Chọn nhầm thực phẩm bổ sung cho Sữa học đường, dễ gặp rắc rối pháp lý

08/03/2019 14:29
Hồng Thủy
(GDVN) - "Sữa dinh dưỡng tiệt trùng" là một loại thực phẩm bổ sung thuộc nhóm thực phẩm chức năng, không thuộc nhóm sữa tươi dùng cho Chương trình Sữa học đường.

Tiếp theo bài viết, Ngân sách mua sản phẩm không đúng quy định cho Sữa học đường làm sao quyết toán?

Trong bài viết trước chúng tôi đã đặt vấn đề với các tỉnh đang triển khai Chương trình Sữa học đường, cần hết sức thận trọng khi lựa chọn sản phẩm, bởi đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, sử dụng ngân sách mua sắm;

Nếu sản phẩm không đúng theo Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/09/2016 của Bộ Y tế thì nguy cơ ngân sách không được quyết toán rất cao.

Tuy nhiên, để phân biệt được đâu là sản phẩm có thể sử dụng cho Chương trình Sữa học đường và sản phẩm nào không dùng được, chúng tôi thiết nghĩ không phải lãnh đạo địa phương nào cũng được cung cấp đầy đủ thông tin, nên dễ dẫn đến lựa chọn không đúng quy định.

Sử dụng ngân sách mua sắm sản phẩm không đúng quy định có thể gặp phải những rắc rối pháp lý không đáng có.

Nghi thức bấm nút phát động ngày hội sữa học đường tỉnh Hà Nam năm 2017, sản phẩm phục vụ Chương trình Sữa học đường Hà Nam không phải sữa tươi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, ảnh: hanam.gov.vn.
Nghi thức bấm nút phát động ngày hội sữa học đường tỉnh Hà Nam năm 2017, sản phẩm phục vụ Chương trình Sữa học đường Hà Nam không phải sữa tươi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, ảnh: hanam.gov.vn.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin, ngõ hầu góp phần thực hiện thành công Chương trình Sữa học đường, cải thiện dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc trẻ em tỉnh nhà mà không bị rơi vào bẫy của ai đó muốn trục lợi từ chương trình ý nghĩa này.

Cho trẻ uống thực phẩm bổ sung mà cứ ngỡ sữa tươi

Xin được nhắc lại ví dụ về tiêu chí lựa chọn sản phẩm và nhà cung cấp trong đề án Chương trình Sữa học đường của tỉnh Khánh Hòa, ban hành theo Quyết định số 3298/QĐ-UBND ngày 31/10/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh, để minh họa.

Phụ lục Hợp phần 2: Yêu cầu kỹ thuật sữa tiệt trùng học đường (trang 15 đề án) ghi rõ:

Tên hàng hóa: Sữa dinh dưỡng tiệt trùng có đường 180 ml (110ml).

Đặc tính, thông số kỹ thuật của sản phẩm:

Thành phần: nước, sữa bột, đường tinh luyện, chất béo sữa, dầu thực vật, chất ổn định, hương liệu tổng hợp dùng cho thực phẩm, khoáng chất, vitamin. [1]

Phiếu đăng ký thông tin kết quả lựa chọn nhà thầu số 1742/SGDĐT-KHTC ngày 30/8/2017 do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa ký, gửi Báo Đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết:

Tên hàng hóa trúng thầu là "Sữa dinh dưỡng tiệt trùng có đường - nhãn ADM gold" - hộp 180 ml và hộp 110 ml, theo Quyết định phê duyệt số 970/QĐ-SGDĐT ngày 25/8/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa. [2]

Nhưng có lẽ Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa không thể ngờ rằng sản phẩm có tên gọi "Sữa dinh dưỡng tiệt trùng có đường - nhãn ADM gold" là một loại thực phẩm bổ sung thuộc nhóm thực phẩm chức năng, chứ không nằm trong nhóm "sữa dạng lỏng", càng không phải "sữa tươi". [3] 

Chính phủ chỉ đạo dùng sữa tươi, địa phương mua sữa pha lại cho học sinh

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1: 2010/BYT) đang được Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế, xác định làm căn cứ để lựa chọn sản phẩm sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường.

QCVN 5-1: 2010/BYT không có sản phẩm nào có tên gọi "sữa dinh dưỡng tiệt trùng"

Ngay cả trong trường hợp đối chiếu thành phần mà phụ lục hợp phần 2, đề án Sữa học đường của tỉnh Khánh Hòa nêu với các tiêu chuẩn quy định trong QCVN 5-1: 2010/BYT, "sữa dinh dưỡng tiệt trùng" không thuộc bất kỳ loại sữa dạng lỏng nào mà Bộ Y tế quy định.

4 loại sữa tươi các địa phương có thể lựa chọn đấu thầu cho học sinh tham gia Chương trình Sữa học đường sử dụng, theo QCVN 5-1: 2010/BYT, gồm:

Sữa tươi nguyên chất thanh trùng: sản phẩm được chế biến hoàn toàn từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung bất kỳ một thành phần nào của sữa hoặc bất cứ thành phần nào khác kể cả phụ gia thực phẩm, đã qua thanh trùng.

Sữa tươi thanh trùng: sản phẩm được chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung bất kỳ một thành phần nào của sữa, có thể bổ sung đường và các loại nguyên liệu khác ví dụ như nước hoa quả, cacao, cà phê, phụ gia thực phẩm, đã qua thanh trùng.

Sữa tươi nguyên chất tiệt trùng: sản phẩm được chế biến hoàn toàn từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung bất kỳ một thành phần nào của sữa hoặc bất cứ thành phần nào khác kể cả phụ gia thực phẩm, đã qua tiệt trùng.

Các đại biểu nhấn nút khởi động chương trình Sữa học đường năm học 2017-2018 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với sản phẩm không phải sữa tươi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, ảnh: phumy.baria-vungtau.gov.vn.
Các đại biểu nhấn nút khởi động chương trình Sữa học đường năm học 2017-2018 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với sản phẩm không phải sữa tươi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, ảnh: phumy.baria-vungtau.gov.vn.

Sữa tươi tiệt trùng: sản phẩm được chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung bất kỳ một thành phần nào của sữa, có thể bổ sung đường và các loại nguyên liệu khác ví dụ như nước hoa quả, cacao, cà phê, phụ gia thực phẩm, đã qua tiệt trùng. [4]

Trong đó "thanh trùng" và "tiệt trùng" là 2 loại công nghệ chế biến, không liên quan gì đến nguyên liệu "tươi" hay không "tươi".

Sữa tươi thanh trùng được khử trùng ở nhiệt độ 73 độ C, bảo quản trong nhiệt độ từ 0-5 độ C và để được từ 5-10 ngày.

Sữa tươi tiệt trùng được khử trùng ở nhiệt độ từ 135-137 độ C và có thể để được trong 6 tháng ở Việt Nam, và tới 10 tháng ở nước ngoài.

Các loại sữa này được bảo vệ trong hộp giấy, gồm 6 lớp bao bì và trong cùng là một lớp giấy bạc, theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và môi trường của Quốc hội.

Sản phẩm có tên gọi "Sữa dinh dưỡng tiệt trùng có đường - nhãn ADM gold" mà tỉnh Khánh Hòa đấu thầu cho học sinh tham gia Chương trình Sữa học đường sử dụng, không phải sữa tươi, thậm chí không nằm trong nhóm sữa dạng lỏng theo QCVN 5-1: 2010/BYT.

Sản phẩm này thuộc nhóm "thực phẩm bổ sung" trong thực phẩm chức năng, được quản lý theo tiêu chuẩn khác, Thông tư quy định về quản lý thực phẩm chức năng (Thông tư số: 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế).

Vì sao Chính phủ và Bộ Y tế chọn sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường?

Bài viết "Hãy để trẻ học đường cả nước được uống sữa tươi" trên Báo Công an Nhân dân ngày 9/11/2018, cho biết:

Hà Nội vẫn chưa thực sự công khai, minh bạch về sữa học đường

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy: Trung bình, nam thanh niên Việt Nam chỉ cao 163,7cm, thấp hơn 13,1cm với chuẩn của WHO. Nữ cao trung bình 153cm, thấp hơn 10,7cm. 

Các nghiên cứu khoa học xác tín: Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do, ở lứa tuổi vàng (12 năm đầu của cuộc đời), trẻ không ăn uống đủ chất.

Theo kinh nghiệm quốc tế, sữa bò – thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng tốt nhất (đặc biệt là giàu canxi) trở thành lựa chọn tốt nhất sau sữa mẹ để thúc đẩy thể chất, tạo nền tảng để phát triển trí tuệ cho trẻ. 

Ở tầm quốc gia, cho trẻ uống sữa tại trường học là chiến lược cải thiện giống nòi, phát triển nguồn nhân lực.

Chính vì vậy, sữa học đường là hoạt động được Liên Hợp quốc kêu gọi trên toàn thế giới trong 1 thế kỷ qua; hiện có hơn 60 quốc gia thực hiện.

Hầu hết sử dụng sữa tươi cho trẻ uống tại trường. 

Bài viết dẫn lời Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vang cho biết:

“Sữa bột chính là loại sữa mà người ta không dùng hết trong mùa đông nên đem làm thành sữa khô và dẫn đến những vi chất quan trọng như canxi, photpho, các vi chất quan trọng, axit amin, vitamin đều bị giảm đáng kể. 

Sữa bột pha lại mà thị trường Việt Nam quen gọi là sữa tiệt trùng dù bổ sung các vi chất dinh dưỡng thì cũng không tốt được như sữa tươi.” [5]

Bộ Y tế chưa hề cấp phép công thức sữa học đường "chuyên biệt" nào cho Hà Nội

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vang cũng được Báo Dân Việt dẫn lời, phân tích: 

"Cho đến nay tới 70% sữa nguyên liệu của Việt Nam được nhập khẩu từ nước ngoài. Không tránh khỏi trường hợp các nhà sản xuất ham lợi nhuận nhập sữa bột giá rẻ về hoàn nguyên, chế ra sữa tiệt trùng. 

Làm như vậy giá rẻ hơn, nhanh hơn và doanh nghiệp được lợi hơn. Nếu nhập sữa nguyên liệu đảm bảo, chất lượng tốt thì rất đắt tiền".

Phó giáo sư Tiến sĩ Đặng Minh Nhật, Khoa Hóa, Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) được Báo Dân Việt ngày 11/7/2016 dẫn lời, cho biết:

Ngoài sữa tươi thanh trùng và sữa tươi tiệt trùng, còn có loại sữa khác là sữa hoàn nguyên, tức là loại sữa động vật được đem đi sấy khô thành bột rồi hoàn nguyên trở lại. 

Về cơ bản, chất lượng của loại sữa này vẫn an toàn, trong quá trình sấy, chất dinh dưỡng đã mất đi ít nhiều nhưng dù sao vẫn đảm bảo. Tiến sĩ Đặng Minh Nhật giải thích:

"Đáng lưu ý, có một loại sữa khác được làm từ sữa gầy. Theo đó, để sản xuất ra phô mai, người ta đông tụ lại loại protein chính của sữa, gọi là casein, phần dịch còn lại không đông tụ gọi là sữa gầy. 

Loại sữa đó bị loại đi phần lớn protein, người ta có thể đem đi sấy và thu được bột sữa. Hàm lượng protein trong bột sữa này thấp hơn, tính chất của protein cũng khác. 

Bột sữa đó người ta có thể đem đi hoàn nguyên lại, khi hòa trong nước cũng tan được nhưng giá trị dinh dưỡng thấp hơn các loại sữa trên nhiều.

Hiện nay, ngoài protein từ sữa, nhiều nhà sản xuất sữa còn pha trộn protein từ nguồn khác như protein đậu nành cho đủ độ đạm của sữa thì giá trị dinh dưỡng không đảm bảo như như sữa ban đầu (sữa tươi). 

Các đại biểu phát động "Ngày hội Sữa học đường tỉnh Bắc Ninh năm học 2015-2016", sản phẩm không phải sữa tươi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế. Ảnh: Báo Tin Tức.
Các đại biểu phát động "Ngày hội Sữa học đường tỉnh Bắc Ninh năm học 2015-2016", sản phẩm không phải sữa tươi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế. Ảnh: Báo Tin Tức.

Sữa tiệt trùng có thể được làm từ sữa tươi cũng có thể làm từ sữa hoàn nguyên.

Quan trọng là sữa hoàn nguyên đó nhập về với chất lượng như thế nào. 

Nếu doanh nghiệp ham rẻ, có thể chỉ nhập loại bột sữa là phụ phẩm của công nghệ sản xuất phô mai, giá trị dinh dưỡng của nó sẽ không toàn vẹn như sữa bò - loại sữa có giá trị dinh dưỡng cân đối." [6]

Trên thực tế đúng là có những vấn đề như thầy Đặng Minh Nhật nhận xét. Tháng 10/2006, Bộ Y tế đã kiểm tra sáu doanh nghiệp sản xuất sữa nước. 

Kết quả cho thấy sản phẩm sữa tươi tiệt trùng nguyên chất của một hãng sữa lớn có tên không đúng với hồ sơ công bố chất lượng. 

Với mặt hàng sữa tiệt trùng, kết quả kiểm tra bốn công ty cho thấy hồ sơ công bố đều ghi thành phần có sữa tươi, nhưng thực tế chỉ có...15-66% mẻ sản phẩm có sữa tươi. 

Có những sản phẩm, lượng sữa tươi chỉ chiếm... 2,2% tổng nguyên liệu. [7]

Như vậy có thể thấy các sản phẩm dạng lỏng pha lại từ sữa bột nhập khẩu cũng rất tốt nếu nhà sản xuất tuân thủ đúng quy định, ở đây là QCVN 5-1: 2010/BYT, đồng thời công khai thông tin xuất xứ, chủng loại và hạn sử dụng các loại nguyên liệu để người tiêu dùng lựa chọn.

Nếu trẻ em tham gia Chương trình Sữa học đường được uống sữa tươi thì việc kiểm soát hạn sử dụng thực sự có ý nghĩa.

Chọn nhầm thực phẩm bổ sung cho Sữa học đường, dễ gặp rắc rối pháp lý ảnh 4

Hà Nội pha thêm những chất gì vào sữa học đường mà sữa ngoài không có?

Còn các loại sản phẩm pha lại từ sữa bột mà không có thông tin nào về xuất xứ, chủng loại và hạn sử dụng của nguyên liệu sữa bột cũng như các thành phần khác dùng để pha thành sản phẩm dạng lỏng cho các em sử dụng, thì việc kiểm tra hạn sử dụng trên thành phẩm chưa hoàn toàn loại bỏ được rủi ro.

Trong bối cảnh vấn nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay, thiết nghĩ càng minh bạch càng có lợi cho người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất chân chính. Bài học từ Trung Quốc không bao giờ thừa với con em chúng ta.

Ngoài ra, nếu thực hiện đúng chủ trương sử dụng sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường như quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, thì ngành chăn nuôi bò sữa trong nước sẽ có cơ hội rất lớn để phát triển bền vững, giảm nhập siêu sữa bột nguyên liệu.

Với các địa phương có ngành chăn nuôi bò sữa và đông học sinh như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện đúng chủ trương này còn vực dậy một ngành nông nghiệp đã từng là mô hình làm giàu của nông dân còn nay đang khó khăn, chật vật vì không có đầu ra.

Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu kép này, những người cầm cân nảy mực cho Chương trình Sữa học đường phải đủ tâm và đủ tầm để thiết kế bài thầu hợp lý, kiểm soát được đầu vào sữa tươi nguyên liệu của nhà cung cấp cũng như trách nhiệm tham gia thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa địa phương.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.congbaokhanhhoa.gov.vn/8947/ThongTinVanBan.aspx

[2]http://khanhhoa.edu.vn/userfiles/file/2017/03-Phong-KHTC/1742-KHTC-300817.pdf

[3]http://xacnhanquangcao.vfa.gov.vn/documents/10180/1846488/moh_tailieu_1471244497725.pdf?version=2.0

[4]http://www.fsi.org.vn/pic/files/qcvn-5-1_2010-byt-sua-dang-long_ruot.pdf

[5]http://congan.com.vn/doi-song/suc-khoe/hay-de-tre-hoc-duong-ca-nuoc-duoc-uong-sua-tuoi_64918.html

[6]http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/lap-lo-sua-bot-sua-tuoi-vi-ham-loi-3313399/

[7]https://tuoitre.vn/phai-cong-bo-san-pham-sua-tuoi-sua-tiet-trung-khong-dung-nhan-mac-177890.htm

Hồng Thủy