Có bằng Thạc sĩ mới giữ được hạng I: Gây khó khăn và tốn kém cho giáo viên

08/03/2021 06:40
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc quy định giáo viên hạng 1 ở cấp 2 phải có bằng Thạc sĩ sẽ gây khó khăn cho giáo viên, lại không cần thiết cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư về nâng hạng, xếp bậc lương... (Thông tư 01, 02, 03, 04) đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các thầy cô giáo, nhà quản lý giáo dục về những ưu, khuyết điểm của quy định mới.

Quy định giáo viên hạng 1 bậc trung học cơ sở phải có bằng Thạc sĩ khiến nhiều giáo viên băn khoăn, lo lắng. Ảnh: AN

Quy định giáo viên hạng 1 bậc trung học cơ sở phải có bằng Thạc sĩ khiến nhiều giáo viên băn khoăn, lo lắng. Ảnh: AN

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hưng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) chia sẻ, ở góc độ quản lý một phòng giáo dục địa phương thì cái được đầu tiên của Thông tư mới này là đã nhìn nhận đúng các hạn ngạch của các bậc học, nhất là bậc học mầm non và tiểu học.

“So về ngạch lương ở quy định mới này có cao hơn. Ví dụ như giáo viên trung học cơ sở hạng 1 thì bằng chuyên viên chính. Cụ thể, lương trình độ Đại học từ 4,98 giờ lên 6,78.

Thứ nữa là hai Thông tư 01 và 02 đã bỏ đi bậc 4 của mầm non và tiểu học, cái đó rất là hay. Nhưng chung quy tổng thu nhập của giáo viên có thể giảm xuống vì theo Luật Giáo dục sẽ cắt phụ cấp thâm niên.

Đây là vấn đề cần cân nhắc, bởi phụ cấp thâm niên chính là “ân huệ” của xã hội, nhà nước đối với đội ngũ thầy cô giáo.

Khi cắt khoản này đi thì thực sự giáo viên cũng sẽ trở về bình thường như bao ngành nghề khác, không còn đánh giá đúng sự hy sinh, vất vả của các thầy cô trong suốt những năm cầm phấn trên bục giảng".

Ông Hưng chia sẻ thêm, Thông tư mới cũng đã bỏ quy định giáo viên phải thi nâng hạng. Bởi lâu nay, dù giáo viên đã có chứng chỉ xếp hạng rồi nhưng vẫn phải trải qua một kỳ thi.

“Điều này vừa gây tốn kém, lãng phí thời gian của giáo viên. Hiện xã hội đã rất phản ứng trước việc có quá nhiều kỳ thi trong trường học và giáo viên cũng phải chịu áp lực thi cử rất lớn.

Như Quảng Ngãi, trong các kỳ thi thăng hạng thì có đến 40-50% thi rớt, rất tội cho các thầy cô giáo. Nên mình giảm được kỳ thi nào cho giáo viên thì hay cái đó, để thầy cô tập trung hơn vào chuyên môn giảng dạy”.

Chia sẻ thêm về những cái chưa được ở các Thông tư mới này, ông Hưng nói: “Đối với các chứng chỉ giữ hạng hay thăng hạng, nếu Bộ quyết định giữ lại thì phải đào tạo có chất lượng, chứ không đại trà như hiện nay. Thực tế đã có nhiều trường hợp đi mua chứng chỉ theo kiểu đóng tiền học cho có.

Rồi nhà nhà đào tạo, trường trường đào tạo, đào tạo theo hình thức từ Huế vào, thành phố Hồ Chí Minh ra, rồi đủ các loại hình thức trực tuyến, trực tiếp, từ xa...

Giáo viên không học thực chất mà chỉ đóng tiền rồi đợi đến ngày nhận chứng chỉ. Nó mang hình thức đối phó, dẫn đến không chất lượng, mà không chất lượng thì để tồn tại làm gì?

Vì sao phải có chứng chỉ thăng hạng? Vì anh phải nắm được về quản lý hành chính nhà nước, quản lý nghiệp vụ về giáo dục sư phạm... Nếu anh đào tạo cái đó không chất lượng thì dẫn đến tiêu cực”.

Điều khiến ông Hưng băn khoăn nữa là trong Thông tư 03 quy định giáo viên trung học cơ sở hạng 1 phải có bằng Thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên; hoặc có bằng Thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn giảng dạy; hoặc có bằng Thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.

“Theo tôi, việc quy định phải có bằng Thạc sĩ để thăng hạng, giữ hạng là không phù hợp. Bậc trung học phổ thông cũng chỉ đòi hỏi trình độ Đại học thôi, mà bậc trung học cơ sở thì theo Luật Giáo dục, trình độ Đại học là được rồi.

Cứ dựa theo Luật Giáo dục thì đã đảm bảo, còn học Thạc sĩ chưa cần thiết. Trong một năm học, thầy cô đã bận dạy 9 tháng, đến hè còn phải trải qua nhiều lớp tập huấn nữa. Vậy thời gian đâu đi học Thạc sĩ?.

Không có thời gian thì học không có chất lượng. Hơn nữa, khi trình độ nền giáo dục lên cao hơn nữa thì mình mới phổ cập Thạc sĩ còn hiện nay trình độ Đại học cho tốt là đủ dùng rồi, dạy học tốt. Kể cả cấp 3 cũng không cần.

Trình độ Thạc sĩ chỉ dành cho định hướng nghiên cứu để phát triển hơn thôi. Khi đưa vào quy định để thăng hạng thì nó vừa gây tốn kém, khó khăn cho các giáo viên hơn nữa. Bởi họ sẽ không có điều kiện đi học Thạc sĩ để đáp ứng các quy định về giữ hạng, thăng hạng”, ông Hưng thông tin thêm.

AN NGUYÊN