23 tuổi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, tuổi đời còn trẻ chưa có kinh nghiệm, lại không hề qua đào tạo cọ xát với thực tế, chưa xác định rõ mình là ai, nhiệm vụ của mình là gì và học sinh cần gì ở mình.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, chia sẻ:
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa: Điều quan trọng nhất với sinh viên vừa tốt nghiệp Sư phạm là phải được qua thời gian đào tạo lại trong môi trường thực tế vì hiện nay trường Sư phạm chưa đào tạo đúng cách. Ảnh: Tùng Dương. |
“ Giáo viên vừa ra trường phải hiểu được mình là người đào tạo Giáo dục chứ không phải là thợ dạy sách giáo khoa, nếu biết được những điều đó thì mới là giáo viên có tầm, mới xứng đáng đứng trên bục giảng.
Trước thực trạng như hiện nay thì theo tôi có mấy vấn đề như sau: Thứ nhất là số lượng giáo viên của trường đó có hạn, giáo viên nam có nhiều nên nhà trường phân công làm chủ nhiệm.
Ở các trường công lập, khi giáo viên đã xác định vào biên chế rồi, ước mơ từ trường tư chuyển được về trường công, chứ đã ở trường công rồi thì rất ít khi muốn sang trường tư, đó cũng là một tác động.
Vậy định hình của những giáo viên này đã rõ nên họ có thể yên tâm hơn, chỉ có điều là tùy từng người. Nhưng để làm được một người giáo viên chủ nhiệm sâu sắc, một người mẹ hiền luôn dìu dắt các con thì giáo viên chủ nhiệm nữ vẫn làm tốt hơn nam giới.
Tôi không phân biệt nam nữ nhưng thực tế đã chứng minh điều đó là nghề nghiệp nó sẽ tự chọn thầy, ban giám hiệu cũng không thể chọn được.
Điều quan trọng nhất với sinh viên vừa tốt nghiệp Sư phạm là phải được qua thời gian đào tạo lại trong môi trường thực tế vì hiện nay trường Sư phạm chưa đào tạo đúng cách.
Họ chưa đào tạo sinh viên trở thành những những nhà Giáo dục mà thực tế chỉ đào tạo những người đi dạy theo sách giáo khoa, còn việc làm chủ nhiệm thì rõ ràng những sinh viên này chưa được đào tạo, và đại học cũng không có khoa nào dạy làm chủ nhiệm.
Trường Sư phạm coi việc đào tạo là chính chứ không coi Giáo dục là chính, chỉ có vài tiết dạy về tâm lý Giáo dục nhưng thực chất là không ăn nhập vào đâu.
Ở trường tôi thì giáo viên chủ nhiệm là nét đẹp văn hóa, là nghệ thuật Giáo dục tầm cao chứ không phải để gõ đầu học sinh.
Với kinh nghiệm gần 50 năm làm nhà giáo của tôi thì làm chủ nhiệm lớp là một nghệ thuật và có yêu cầu rất cao, những chuẩn hiện nay của bộ về vấn đề này mới chỉ là những vấn đề tối thiểu, còn cái mà cuộc sống, xã hội, cha mẹ, học sinh, giáo dục… đang cần là những tiêu chuẩn thực tế hơn”.
Phải đào tạo lại qua thực tế
Không bao giờ tôi chọn giáo viên vừa ra trường làm chủ nhiệm, cho dù học bạ có học lực giỏi và điểm cao đến đâu.
Có cô giáo trẻ khi về trường tôi với học bạ ghi suất sắc, nhưng tôi phân công cho làm công tác truyền thông ở trường trong 1 năm, công việc đó chỉ là phụ, cái mà tôi muốn nhắm đến là trong một năm đó giáo viên trẻ có thời gian gần gũi với học sinh.
Giáo viên mới phải tiếp cận, thu hút, quan tâm và yêu thương học sinh, các em có quý và yêu thích cô hay không? Tất cả những việc đó rất quan trọng trước khi giáo viên trẻ đó được phân công đứng trên bục giảng, chứ chưa phải là làm chủ nhiệm.
Cô giáo Nguyễn Thu Thủy dạy môn lịch Sử - Trường trung học cơ sở & trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm: Tôi nhận thấy mình không nên thay đổi người khác mà phải tự thay đổi chính mình. Ảnh: Tùng Dương. |
“Ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm của chúng tôi khi tiếp nhận một giáo viên trẻ vừa mới ra trường, trước hết tôi dành 1 tuần lễ để tập huấn cho giáo viên đó thấy được mục tiêu Giáo dục của bậc phổ thông là gì, cái mà giáo viên đó hướng tới là gì?
Tôi dạy về văn hóa ứng xử, quan tâm đến cảm xúc của học sinh, chứ không quan tâm đến điểm số.
Dạy cách ứng xử với học sinh trong từng trường hợp, với học sinh học giỏi thì thế nào, khi học sinh mắc lỗi thì ứng xử ra sao, các em gặp khó khăn thì giáo viên phải thế nào, lúc tình cảm của các em bị tác động thì giáo viên phải phản ứng ra sao…?
Tất cả những việc đó giáo viên phải nhận thức được, phải thay đổi cách nghĩ với quan niệm cũ kỹ đã được nhồi nhét suốt 23 năm học từ phổ thông cho đến đại học, và nếu đã nhận ra rồi thì giáo viên đó phải có tâm thế để thay đổi chính mình.
Trong năm đầu, giáo viên mới chỉ được làm giúp việc cho giáo viên chủ nhiệm với nhiệm vụ tiếp cận gần gũi với học sinh, giữ trật tự, chăm học sinh ăn ngủ, tìm hiểu tính cách, kiểm tra sĩ số, hiểu được tâm lý của các em, xem cách của cô chủ nhiệm giao tiếp với học sinh, với phụ huynh thế nào, ngoài ra giáo viên mới phải đi dự giờ của những giáo viên khác để học hỏi.
Năm thứ 2 giáo viên mới sẽ được làm phó chủ nhiệm nhưng vẫn là giúp việc cho giáo viên chủ nhiệm chính, thời gian này cũng có thể giáo viên mới đó sẽ được dạy bộ môn nhưng phải trình giáo án từng buổi cho giáo viên hướng dẫn xem xét, chỉnh sửa.
Trong thời gian dạy thử, nếu tự thấy có khả năng thì bày tỏ quan điểm của mình, tổ chuyên môn sẽ xem xét giao thêm tiết dạy trên lớp cho giáo viên đó. Qua 2 năm đầu tiên được đào tạo và thử việc đó, cũng có giáo viên được tiếp tục dạy và cũng có giáo viên phải bỏ cuộc.
Thông thường giáo viên mới trụ được qua 2 năm đầu tiên đó thì chúng tôi vẫn phải đào tạo tại trường thêm 3 năm tiếp theo, xét duyệt xem giáo viên đó đã đạt được những yêu cầu cần thiết rồi mới được làm giáo viên chủ nhiệm, nếu chưa đạt thì thì sẽ phải phấn đấu tiếp.
Giáo viên phải truyền cảm hứng, phải gợi mở hướng dẫn để học sinh tự tìm tòi kiến thức, kích thích hứng thú, đam mê đối với các môn học. Nếu đam mê thì các em sẽ tự học.
Học sinh bây giờ rất giỏi, rất thông minh và có điều kiện hơn trước, nếu được hướng dẫn đúng cách thì các em còn làm thầy của giáo viên chứ không phải giáo viên làm thầy của học sinh.
Các em có thời gian lại giỏi công nghệ nên tiếp xúc với nhiều kênh khác nhau, từ đó các em cung cấp lại cho giáo viên những thông tin mới mà giáo viên chưa được biết, có thể nói làm thầy là ở chỗ đó”, thầy Hòa cho biết.
Thầy chủ nhiệm khác cô chủ nhiệm thế nào?
“Kinh nghiệm của tôi trong suốt mấy chục năm qua thì cô giáo chủ nhiệm sẽ thích hợp hơn thầy chủ nhiệm, bản thân ngay tại trường tôi có 90 giáo viên chủ nhiệm thì chỉ có 1 người là nam giới.
Tại sao phụ nữ lại làm chủ nhiệm tốt hơn? Thứ nhất phụ nữ tính tình điềm đạm, có chiều sâu về tâm hồn tình cảm, là người mẹ nên dễ đi sâu vào tâm lý của học sinh vì giống như con cái mình ở nhà.
Những cô giáo trẻ đã được qua đào tạo theo cách dạy học sinh làm người thì sẽ có trái tim yêu thương, bao dung, biết cách xử lý những tình huống với nhiều hoàn cảnh.
Việc thăng tiến không phải là nhu cầu bức xúc của giáo viên nữ, họ chỉ mong muốn trở thành một nhà giáo với chuyên môn tốt, họ không thấp thỏm mong chạy đến chỗ có điều kiện tốt hơn, tất nhiên là cũng có nhưng chỉ là vài ba trường hợp, còn nam giới thì gần như 99,99%.
Thầy giáo cũng có ưu điểm là thoáng đãng, họ nhìn vấn đề rộng rãi và cởi mở hơn, nhưng vì cởi mở hơn thì nhược điểm là không có chiều sâu, không đi sâu vào tâm lý và thường ít yêu thương trẻ con hơn giáo viên nữ.
Đặc biệt là giáo viên nam thường hướng tới một cái gì đó cao hơn chuyên môn của mình như danh vọng, kinh tế, địa vị.
Họ đang đứng trong môi trường chuyên môn là nhà giáo, nhưng nếu thấy có môi trường tốt để vươn lên kiếm được nhiều tiền hơn là họ sẵn sàng bỏ nghề giáo mà đi.
Chính vì vậy giáo viên nam thường không yên tâm với nghề, và từ chỗ không yên tâm đó họ sẽ không đi sâu vào nghề giáo để trở thành người truyền cảm hứng được.
Nam giới thì làm việc gì cũng tốt, nhưng vì họ không yên tâm với nghề nên chỉ thích hợp với làm giáo viên bộ môn hơn là làm chủ nhiệm. Nam giới làm chủ nhiệm thì rất ít người thành công, nhưng đã thành công thì đó là người thầy tuyệt vời, rất xuất sắc.
Bản thân tôi đã bố trí nhiều giáo viên nam làm chủ nhiệm rồi nhưng đều thất bại vì những lý do trên, họ không thể trụ lại được với nghề”, thầy Hòa nói.