Bộ sửa thông tư, xin đừng cột chặt thầy cô vào các loại bằng cấp

19/06/2020 06:16
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Dự thảo mới ban hành để lấy ý kiến dư luận, giáo viên trung học cơ sở sẽ có thêm hạng IV.

Ngày 16/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông công lập trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý.

Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở công lập chỉ có ba hạng [1]; nay dự thảo có thêm hạng IV, là điểm mới của dự thảo lần này [2].

Giáo viên trung học cơ sở sẽ có thêm hạng IV? (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Giáo viên trung học cơ sở sẽ có thêm hạng IV? (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Tại Điều 2, của Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên Trung học cơ sở phổ thông công lập có ghi:

Điều 2. Mã số, hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở

1. Chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở bao gồm:

a) Giáo viên trung học cơ sở hạng III - (mã số do Bộ Nội vụ cấp);

b) Giáo viên trung học cơ sở hạng II - (mã số do Bộ Nội vụ cấp);

c) Giáo viên trung học cơ sở hạng I - (mã số do Bộ Nội vụ cấp).

2. Đối với giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 (bao gồm giáo viên thuộc đối tượng thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo và giáo viên không thuộc đối tượng nâng trình độ chuẩn được đào tạo) thì giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng IV - (mã số do Bộ Nội vụ cấp)”.

Tôi đề nghị sửa đổi khoản 2 của Điều 2 như sau:

“Điều 2. Mã số, hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở

1. Chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở bao gồm:

a) Giáo viên trung học cơ sở hạng III - (mã số do Bộ Nội vụ cấp);

Giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 (bao gồm giáo viên thuộc đối tượng thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo và giáo viên không thuộc đối tượng nâng trình độ chuẩn được đào tạo);

Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hoặc bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên tổng phụ trách đội giỏi từ cấp trường trở lên (từ ba năm học trở lên) được xếp Giáo viên trung học cơ sở hạng III.

b) Giáo viên trung học cơ sở hạng II - (mã số do Bộ Nội vụ cấp);

c) Giáo viên trung học cơ sở hạng I - (mã số do Bộ Nội vụ cấp).

2. Đối với giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 (bao gồm giáo viên thuộc đối tượng thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo và giáo viên không thuộc đối tượng nâng trình độ chuẩn được đào tạo) còn lại thì giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng IV - (mã số do Bộ Nội vụ cấp)”.

Tại sao đề nghị thay đổi Điều 2 của dự thảo?

Lý do thứ nhất: Giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 (bao gồm giáo viên thuộc đối tượng thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo và giáo viên không thuộc đối tượng nâng trình độ chuẩn được đào tạo);

Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hoặc bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu:

Giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên tổng phụ trách đội giỏi từ cấp trường trở lên (từ ba năm học trở lên) được xếp giáo viên trung học cơ sở hạng III là phù hợp đạo lý làm người; thể hiện sự quan tâm của nhà nước với giáo viên đã có cống hiến cho nghề giáo.

Lý do thứ hai: Thể hiện ngành giáo dục vẫn coi trọng thực lực, năng lực của người lao động chứ không hoàn toàn coi trọng bằng cấp. Những người chưa hoàn chỉnh bằng cấp nhưng có năng lực, có cống hiến, được ghi nhận.

Lý do thứ ba: Giáo viên thuộc đối tượng thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo và giáo viên không thuộc đối tượng nâng trình độ chuẩn được đào tạo vẫn làm nhiệm vụ, công việc không khác gì giáo viên hạng III, hạng II, hạng I; nhưng làm tốt công việc; công nhận “Giáo viên thuộc đối tượng thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo và giáo viên không thuộc đối tượng nâng trình độ chuẩn được đào tạo” giáo viên hạng III là phù hợp đạo lý làm người, đạo lý dùng người.

Lý do thứ 4: Đã trả lương theo vị trí việc làm, cùng một vị trí mà chất lượng công việc như nhau thì phải trả lương như nhau, nên giáo viên thuộc đối tượng thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo và giáo viên không thuộc đối tượng nâng trình độ chuẩn được đào tạo đạt loại giỏi, được khen thưởng phải được tôn trọng, đảm bảo công bằng xã hội.

Với giáo dục, sản phẩm vô hình, khó có thể đong đếm được ngay; bằng cấp nhà giáo quan trọng nhưng thật ra không quan trọng bằng tấm lòng của họ với công việc.

Vì vậy, tôn trọng, ghi nhận những giáo viên được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hoặc bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu:

Giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên tổng phụ trách đội giỏi từ cấp trường trở lên dù họ chưa đạt chuẩn bằng cấp là một việc nên làm, cần làm của xã hội.

Tài liệu tham khảo:

[1]thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-lien-tich-22-2015-TTLT-BGDDT-BNV-ma-so-tieu-chuan-giao-vien-trung-hoc-co-so-cong-lap-292333.aspx

[2]moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1492

Lê Mai