Ngày 13/1, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Thành đoàn Phúc Yên; Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) tổ chức Hội thảo tuyên truyền giáo dục về chủ quyền lãnh thổ quyền lợi hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.
Diễn giả chính của hội thảo là Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, chuyên gia hàng đầu về biên giới lãnh thổ và Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982.
Ông Biển Đông đã dành hơn 2 giờ đồng hồ nói chuyện với học sinh, giáo viên của Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Phúc Yên về chủ quyền lãnh thổ quyền lợi hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh: Đỗ Thơm |
Mở đầu buổi hội thảo, Tiến sĩ Trần Công Trục bày tỏ sự vui mừng khi được đại diện nhà trường cho biết, học sinh là con em dân tộc đang học tập tại trường chính là nhờ các chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước với con em đồng bào dân tộc.
Tiến sĩ Trần Công Trục hy vọng, chính các em học sinh sau khi nghe các thông tin được chia sẻ tại hội thảo sẽ là cầu nối đưa các thông tin này tới người thân của các em để bà con dân tộc hiểu rõ vấn đề này.
Hơn 500 học sinh cùng toàn thể cán bộ, giáo viên của trường đã được nghe “Ông Biển Đông” giới thiệu một cách khái quát về chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông.
Tiến sĩ Trần Công Trục giao lưu với học sinh của trường. Ảnh: Đỗ Thơm |
Tại buổi hội thảo, Tiến sĩ Trần Công Trục đã lần lượt giải thích cho học sinh, giáo viên nhà trường nhiều khái niệm pháp lý chuyên ngành như đường cơ sở, vùng nội thủy, thềm lục địa...
Từ đó, giúp học sinh, giáo viên hiểu đúng, chính xác khi tiếp cận các thông tin và đánh giá các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển...
Thầy và trò nhà trường được chuyên gia Trần Công Trục thông tin về các đảo ven bờ của quốc gia có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển.
Dù trời có mưa nhỏ nhưng hơn 500 học sinh của trường vẫn hào hứng lắng nghe chia sẻ của Ông Biển Đông và đặt nhiều câu hỏi liên quan. Ảnh: Đỗ Thơm |
Tiến sĩ Trần Công Trục cũng nhấn mạnh: “Việt Nam hoàn toàn có chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Quan điểm của chúng ta là căn cứ vào quyền chiếm hữu thực sự được pháp luật quốc tế công nhận.
Điều này đã được thể hiện rất rõ trong các bằng chứng pháp lý lịch sử. Theo đó từ thời chúa Nguyễn, triều Nguyễn, đất nước ta đã có cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quyền chiếm hữu thực sự theo nguyên tắc lâu dài, liên tục, rõ ràng, hòa bình”.
Tiến sĩ Trần Công Trục trả lời câu hỏi của nữ sinh lớp 12. Ảnh: Đỗ Thơm |
Tại hội thảo, một học sinh lớp 12 của trường đặt câu hỏi với Tiến sĩ Trần Công Trục rằng: “Trước tình hình các nước vi phạm biển đảo của Việt Nam thời gian qua, chủ trương của Đảng và Nhà nước ra sao để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta?”.
Tiến sĩ Trần Công Trục nhấn mạnh, chủ trương của chúng ta tóm tắt trong 4 từ “cương quyết" và "kiên trì”.
Chúng ta cương quyết đấu tranh bảo vệ cho bằng được các quyền hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông trên các vùng lãnh thổ được xác lập rõ ràng, chính xác, hợp pháp. Chúng ta không bao giờ từ bỏ dù chỉ là một tấc đất.
Nhưng chúng ta phải kiên trì. Đặc biệt trong tương quan lực lượng, tình hình quốc tế rất phức tạp hiện nay, nếu chúng ta không kiên trì xử lý đúng pháp luật, đúng thủ tục pháp lý, theo công pháp quốc tế cũng như luật Biển thì rõ ràng chúng ta sẽ có thể gặp bất lợi. Vì vậy phải cương quyết và kiên trì. Theo ông, đây là một chủ trương hết sức đúng đắn.
Thầy Nguyễn Văn Trung - Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường tặng hoa và gửi lời cảm ơn đến Tiến sĩ Trần Công Trục và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo đầy ý nghĩa này. Thông qua buổi hội thảo này không chỉ học sinh mà bản thân đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ toàn trường cũng được trang bị nhiều kiến thức, hiểu đầy đủ, chính xác về chủ quyền lãnh thổ quyền lợi hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông. Qua đó, thầy cũng mong muốn mỗi em học sinh phải tích cực học tập, trau dồi kiến thức, hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình. Để từ đó góp phần xây dựng quê hương đất nước tươi đẹp, giàu mạnh hơn. Ảnh: Đỗ Thơm |