phương pháp để giảng dạy hàng ngày.

Vậy nên, nếu phải bồi dưỡng thì Bộ Giáo dục có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, phương pháp dạy học mà thôi. Những cái không cần, không thiết thực thì bỏ. Đặc biệt, không nên quy định học chứng chỉ mà giáo viên phải bỏ tiền triệu ra để học.

Mỗi người tiền triệu, thậm chí chỉ vài trăm ngàn đồng thì hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước sẽ bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để nuôi các cơ sở đào tạo. Nó lãng phí vô cùng, nhất là phải học những nội dung kiến thức mà giáo viên đã biết, đã đang thực hiện hàng ngày trên lớp.

Những nội dung tin học, ngoại ngữ, chức danh nghề nghiệp thì Bộ chỉ đạo cho các trường sư phạm “tích hợp” tất cả vào chương trình đào tạo khi mà sinh viên đang còn học ở các trường đại học, cao đẳng sư phạm. Nó vừa tiện lợi, vừa hiệu quả mà cái chính là không xảy ra tiêu cực trong đào tạo, cấp chứng chỉ sau này.

Khi sinh viên đã ra trường, được tuyển dụng thì chỉ những nhà giáo được cơ cấu, bổ nhiệm làm lãnh đạo nhà trường mới cần thiết học thêm một số chứng chỉ cho công việc quản lý sau này.

Giáo viên đứng lớp thì cái cần nhất là văn bằng khi học sư phạm, khi ra trường thì việc bồi dưỡng chuyên môn hàng năm là phù hợp với công việc thực tiễn và tất nhiên việc bồi dưỡng chuyên môn thì giáo viên họ vui vẻ, tự nguyện đi học vì nó thiết thực.

Thậm chí, ngành không bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn thì nhiều giáo viên vẫn luôn tự học, tự trau dồi chuyên môn hàng ngày để phục vụ cho công việc của mình.

NGUYỄN CAO