Bộ Giáo dục cần có văn bản hướng dẫn thực hiện tăng giờ mùa dịch cho giáo viên

03/12/2020 05:58
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục cần có văn bản hướng dẫn việc dạy tăng tiết trong năm học có dịch bệnh để các địa phương mới có cơ sở tính toán số tiết dạy vượt chuẩn cho giáo viên.

Năm học 2019-2020 đã qua đi nhưng câu chuyện giáo viên dạy vượt định mức không được nhận tiền vẫn đang còn dây dưa đến tận bây giờ.

Giáo viên mùa dịch cũng vất vả (Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: Báo Hà Nội mới)

Giáo viên mùa dịch cũng vất vả (Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: Báo Hà Nội mới)

Cùng với đó, nỗi lo cho năm học 2020-2021 câu chuyện buồn về tiền tăng giờ sẽ lặp lại khi chưa có chỉ đạo chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định tính tiền dạy tăng tiết cho giáo viên trong mùa dịch.

Những nghịch lý

Giáo viên tiểu học dạy 30 tiết/tuần cũng bằng giáo viên dạy 23 tiết/ tuần. Giáo viên trung học cơ sở dạy 25 tiết/ tuần cũng bằng những thầy cô chỉ dạy 19 tiết/tuần.

Đặc biệt có trường thiếu giáo viên nên có thầy cô sáng dạy một lớp 32 tiết/tuần, chiều dạy một lớp 32 tiết/tuần cũng chỉ bằng những thầy cô giáo chỉ dạy một lớp.

Để xảy ra tình trạng nghịch lý thế này trong môi trường giáo dục là do năm hoạc 2019-2020 dịch Covid-19 bùng phát nên học sinh các tỉnh phải nghỉ học ít nhất từ 5 tuần trở lên.

Bởi thế, khi tính tiền dạy vượt trội, các trường cứ lấy định mức cũ là 35 tuần làm chuẩn để tính. Do đó, không có giáo viên nào được nhận tăng giờ dù trước đó nhiều giáo viên đã dạy vượt tiết rất nhiều.

Nhiều giáo viên chỉ muốn dạy đúng số tiết tiêu chuẩn. Vậy, ai sẽ đảm nhận những tiết dạy khi đang thiếu giáo viên?

Nếu năm học diễn ra bình thường 35 tuần thì không có chuyện gì đáng nói. Thế nhưng, trước thông tin dịch Covid-19 đang có chiều hướng tái phát, nhiều giáo viên lo ngại học sinh sẽ phải nghỉ học như năm học vừa qua.

Và như thế, những giáo viên đang dạy tăng tiết sẽ có nguy cơ không được nhận tiền nên nhiều thầy cô tỏ ra hoang mang, chán nản.

Đã có những thầy cô giáo yêu cầu nhà trường phân công đúng số tiết dạy theo tiêu chuẩn (giáo viên tiểu học dạy 23 tiết/tuần; giáo viên trung học cơ sở dạy 19 tiết/tuần; giáo viên trung học phổ thông dạy 17 tiết/tuần) và xin trả lại những số tiết dạy vượt chuẩn.

Điều này đã gây khó khăn cho Ban giám hiệu nhà trường. Bởi, nếu không phân công giáo viên dạy vượt định mức thì lấy ai giảng dạy khi nhà trường đang thiếu giáo viên? Các trường sẽ ra sao nếu như giáo viên đồng loạt không chịu dạy tăng tiết?

Nhà trường muốn tính tăng giờ cho giáo viên nhưng lại vướng quy định

Một số hiệu trưởng cho biết cũng muốn tính tiền tăng giờ cho giáo viên. Thế nhưng Bộ Giáo dục vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể số tuần dạy của giáo viên trong năm có dịch bệnh.

Vì lẽ đó, các trường học vẫn cứ phải áp dụng Thông tư 28/2009 TT-BGDĐT và Thông tư 15/2017 TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT (có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2017) quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông như cũ:

Thời gian làm việc của giáo viên tiểu học trong năm học là 42 tuần, trong đó:

35 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

Hiện các địa phương khi tính tiền tăng giờ cho giáo viên vẫn đang căn cứ vào những quy định này.

Bởi thế, học sinh nghỉ học do dịch bệnh mấy tuần nhà trường vẫn cứ căn cứ quy định 35 tuần để tính số tiết giáo viên phải dạy.

Cụ thể, giáo viên tiểu học dạy 23 tiết/tuần 35 tuần =805 tiết; Giáo viên trung học 19 tiết x37 tuần = 703 tiết.

Ví dụ: nếu như do dịch bệnh, học sinh nghỉ học 7 tuần thì giáo viên tiểu học sẽ thiếu: 23 x 7 = 161 tiết. Giáo viên trung học sẽ thiếu: 19 x 7 = 133 tiết.

Và, người ta sẽ lấy tổng số tiết giáo viên đã dạy tăng trong 28 tuần trừ đi số tiết thiếu. Do đó, gần như không có thầy cô giáo nào được nhận tiền dạy vượt tiết dù thực tế họ phải dạy rất nhiều.

Bộ Giáo dục cần có văn bản hướng dẫn việc thực hiện tăng giờ cho giáo viên

Dạy vượt chuẩn nhiều nhưng không được ghi nhận, người dạy nhiều cũng như người dạy ít nên dễ sinh bất mãn và chán nản.

Điều này làm lòng nhiệt huyết của các thầy cô cũng giảm sút, vì thế chất lượng các tiết dạy cũng không được nâng cao.

Trước thực trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản hướng dẫn cụ thể việc dạy tăng tiết trong những năm học có dịch bệnh.

Từ đó, các địa phương mới có cơ sở tính toán số tiết dạy vượt định mức tránh cho giáo viên không bị thiệt thòi quyền lợi cũng là tạo động lực cho các thầy cô giáo cháy hết mình trong từng bài giảng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Phan Tuyết