Chàng sinh viên ĐH Luật Hà Nội hơn 20 năm đến trường trong bóng tối

29/09/2012 06:18
Kim Ngân
(GDVN) - “Những bạn bè sáng mắt làm được thì mình cũng làm được. Họ học một thì mình phải nỗ lực học gấp 2 – 3 lần. Dù mình nghèo, nhưng mình không thể bỏ lỡ cơ hội học đại học…”, chàng trai khiếm thị Lê Sỹ Anh, sinh năm 1989 (tân SV ĐH Luật) nghẹn ngào tâm sự.
Gian nan đường vào đại học
Tìm đến số nhà 126 C9, ngõ 645 Đê La Thành, Sỹ Anh đã ngồi đợi tôi từ lâu. Nhìn cậu, tôi không nghĩ cậu bị khiếm thị. Dường như nhận ra tôi, mắt cậu sáng, tươi cười chào, cậu dùng tay lần mò vị trí chiếc ghế rồi mời tôi ngồi xuống.
Tôi đáp lại và tự hỏi làm sao Sỹ Anh có thể tự đi mà không cần người dắt, Sỹ Anh nói: “Ban đầu em sờ để dò đường đi, nhưng sau là theo cảm tính. Ở quê thì dễ, nhưng ở Hà Nội giao thông đi lại khó, chỗ nào cũng đông người nên em không dám ra ngoài đường. Đến người sáng mắt ra đây lần đầu cũng còn bị lạc, huống chi là em".
 
"Hàng ngày đi học, em phải thuê xe ôm mỗi lượt 10 - 15 nghìn đồng, hôm nào đắt là 20 nghìn đồng/lượt. Đắt gấp đôi ở quê!”, Lê Sỹ Anh (Đông Hòa, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) nói thêm.

Nhắc đến việc tìm nhà trọ, Sỹ Anh thở dài, mắt trùng xuống tiếp lời: “Hy vọng ngày mai em tìm được người ở ghép. Không bố mẹ bắt em nghỉ học mất”.
Sinh viên Lê Sỹ Anh: "Người ta học một, thì mình học gấp 2, gấp 3" (ảnh Kim Ngân).
Sinh viên Lê Sỹ Anh: "Người ta học một, thì mình học gấp 2, gấp 3" (ảnh Kim Ngân).
Vì không xin được ở ký túc xá ĐH Luật, Sỹ Anh xoay sở tìm người ở ghép khu vực gần trường nhưng cũng rất khó khăn. Trước ngày nhập học, mẹ Sỹ Anh phải bán lúa, chạy vạy họ hàng được 4 triệu để cùng con lên Hà Nội. Hiện nay, cậu đang ở nhờ tạm nhà thuê của một người quen đến khi nào tìm được người ở ghép. “Em may mắn gặp được người tốt như chị Thảo. Chị cho em ở nhờ suốt bây lâu nay, không thì em không biết sẽ ở đâu trên này nữa!”, Sỹ Anh trầm tư kể.

Thở dài, im lặng hồi lâu rồi Sỹ Anh nhẩm tính toán số tiền phải chi nếu ở ngoài Hà Nội học. Từ tiền nhà nếu ở ghép ít nhất mất 1 triệu, chưa kể tiền ăn, tiền đóng học, tiền scan tài liệu cũng ngót hơn 3 triệu/ tháng. 

“Điều đó là quá nặng đối với gia đình em! Nhà em có 4 chị em, chị gái đầu đang học ở ĐH Quy Nhơn, mẹ gánh vác 5 sào ruộng ở quê. Không đủ sống, bố em làm đủ nghề từ đi xây, chạy xe ôm đến nấu ăn thuê ở trong Nam, mỗi tháng chỉ kiếm được 3.5 triệu. Vất lắm chị ạ!”, Sỹ Anh thoáng buồn, giọng lo lắng nói.

Một mình tìm nhà trọ, đến trường, sinh hoạt trong khi đôi mắt không thấy gì, Sỹ Anh gặp không ít khó khăn. Bố mẹ gọi điện liên tục khuyên nên về quê, bảo lưu kết quả đến lúc nào có điều kiện thì học tiếp. Nhưng Sỹ Anh quyết tâm ở lại vì nghĩ đó là cơ hội, phải tận dụng. Không phải người khiếm thị nào cũng có thể đi học đại học được và dặn mình: “Mọi chuyện rồi sẽ qua, cứ cố gắng đến cùng!”.

Tôi tò mò hỏi về động lực giúp Sỹ Anh theo học trên này, cậu nở nụ cười đầy ưu phiền, cậu lặng đi rồi kể về tuổi thơ "bóng tối" của mình.
Được đặc cách vào Trường ĐH Luật Hà Nội
Nhớ về tuổi thơ, tôi thấy cuống họng cậu trôi xuống như để kìm nén cảm xúc. Năm 1994, khi lên 5 tuổi, cậu bị ngã đập đầu xuống sân và bị mất dây thần kinh thị giác. Ban đầu vẫn nhìn thấy, sau khi chữa chạy một thời gian, cậu bị teo gai thị giác và đôi mắt hoàn toàn chìm trong bóng tối. 

Cậu được học chữ nổi ở trung tâm Hội người mù tỉnh Thanh Hóa. Nhưng đến năm 8 tuổi (năm 1997) gia đình xin cho cậu đi học nhưng trường ở xã không nhận. Và phải chờ đến năm 2001, cậu mới được học lớp 3, gia đình vui mừng khôn xiết.

“Em chỉ mơ ước được nhận vào học. Đi học với bạn bình thường có nhiều khó khăn, tất cả những lời giảng của thầy cô mình ghi chép được. Em thường đi học trước 1 tiếng hoặc dành dụm tiền thuê bạn đọc từ sách để chép bằng chữ nổi. Sách Toán phải chép lại từ đầu, nhất là tiếng Anh vì có từ không biết, bạn phải đánh vần từng chữ cái”, Sỹ Anh hồi tưởng 12 năm đi học.
“Với em, nghị lực và sự cố gắng, niềm tin là động lực lớn. Em muốn chứng tỏ rằng người khiếm thị bình đẳng với người bình thường”, Sỹ Anh nói.

Kể về kỷ niệm “dở khóc dở cười” khi học chung với các bạn, trong lớp khi cậu viết chữ nổi vào bảng gây ra tiếng cọc cọc, thầy giáo không biết nên bắt cậu đứng dậy. Có lần thầy xách tai mình vì tội dùng đinh đâm vào sách giáo khoa thủng lỗ chỗ. Rồi một cô giáo nói mình tại sao mang bảng vào làm đồ chơi trong lớp…Đó đều là kỷ niệm vui và tất nhiên, khi mình giải thích, thầy cô đều thông cảm.

Khó khăn hơn khi lên cấp 3 học Trường THPT Nguyễn Mộng Tuân (Đông Sơn, Thanh Hóa), cách nhà 20 cây số, Sỹ Anh phải ở nhờ Hội người mù, tự chăm sóc, nấu cơm như người bình thường. Sự cố gắng của Sỹ Anh được đền đáp khi 3 năm cấp 3 đều xếp loại học lực Khá và được đặc cách tuyển thẳng vào ĐH Luật theo Quy chế ưu tiên của Bộ GD& ĐT năm học 2012 - 2013. 
Chàng trai có nhiều hoài bão

Trò chuyện nhiều, tôi nhận ra ở cậu có nghị lực thép, đong đầy nhiều ước mơ, hoài bão. Nhận xét về mình, cậu dí dỏm ví von: “Là người sống nội tâm nhưng trái tim em nóng bỏng lắm. Em nghĩ mình có trái tim nóng và cái đầu lạnh. Vì thế nên em luôn tìm được hướng giải quyết ở mọi vấn đề trong cuộc sống”.

Liệu rằng Sỹ Anh có thể tiếp tục được con đường đến trường của mình nữa không? (Ảnh Kim Ngân)
Liệu rằng Sỹ Anh có thể tiếp tục được con đường đến trường của mình nữa không? (Ảnh Kim Ngân)

Nhờ có phần mềm Jaws (phần mềm cho người khiếm thị - PV), Sỹ Anh “bén rễ” tiếp thu rất nhanh và sử dụng máy tính thành thạo rồi tự mày mò tìm hiểu cách đọc tài liệu, cài chương trình trên máy…

“Soạn thảo văn bản em làm đơn giản, ngoài ra em còn cài được window, tham gia diễn đàn trên mạng và tìm tài liệu để học. Bạn bè nhận xét em có năng khiếu công nghệ thông tin và ước mơ lớn nhất của em vẫn là lập trình công nghệ thông tin”, Sỹ Anh tự tin khẳng định. 

Không chỉ giỏi công nghệ, Sỹ Anh còn đạt giải Nhì liên tiếp các năm trong cuộc thi viết chữ Braille ONKYO do Hiệp hội người mù thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức. Sỹ Anh khoe, năm 2012 bài của mình vinh dự được gửi tham gia vòng châu Á – Thái Bình Dương.

Sỹ Anh một mong ngày nào đó có thể trở thành “hiệp sỹ công nghệ thông tin” như anh Đặng Hoài Phúc, Khúc Hải Vân… Và hy vọng khoa học phát triển hỗ trợ được phần nào người khiếm thị như người Mỹ phát minh ra xe ô tô tự lái cho người khiếm thị, chiếc kính giúp người khiếm thị quan sát được xung quanh…

Hơn ai hết, chàng trai nghị lực thép ấy vẫn có nhiều hoài bão, ước mơ trở thành tư vấn luật, hiệp sỹ công nghệ thông tin. Và điều ước lớn nhất vẫn là: “Em không ước được sáng mắt trở lại vì điều ấy là không thể. Em chỉ mong tất cả sự cố gắng của mình sẽ được đền đáp, có một việc làm ổn định không phụ thuộc gia đình”. Tôi hiểu bởi  ước mơ lớn nhất của chàng sinh viên đó là được đi học! 

Với phương châm sống lạc quan là: “Sống đơn giản cho đời thanh thản”, Sỹ Anh chỉ cần tìm được chỗ ăn, chỗ ở để yên tâm học hành, thực hiện ước mơ lớn trong đời.
Kim Ngân