Bùng nhùng chia hạng, xếp lương giáo viên mong Bộ trưởng quan tâm chỉ đạo

11/07/2021 06:28
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tại sao việc xếp hạng, xếp hệ số lương theo hạng, chuyển ngạch từ ngạch có hệ số lương mới,… lại nhận được nhiều bức xúc trong giáo viên?

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ mầm non đến phổ thông đã nhận rất nhiều ý kiến trái chiều, nhiều ý kiến phản hồi bất cập trong việc lên hạng, xuống hạng, chuyển xếp lương, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp,…

Tại sao việc xếp hạng, xếp hệ số lương theo hạng, chuyển ngạch từ ngạch có hệ số lương mới,… gọi chung là chia hạng giáo viên lại nhận được nhiều bức xúc trong giáo viên?

Trong bài viết tôi xin được nguồn gốc của việc xuất hiện bất cập trong việc xếp hạng và xin được đề xuất phương án để giải quyết những vướng mắc, bất cập trên.

Bất cập của việc “chia hạng”

Nếu chia hạng giáo viên hợp lý, phù hợp, công bằng,… thì sẽ là một cách làm hay, giáo viên công tác tốt, hiệu quả cao,… được xếp ở hạng cao và hưởng lương cao hơn là điều hợp lý, đương nhiên.

Nhưng chính vì việc chia hạng bất cập, sắp xếp lương bất cập, lên hạng, xuống hạng bất cập,… đã dẫn đến tác dụng ngược, nên khi các chùm Thông tư do Bộ ban hành gây rất nhiều bức xúc trong giáo viên.

Nguồn gốc của việc xuất hiện việc chia hạng giáo viên dẫn đến bức xúc như hiện nay là gì?

Đầu tiên, đó là việc xuất hiện chùm Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT. Đó là xuất phát điểm của việc chia hạng gây bức xúc trong giáo viên và dẫn tới những bức xúc tiếp theo khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư mới 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Đối với giáo viên mới nhận nhiệm vụ: Theo quy định trước năm 2015, giáo viên nhận nhiệm vụ có trình độ nào thì được xếp lương theo trình độ đào tạo. Nếu trình độ đại học được hưởng lương có hệ số 2,34 đến 4,98; trình độ cao đẳng hưởng lương 2,1 đến 4,89; trình độ trung cấp hưởng lương 1,86 đến 4,06.

Từ năm 2015 đến nay, việc chia hạng giáo viên được triển khai theo chùm Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT.

Bất kể khi tuyển dụng có bằng cấp gì thì dạy ở mầm non, tiểu học được xếp lương có hệ số 1,86; dạy ở trung học cơ sở xếp lương có hệ số 2,1; dạy ở trung học phổ thông có hệ số 2,34 (hạng thấp nhất ở mỗi bậc học).

Bất cập đầu tiên đã xuất hiện, giáo viên có trình độ đại học hưởng lương trung cấp (mầm non, tiểu học), cao đẳng (trung học cơ sở).

Cùng một sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm Toán, nếu dạy ở trung học phổ thông thì được xếp lương có hệ số 2,34 nhưng dạy ở tiểu học lại chỉ được xếp lương có hệ số 1,86 (dù có tốt nghiệp đại học giỏi hoặc xuất sắc).

Bất cập tiếp theo của chùm Thông tư trên là đến nay giáo viên được được thăng hạng hầu như chẳng được bao nhiêu.

Đối với giáo viên đang công tác: Từ năm 2011 trở về trước, giáo viên đã được chuyển xếp lương theo trình độ trên bằng cấp. Ví dụ: giáo viên dạy ở bất kỳ bậc học nào, đào tạo theo hình thức nào nếu trình độ đại học được hưởng lương có hệ số 2,34 đến 4,98; trình độ cao đẳng hưởng lương 2,1 đến 4,89; trình độ trung cấp hưởng lương 1,86 đến 4,06.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2012 đến nay những những giáo viên trên lại không được chuyển xếp lương mà phải hưởng lương theo hệ số từ trước đến nay.

Ví dụ: một giáo viên tiểu học khi nhận công tác năm 2009, có trình độ trung cấp (đạt chuẩn hiện hành) được xếp lương có hệ số 1,86 - 4,06 và sau đó đi học nâng chuẩn có trình độ đại học năm 2012 (trên chuẩn 2 bậc), tuy nhiên do vướng cơ chế, quy định thì hiện nay vẫn chỉ hưởng lương trung cấp (hệ số 2,06-4,06). Điều này rất bất cập.

Bất cập của chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TT-BGDĐT

Việc thực hiện chuyển xếp lương theo các Thông tư 21, 22, 23, 24/2015/TT-BGDĐT bộc lộ nhiều bất cập như:

Đối với giáo viên mầm non, tiểu học: Có thể hiểu đơn giản chuyển xếp lương, xếp hạng như sau, giáo viên đang hưởng lương đại học được chuyển xếp hưởng lương hạng II (hệ số 2,34 đến 4,98); đang hưởng lương cao đẳng được chuyển xếp hưởng lương hạng III (hệ số lương 2,1 đến 4,89); đang hưởng lương trung cấp được chuyển xếp lương hạng IV (hệ số lương 1,86 đến 4,06).

Đối với giáo viên trung học cơ sở: Giáo viên đang hưởng lương giáo viên cao cấp được chuyển xếp lương giáo viên hạng I (hệ số lương 4,0 đến 6,38); Giáo viên đang hưởng lương đại học được chuyển xếp hưởng lương hạng II (hệ số 2,34 đến 4,98); đang hưởng lương cao đẳng được chuyển xếp hưởng lương hạng III (hệ số lương 2,1 đến 4,89);

Đối với giáo viên trung học phổ thông thì được chuyển xếp thành 3 hạng, hạng I (hệ số lương 4,4 đến 6,78), hạng II (hệ số lương 4,0 đến 6,38), hạng III (hệ số lương 2,34 đến 4,98).

Như vậy, đợt chuyển xếp lương này hoàn toàn không dựa vào quá trình cống hiến, hiệu quả làm việc mà chỉ là dựa vào bậc lương đang hưởng để chuyển xếp lương, chia hạng giáo viên.

Giả sử một giáo viên tiểu học giảng dạy nhiều năm, đang hưởng lương trung cấp, có bằng đại học từ năm 2012 thì vẫn tiếp tục chuyển xếp lương giáo viên tiểu học hạng IV (hệ số 1,86 – 4,06) khi thực hiện theo Thông tư 21/2015.

Còn trường hợp khác là giáo viên nhận nhiệm vụ năm 2013, có bằng đại học, khi tuyển dụng được xếp lương đại học (hệ số lương 2,34 – 4,98), khi xếp lương theo Thông tư 21 thì lại được chuyển xếp lương giáo viên tiểu học hạng II (hệ số 2,34 – 4,98), rõ ràng quá bất công cho giáo viên có bằng đại học 2012.

Bất cập tiếp theo là khi các thông tư trên ra đời thì không biết thực hiện và quản lý như thế nào mà đến nay đã 6 năm mà hầu như giáo viên khi xếp lương theo các thông tư đó vẫn hưởng lương có hệ số như trên.

Theo quan sát của người viết, nhiều nơi giáo viên dù có cố gắng, thành tích như thế nào vẫn không được thăng hạng, giáo viên có bằng đại học 2012 đến nay 10 năm vẫn hưởng lương trung cấp, dù có là hiệu trưởng, hiệu phó,… vẫn hưởng lương trung cấp, hầu như không có đợt thi/ xét thăng hạng nào được tổ chức.

Giáo viên làm việc không hiệu quả được hưởng lương có hệ số cao được chuyển xếp hạng cao bất kể hiệu quả công việc, hưởng lương cao, còn giáo viên dù cố gắng đạt thành tích nào vẫn không thể được thăng hạng là một trong những bất cập đầu tiên của chùm Thông tư xếp hạng đầu tiên, nó là nguồn gốc của những bất cập tiếp theo khi xếp lương theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/2021/TT-BGDĐT.

Những bất cập của việc xếp lương theo Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT

Như đã trình bày ở trên, bất cập của Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT là chỉ chuyển xếp lương theo mức lương hiện hưởng, giáo viên ở hạng nào thì ở hạng đó không được thăng hạng (nhiều giáo viên có bằng đại học từ 2012 đến nay vẫn hưởng lương trung cấp), giáo viên có trình độ đại học hưởng lương trung cấp,…

Do đó, xếp hạng giáo viên theo chùm Thông tư cũ đó đã bộc lộ quá nhiều bất cập, bất công, không dựa vào hiệu quả, sức cống hiến, chất lượng,…

Rất tiếc, khi ban hành Thông tư mới lại không giải quyết được những bất cập trên mà còn phát sinh thêm nhiều bất cập khác còn gây bức xúc nhiều hơn, gây bất công lớn hơn, phản ứng nhiều hơn. Trong phạm vi bài viết xin chỉ nêu bất cập của việc chuyển xếp lương theo chùm Thông tư mới.

Như vậy, bất cập của chùm Thông tư cũ nối tiếp bất cập của chùm Thông tư mới, việc chuyển xếp lương theo Thông tư mới bộc lộ vô vàn bất cập, cũng hoàn toàn không dựa vào chất lượng, trình độ, hiệu quả công việc. Có thể tạm hình dung các trường hợp cụ thể (chỉ tính trường hợp đạt chuẩn) như sau:

Đối với giáo viên mầm non:

Giáo viên mầm non hạng IV cũ (hệ số lương 1,86 – 4,06) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mới (hệ số lương 2,1 đến 4,89);

Giáo viên mầm non hạng III cũ (hệ số lương 2,1 đến 4,89) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mới (hệ số lương 2,1 đến 4,89);

Giáo viên mầm non hạng II cũ (hệ số lương 2,34 đến 4,98) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II mới (hệ số lương 2,34 đến 4,98).

Đối với giáo viên tiểu học:

Giáo viên tiểu học hạng IV cũ (hệ số lương 1,86 – 4,06) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mới (hệ số lương 2,34 – 4,98);

Giáo viên tiểu học hạng III cũ (hệ số lương 2,1 – 4,89) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mới (hệ số lương 2,34 – 4,98);

Giáo viên tiểu học hạng II cũ (hệ số lương 2,34 – 4,98) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II mới (có hệ số lương 4,0 – 6,38).

Đối với giáo viên trung học cơ sở:

Giáo viên trung học cơ sở hạng III cũ (hệ số lương 2,1 đến 4,98) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III mới (hệ số lương 2,34 - 4,98);

Giáo viên trung học cơ sở hạng II cũ (hệ số lương 2,34 – 4,98) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II mới (hệ số lương 4,0 - 6,38);

Giáo viên trung học cơ sở hạng I cũ (hệ số lương 4,0 - 6,38) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (hệ số lương 4,4 - 6,78).

Đối với giáo viên trung học phổ thông:

Xếp lương có hệ số lương, hạng tương đương với Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT.

Như vậy, khoan nói đến những điều kiện, tiêu chuẩn khác thì đầu tiên và quan trọng là việc chuyển xếp lương theo Thông tư mới hầu như chỉ dựa vào hạng cũ để chuyển sang hạng mới mà không hề quan tâm đến vị trí việc làm hay chất lượng, hiệu quả công việc,…

Nếu theo quy định chuyển xếp lương theo Thông tư mới này thì giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II cũ (có hệ số lương 2,34 - 4,98) gần như sẽ được bổ nhiệm giáo viên hạng II mới (hệ số lương 4,0 đến 6,38).

Điều này nảy sinh 2 bất cập rất lớn đó là sẽ có việc giáo viên có hệ số lương 3,0 (thậm chí nhỏ hơn) chuyển sang hệ số lương 4,0 và giáo viên có hệ số lương 3,99 cũng chuyển sang hệ số lương 4,0 không hợp lý.

Điều bất hợp lý này không đáng có trong giáo dục, nếu thật sự một người tài giỏi, dạy hiệu quả cao, chất lượng cao,… thì việc chuyển từ hệ số lương 3,0 sang hệ số lương 4,0 cũng hợp lý, tuy nhiên việc chuyển không dựa vào hiệu quả, chất lượng mà nảy sinh bất công.

Chuyển xếp lương kiểu gì mà hệ số lương từ 3,0 đến 3,99 đều chuyển sang hệ số lương 4,0; nhiều giáo viên công tác 20 năm, có người làm hiệu trưởng, hiệu phó,… không bằng một giáo viên bình thường mới ra trường 5-10 năm.

Theo góc nhìn của người viết, do không căn cứ và chất lượng và hiệu quả công việc nên chuyển xếp lương như trên là vô căn cứ, gây nhiều bức xúc, thất vọng và chán nản trong lực lượng giáo viên.

Điều bất hợp lý thứ hai là những giáo viên hưởng lương trung cấp, cao đẳng có bằng đại học từ năm 2012 đến nay, khi chuyển sang lương theo Thông tư mới chỉ được chuyển sang lương hạng III mới mà không có cơ hội lên hạng II mới (phải đợi ít nhất 9 năm sau), trong khi đó họ đã thiệt thòi gần 10 năm chưa được chuyển xếp lương.

Giáo viên đã bức xúc, gặp bất công thì khó lòng mà chuyên tâm với công việc, khó lòng mà đạt hiệu quả trong công tác.

Đề xuất xếp lương hiện nay

Rõ ràng việc chuyển xếp lương theo chùm Thông tư mới không chỉ việc chuyển xếp hệ số lương mà còn rất nhiều bất cập về thăng hạng, giáng hạng, tiêu chuẩn, chia hạng đạo đức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp,… nên nếu được thì xin được đề xuất phương án 1 là dừng triển khai các Thông tư này cho đến khi thực hiện việc xếp lương mới theo vị trí việc làm từ 01/7/2022, các trường hợp giáo viên chưa được thăng hạng từ năm 2012 thực hiện việc xét thăng hạng 100% cho giáo viên đạt các tiêu chuẩn.

Nếu bắt buộc phải thực hiện việc chia hạng theo các Thông tư trên thì người viết đồng tình với ý kiến trong bài viết “Mong Bộ trưởng chỉ đạo sớm sửa chùm thông tư xếp hạng giáo viên mới” của tác giả Đỗ Hùng đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tác giả Đỗ Hùng có phần hợp lý khi đề xuất “Đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ được xếp thành 2 hạng (hạng I, II,). Hạng I (hệ số lương từ 4,4 – 6,78), hạng II (hệ số lương từ 2,34 – 4,98).

Đối với giáo viên mầm non sẽ có 3 hạng (hạng I, hạng II, hạng III). Hạng I (hệ số lương từ 4,4 – 6,78), hạng II (hệ số lương từ 2,34 – 4,98), hạng III (hệ số lương từ 2,1 – 4,89)”.

Phương án 2 thì tôi rất tán đồng với tác giả Đỗ Hùng khi đề xuất đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ được xếp thành 2 hạng (hạng I, II,). Hạng I (hệ số lương từ 4,4 – 6,78), hạng II (hệ số lương từ 2,34 – 4,98). Hạng I phải là những người vô cùng tiêu biểu, xuất sắc, đa số nếu đạt chuẩn nên xếp hạng II.

Còn đối với giáo viên mầm non, người viết đề xuất giáo viên mầm non chỉ nên có 2 hạng giống như giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông.

Còn việc chuyển xếp lương giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông giống đề xuất của tác giả Đỗ Hùng, đối với giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng, đại học nên được chuyển xếp giáo viên hạng II có hệ số lương 2,34 đến 4,98; giáo viên mầm non có trình độ trên đại học trở lên được chuyển xếp lương có hệ số lương 4,4 đến 6,78.

Giáo viên mầm non rất vất vả, làm việc 8 tiếng thậm chí hơn 8 tiếng mỗi ngày, nên có sự ưu tiên trong xếp hệ số lương.

Hoặc phương án 3 là giáo viên đủ điều kiện ở hạng nào được chuyển xếp lương ở hạng đó, ví dụ như giáo viên trung học cơ sở ở hạng III cũ nếu đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn của giáo viên hạng II thì được bổ nhiệm giáo viên hạng II mà không phải chuyển sang hạng III mới và phải đợi 9 năm sau mới chuyển sang hạng II mới.

Trên đây là một số bất cập về Thông tư trên và đề xuất về phương án bổ nhiệm xếp lương mới khi Bộ Giáo dục và Đào tạo khi sửa đổi các Thông tư về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên. Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện lần này đảm bảo công bằng, hợp lý, tạo động lực cho giáo viên phấn đấu và công tác tốt.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM