Chính sách về dạy tiếng Anh ở Việt Nam được xây dựng từ đâu?

14/07/2017 05:16
Đất Việt
(GDVN) - Nếu Đề án 2020 thực sự không hiệu quả, tại sao không chấm dứt, và tìm phương thức khác để nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh?

LTS: Câu chuyện về dạy và học ngoại ngữ tại trường phổ thông đã được bàn luận rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Đặt câu hỏi về việc chính sách dạy tiếng Anh ở Việt Nam được xây dựng từ đâu, tác giả Đất Việt kì vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể triển khai một chương trình đào tạo tiếng Anh hữu ích cho thế hệ tương lai.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 thất bại

Trong một thời gian dài, chúng ta nói đến ngoại ngữ, tiếng Anh như một kỹ năng cần thiết của cuộc sống và phát triển, đặc biệt khi Quốc hội đã thông qua ngân sách 9.400 tỷ đồng để thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008-2020 (sau đây gọi tắt là “Đề án 2020”) [1]. 

Chỉ tiếc là, sau hơn 8 năm thực hiện, vào 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thừa nhận, Đề án thất bại [2], do mục tiêu quá cao so với thực tiễn và có vẻ như, chúng ta đang “dạy” tiếng Anh, mà có người gọi là “tiếng Anh chết”. 

Theo đó, ngân sách đã tiêu khoảng hơn 5.000 tỷ đồng trong 8 năm, theo mô hình “cuốn theo chiều gió”, và không đọng lại điều gì đáng lưu ý cho cơ quan ra Đề án 2020, trừ việc gọi đây là “bài học kinh nghiệm”.

Đề án 2020 – Chương trình hợp tác giảng dạy tiếng Anh với British Council trên website của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020
Đề án 2020 – Chương trình hợp tác giảng dạy tiếng Anh với British Council trên website của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020
Going Global 2017 (Phát triển toàn cầu) – British Council
Going Global 2017 (Phát triển toàn cầu) – British Council
Ảnh chụp màn hình trên trang British Council.
Ảnh chụp màn hình trên trang British Council.

Nếu vào trang web của Đề án 2020 (xin xem ảnh chụp đầu tiên) và các bức trên đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo gắn bó rất chặt với nhiều tổ chức dạy tiếng Anh cho giáo viên ở Việt Nam, đặc biệt là British Council (Hội đồng Anh). 

Hội đồng Anh đã hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo và các giáo viên, những người muốn tự học hoặc tham gia chương trình học một chương trình học online miễn phí… 

Ngoài ra, cách đây hơn 3 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có chương trình phối hợp với cựu Fulbright là những giảng viên ở Mỹ thực hiện thí điểm chương trình dạy tiếng Anh cho giáo viên các trường đại học và phổ thông….

Vậy, nếu tổng kết lại, Đề án không khả thi là do đâu? Đã có ai tổng kết “kinh nghiệm” để "xin rút kinh nghiệm" hay chưa?

Tôi có làm tra cứu về những tổng kết sau khi thực hiện Đề án 2020, nhưng không tìm thấy bất kỳ công bố nào của Bộ trên trang mạng…

Tiếp tục triển khai kinh nghiệm thất bại để kết thúc Đề án 2020, và bắt đầu một đề án mới?

Ngay vừa rồi, Đề án 2020 đã được thông báo tiếp tục khởi động ở Phú Yên [3], sau gần 1 năm tuyên bố về thất bại ở Quốc hội năm 2016 và sự im lặng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước những câu hỏi về số phận của Đề án 2020 khi công bố dự thảo đề án giáo dục phổ thông mới vào cuối năm 2016.

Trong khi những câu hỏi về Đề án 2020 chưa có bất kỳ câu trả lời nào về tổng kết những thất bại, về điều chỉnh Đề án cho phù hợp với thực tiễn… thì không rõ việc tiếp tục thực hiện Đề án 2020, liệu có phải là cách để giải ngân nốt khoản tiền gần 4.000 tỷ còn lại?

Hơn thế nữa, hai nghịch lý của câu chuyện dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam đang vẫn tiếp tục diễn ra:

(1) Giáo viên đạt chuẩn tiếng Anh và giáo viên dạy tiếng Anh còn thiếu rất trầm trọng, chưa có lời giải;

(2) Trong đề án mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự thảo giáo dục phổ thông, đã có một hạng mục và ngân sách lớn dành cho Trung tâm khảo thí ngoại ngữ quốc gia.

(Gần 10 triệu đô la Mỹ trong tổng số 77 triệu đô la Mỹ đi vay Ngân hàng Thế giới làm đề án, chưa kể chi phí cho sách giáo khoa và một trung tâm khác…[4], và 155 triệu đô la Mỹ đi vay Ngân hàng Thế giới cho dự án nâng cao năng lực cho giáo viên)

Vậy, câu hỏi là, tiếp tục Đề án 2020, một đề án được xác định không khả thi, và đồng thời lồng ghép một trung tâm khảo thí ngoại ngữ vào trong một đề án mới, để đạt được điều gì?

Chả lẽ, cứ “kinh nghiệm” mãi, hết từ năm này qua năm khác, hết dự án này đến dự án khác, hết đời Bộ trưởng này đến Bộ trưởng khác, để lãng phí ngân sách quá lớn như vậy?

Điều mà cá nhân tôi theo dõi và khá quan ngại là Bộ Giáo dục và Đào tạo đi tham dự rất nhiều hội thảo về “Tiến lên Toàn cầu”, trong khi đề án ngoại ngữ thất bại liên tục, con cháu chúng ta đi lên toàn cầu bằng tiếng Việt?

“Loạn” chương trình và chứng chỉ tiếng Anh… hay câu chuyện của “ai có lợi ích”?

Nếu ngồi lại và tính đếm chi tiết về các chương trình và chứng chỉ tiếng Anh ở Việt Nam… chỉ có một từ để diễn đạt: “LOẠN”.

Thử điểm qua chương trình và chứng chỉ ở các cấp học.

Hà Nội vừa thí điểm cho chương trình phổ thông trung học lấy bằng A của hệ thống Anh, theo đó, phải học tiếng Anh đủ để thi lấy bằng tốt nghiệp. 

Không rõ, lý do tại sao lại lấy chứng chỉ A, mà không phải chứng chỉ nào khác? [5]

Cũng tại Hà Nội, các trường các cấp liên kết với các công ty cung ứng các chương trình học tiếng Anh cho học sinh, từ cấp 1 đến cấp 3, nhiều đến độ, hiện nay đang tổng kết các chương trình, để xác minh tình trạng…[6]

Ở chương trình đại học, các sinh viên phải nộp được bằng TOEIC (mặc dù mỗi trường mỗi chuẩn điểm), mới có thể lấy được bằng tốt nghiệp đại học [7].

Với các giáo viên các cấp, trong mục tiêu chuẩn hóa giáo viên, họ cần học và nộp chứng chỉ ngoại ngữ A1, A2, B1, vào hồ sơ giảng dạy của mình, theo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo [8].

Với Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động dạy và học tiếng Anh sôi động hơn rất nhiều ở các cấp học. 

Chính sách về dạy tiếng Anh ở Việt Nam được xây dựng từ đâu? ảnh 4

"Trời ơi! Tôi không muốn tin đây là sự thật"

Hơn 10 năm trước, Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Chí Minh triển khai học chương trình của Cambridge, nhưng gần đây, được chuyển sang chương trình đào tạo học tiếng Anh tích hợp với sự hợp tác của EMG và gần nhất đây, là tổ chức thi kiểm tra ACT [9].

Lý do để Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chuyển đổi các chương trình và thay sách giáo khoa không được thông báo công khai.

Tuy nhiên, như tựa đề một bài phân tích “Dạy tiếng Anh tại thành phố Hồ Chí Minh gặp rối” [9], chúng ta có lẽ ngạc nhiên vì sự “vô tư” thay đổi sách giáo khoa, chương trình dạy học các cấp, các bên thứ ba cung cấp dịch vụ dạy tiếng Anh và tiếng Anh tích hợp ở trong các trường phổ thông.

Mọi thứ cứ "vô tư" diễn ra mặc dù chưa có bất kỳ tổng kết và công bố công khai cho xã hội, phụ huynh và học sinh về những chương trình, sách giáo khoa hay thậm chí, năng lực của những bên cung ứng dịch vụ dạy tiếng Anh cho toàn thành phố.

Dù học ở cấp phổ thông là đi theo hệ thống của EMG, ACT, nhưng lên đến giáo dục đại học, sinh viên vẫn phải tiếp tục cung cấp bằng TOEIC để lấy bằng đại học.

Nhưng thú vị nhất là trường đại học quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh thì lại lựa chọn chương trình thi SAT để tuyển sinh… mà chưa có trường phổ thông nào ở Thành phố Hồ Chí Minh dạy chính thức SAT cả…

Trong tình cảnh nhiều đầu mối, nhiều chương trình, nhiều chứng chỉ chạy trong hệ thống giáo dục Việt Nam, với nguồn ngân sách hạn chế cho giáo dục, báo chí đã ghi nhận việc “rối” trong hệ thống dạy và sử dụng chứng chỉ với lợi ích có khi thuộc về XYZ nào đó không có chức năng tổ chức dạy và cấp chứng chỉ [8].

Hơn thế nữa, lạ lùng nhất là chương trình tiếng Anh dạy phổ thông theo Đề án 2020, mặc dù được học miễn phí, phụ huynh và học sinh chê, không học và vẫn tự nguyện đóng tiền học theo các chương trình khác được Sở Giáo dục và Đào tạo và trường lựa chọn [9].

Nguyên nhân nào để xảy ra tình trạng này? Ngân sách nhà nước (thực chất là tiền của dân) dùng cho chương trình dạy tiếng Anh, dù miễn phí nhưng vẫn bị chê, không ai muốn học.

Trong khi đó, chương trình phải trả tiền cao, chất lượng cũng chưa hề được kiểm định, tổng kết và xác nhận bởi ai [10], thì lại thu hút đông đảo học sinh vào học?

Liệu phụ huynh Việt Nam đủ “giàu” để từ bỏ chương trình tiếng Anh được cung cấp bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Liệu phụ huynh Việt Nam đủ năng lực “thấu hiểu” và đánh giá chất lượng chương trình tiếng Anh nào tốt cho con em mình?

Hay có ai cần có trách nhiệm làm rõ, lý do tại sao chương trình Đề án 2020 lại không được phụ huynh và học sinh lựa chọn, trong khi ngân sách vẫn phải chi ra gần chục nghìn tỷ cho đề án?

Liệu đến khi nào, “loạn” chương trình và chứng chỉ tiếng Anh được tổng kết nghiêm túc, để nhìn lại thực trạng và có được những tư duy thực tiễn về dạy và học tiếng Anh ở phổ thông, cho đỡ phí hoài 9.400 tỷ?

Liệu có ai xác minh được trung tâm XYZ, công ty ABC… nào đó cung cấp dịch vụ đào tạo tiếng Anh và thi lấy chứng chỉ, có “lợi ích” của ai đó đằng sau [8]?

Ai có lợi ích “kép” từ những chương trình tiếng Anh “không được ưa thích” theo Đề án 2020, trong khi những đối tác bên thứ ba vẫn có nhiều cơ hội hợp tác và cung ứng giảng dạy, ngay tại cùng một trường, một hệ thống?

Nếu Đề án 2020 thực sự không hiệu quả, tại sao không chấm dứt, và tìm phương thức khác để nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh?

Những kiến nghị cho Đề án 2020 và chương trình tiếng Anh, chứng chỉ tiếng Anh cho Việt Nam

Quan sát hơn 10 năm cho các đề án và chương trình cải cách giáo dục ở Việt Nam, có lẽ hầu hết các chính sách và chương trình được thực hiện, không phải vì giáo dục, và cũng không vì học sinh…

Chúng ta nói đến lợi ích nhóm trong các dự án hàng chục nghìn tỷ đắp chiếu, nhưng có lẽ chúng ta bỏ quên cũng hàng chục nghìn tỷ ở các đề án cải cách giáo dục trong hơn 2 thập kỷ qua. 

Vốn vay ODA cho dự án giáo dục đã hơn 2,8 tỷ đô la Mỹ [11], mà không hề có giám sát và kiểm toán, nhằm xác định các mục tiêu dự án giáo dục đã thu được gì… hay chỉ là dự án “vẽ” đi vay vốn về tiêu, còn triển khai thì “sống chết mặc bay, tiền thầy đút túi”.

Để hạn chế những gì đang xảy ra cho Đề án 2020 như một ví dụ về những nghịch lý của giáo dục Việt Nam, mà cả đất nước này phải gánh chịu, xin có một số ý kiến như sau:

1. Tạm dừng tất cả các dự án và chương trình mới liên quan đến giáo dục, đặc biệt là dạy và học tiếng Anh ở các cấp phổ thông, cho đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp được một báo cáo tổng kết về 8 năm thực thi Đề án 2020.

Báo cáo này cần được một bên thứ ba độc lập kiểm tra thông tin và dữ liệu, nhằm đảm bảo các thông tin và báo cáo phản ánh trung thực thực trạng về dạy và học tiếng Anh ở các cấp phổ thông Việt Nam;

2. Tổ chức một Ban đề án ngoại ngữ quốc gia, dưới hình thức tình nguyện tư vấn, gồm các đại diện của các tổ chức dạy tiếng Anh của Việt Nam và nước ngoài, các chuyên gia độc lập nghiên cứu tiếng Anh trong phổ thông, để đánh giá lại Đề án 2020 và đưa ra đề xuất hiệu chỉnh, nhằm tránh tình trạng tiêu cho xong hết số ngân sách còn lại của Đề án, mà không đạt được bất kỳ một mục tiêu nào;

3. Yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo của 2 thành phố lớn, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, làm báo cáo về đánh giá và so sánh giữa chương trình Đề án 2020 với các chương trình tích hợp được cung cấp bởi các bên thứ ba, làm cơ sở xem xét việc bỏ chi phí ngân sách nhà nước cho các chương trình dạy tiếng Anh ở các thành phố lớn hoặc ở các trường mà đa số phụ huynh muốn tự trả tiền học tiếng Anh cho con mình. 

Báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo này cũng cần có kiểm tra và thẩm định của tổ chức giáo dục chuyên ngành độc lập, nhằm tránh những mâu thuẫn lợi ích trong quá trình làm báo cáo;

4. Về kế hoạch dạy và học tiếng Anh lâu dài, nếu tiếp tục để Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Sở Giáo dục và Đào tạo tự thiết lập đề án, tuyển chọn bên thứ ba cung cấp dịch vụ đào tạo trong hệ thống công lập như từ trước đến giờ, hệ quả nhãn tiền là ngân sách thất thoát và lãng phí, năng lực dạy và học tiếng Anh phổ thông không hề tốt hơn lên, và nếu có tốt hơn, là do dịch vụ của bên thứ ba cung cấp và phụ huynh phải trả tiền thêm để có được kết quả đó (theo hiện trạng bây giờ). 

Theo đó, các đề xuất dạy và học tiếng Anh, có lẽ nên được khảo sát lại, nghiên cứu và kêu gọi lập đề án quốc gia, thông qua đấu thầu trực tiếp và công khai giữa các tổ chức giáo dục có năng lực, dù đó là tổ chức nước ngoài hay Việt Nam. 

Tổ chức đây được hiểu là bao gồm bất kỳ cá nhân, trường đại học, nhóm giáo viên hay giáo sư, các tổ chức tư vấn giáo dục quốc tế hay ở quốc gia… khi họ đạt được những tiêu chí cơ bản chứng minh năng lực đã có kinh nghiệm về tổ chức khảo sát, lập đề án và thực thi dạy và học tiếng Anh… họ có quyền tham gia đấu thầu đề án.

Việc lập đề án và tổ chức qua đấu thầu công khai phải được giám sát và thẩm định bởi hai cơ quan, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực​ và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Quốc hội), nhằm chấm dứt tình trạng tiền ngân sách tiêu cho giáo dục và khoa học, tiêu vào đâu không rõ. 

Hai cơ quan này hoàn toàn có quyền lập ra một tổ chức giám sát chung, bao gồm việc Chính phủ chỉ định những chuyên gia độc lập giám sát và thẩm định các đề xuất chương trình, thực thi và tổng kết…

Đây là mô hình mà các tổ chức thế giới đã tuân thủ cho các dự án của họ: sử dụng bên thứ ba độc lập thẩm định các dự án có sử dụng ngân sách và chịu trách nhiệm độc lập về những hoạt động giám sát và thẩm định. 

Việt Nam cần áp dụng mô hình này, trước khi ngân sách cho giáo dục lại tiếp tục được chi tiêu, mà không rõ kết quả đạt được là gì.

Tài liệu tham khảo:

[1] Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020

[2] http://news.zing.vn/de-an-ngoai-ngu-quoc-gia-nguy-co-that-bai-duoc-bao-truoc-post711914.html

[3] http://www.baomoi.com/tiep-tuc-trien-khai-hoc-tieng-anh-chuong-trinh-thi-diem/c/22659710.epi

[4] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Vay-77-trieu-do-la-My-cho-doi-moi-giao-duc-Pho-thong-va-Quyen-duoc-thong-tin-post173983.gd

[5] http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tuyen-sinh/thi-sinh-thi-bang-tieng-anh-de-vao-lop-10-he-song-bang-viet-nam-a-level-3596899.html

[6] http://www.baomoi.com/ha-noi-khao-sat-day-ngoai-ngu-lien-ket-trong-nha-truong/c/21762935.epi

[8] http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160517/bat-thuong-trong-thi-chung-chi-tieng-anh/1102039.html

[9] http://edu.hochiminhcity.gov.vn/tin-tuc/le-ky-ket-hop-tac-giua-so-giao-duc-va-dao-tao-emg-education-va-act-c41153-57805.aspxhttp://www.sggp.org.vn/tphcm-mo-rong-day-cac-mon-toan-khoa-hoc-bang-tieng-anh-450975.html

[10] http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bo-giao-duc-anh-khong-co-lien-ket-voi-so-giao-duc-tp-hcm-3011565.html

[11] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/2-ty-USD-von-vay-ODA-dem-lai-loi-ich-gi-cho-giao-duc-Viet-Nam-post161281.gdhttp://www.daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=357111

“Dù sau nhiều năm chuẩn bị về chương trình, giáo trình và đội ngũ, thực tế khi triển khai chương trình đào tạo của nhà trường những năm qua vẫn gặp nhiều khó khăn.

Việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho các sinh viên được sống cùng và phát huy khả năng ngôn ngữ chuyên ngành của mình còn nhiều hạn chế, sinh viên ít có môi trường thực tập vì số trường phổ thông dạy học bằng tiếng Anh không nhiều”.

“Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên ngành và giỏi tiếng Anh rất hiếm. Qua 3 năm đào tạo bổ sung tiếng Anh chuyên ngành cho giáo viên các môn khoa học tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội với thời lượng 400 tiết trong đó có 200 tiết tiếng Anh cơ bản và 200 tiết tiếng Anh chuyên ngành nhưng vẫn chưa đủ để giảng viên tự tin lên lớp bằng tiếng Anh”.

“1/ Ai đào tạo thầy của Trường Đại học Sư phạm? 2/ Đào tạo cho đủ tiếng Anh để dạy toán thì liệu có đủ thời gian cho học Toán để có vững kiến thức mà dạy không?”

http://thanhnien.vn/giao-duc/khan-hiem-giao-vien-day-chuong-trinh-bang-tieng-anh-836931.html

http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/truong-dh-ngoai-ngu-dh-da-nang-hop-tac-voi-hoi-dong-anh-danh-gia-dao-tao-tieng-anh-3500843-v.html

http://www.baomoi.com/truong-dh-quoc-te-to-chuc-ky-thi-sat/c/21371524.epi

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/a-bo-co-hon-toeic-toefl-20141008225258627.htm

Đất Việt