Cơ sở nào Tổng liên đoàn quyết Hiệu trưởng mới Đại học Tôn Đức Thắng trước 22/10

17/09/2020 14:11
Hồng Thủy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tổng Liên đoàn muốn làm đúng như 1 lãnh đạo phát biểu trên Báo Tuổi trẻ thì chỉ có cách “xé rào”, vi phạm pháp luật thì mới kịp.

Ngày 17/9/2020, Báo Tuổi Trẻ có đăng tải thông tin một lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết “Dự kiến chậm nhất ngày 22/10, khi có kết luận cuối cùng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng sẽ có hiệu trưởng để ký bằng tốt nghiệp cấp cho sinh viên” (Báo thì đưa tít là “hiệu trưởng mới”). Về vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Luật sư, Thạc sĩ luật Nguyễn Thành Công để tìm hiểu tính pháp lý của tuyên bố trên.

PV: Thưa Luật sư, ông có đánh giá như thế nào về tuyên bố trên của lãnh đạo Tổng Liên đoàn?

Luật sư Nguyễn Thành Công: Bản thân tôi cũng đang thắc mắc về tính pháp lý cũng như qui trình pháp lý để Tổng Liên đoàn có thể thực hiện được tuyên bố này. Cụ thể:

Từ đây đến thời điểm đó chỉ còn thời gian khoảng 1 tháng, chừng ấy thời gian là không đủ để thực hiện trọn vẹn quy trình nhân sự lãnh đạo một trường đại học. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) thì chức vụ Hiệu trưởng là do Hội đồng trường quyết định theo Điểm đ, Khoản 2, Điều 16 sửa đổi; và Khoản 6, Điều 7, Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

Ảnh chụp bài báo trên Báo Tuổi trẻ.

Ảnh chụp bài báo trên Báo Tuổi trẻ.

Nhưng hiện nay, Hội đồng trường nhiệm kỳ cũ của TDTU đã kết thúc theo Quyết định 1456/QĐ-TLĐ ngày 18/9/2019 của chính Tổng Liên đoàn; còn Hội đồng trường nhiệm kỳ mới thì chưa được thành lập được bởi sự kiểm tra liên miên của Tổng Liên đoàn và Ủy ban kiểm tra Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Theo các qui định pháp luật trên, muốn làm công tác nhân sự Hiệu trưởng thì trước hết phải làm quy trình và bầu Hội đồng trường nhiệm kỳ mới.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết 19-NQ/TW thì Chủ tịch Hội đồng trường sẽ phải là Bí thư Đảng ủy; đồng thời, cũng theo hướng dẫn Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng ủy Khối đại học – cao đẳng Thành phố Hồ Chí Minh, thì nhân sự Bí thư Đảng ủy sẽ là nhân sự dự kiến làm Chủ tịch Hội đồng trường.

Nhưng đến nay, Ban chấp hành Đảng bộ trường Đại học Tôn Đức Thắng nhiệm kỳ 2020-2025 cũng chưa được bầu. Mà muốn tiến hành làm công tác nhân sự và bầu Hội đồng trường nhiệm kỳ mới thì phải làm công tác nhân sự và bầu Ban chấp hành Đảng bộ trường nhiệm kỳ 2020-2025 trước.

Như vậy, lộ trình đúng pháp luật phải là: i) bầu nhân sự Ban chấp hành Đảng bộ Nhà trường nhiệm kỳ mới, Ban chấp hành bầu Thường vụ Đảng ủy, Bí thư và Phó bí thư; báo cáo Đảng ủy khối để được phê chuẩn. ii) Thường vụ Đảng ủy và các thành viên khác của Tập thể lãnh đạo Nhà trường chủ trì làm công tác nhân sự cho Hội đồng trường. iii) Trình danh sách hội đồng trường cho cơ quan quản lý trực tiếp công nhận. iv) Hội đồng trường làm qui trình giới thiệu Bí thư Đảng ủy làm chủ tịch và họp, bầu. v) Trình kết quả bầu cho cơ quan quản lý trực tiếp công nhận Chủ tịch mới. vi) Chủ tịch hội đồng trường mới chủ trì làm qui hoạch, qui trình và thủ tục để chọn hiệu trưởng, chủ trì bầu hiệu trưởng. vi) Trình kết quả bầu hiệu trưởng cho cơ quan quản lý trực tiếp công nhận.

Luật sư Nguyễn Thành Công, ảnh do nhân vật cung cấp.

Luật sư Nguyễn Thành Công, ảnh do nhân vật cung cấp.

Tôi không nghĩ là làm đúng 6 bước theo Luật định như trên lại có thể xong trong vòng 1, 2 tháng để có hiệu trưởng mới.

PV: Vậy theo ông, Tổng Liên đoàn có được quyền ra quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng hay Quyền Hiệu trưởng hay người Phụ trách trường đại học thay Giáo sư Lê Vinh Danh để làm công tác nhân sự nhiệm kỳ mới và ký văn bằng tốt nghiệp cho sinh viên không?

Luật sư Nguyễn Thành Công: Theo tôi, nếu có việc này xảy ra thì Tổng Liên đoàn đã cố tình làm sai quy định của pháp luật, lấn quyền của Chính phủ, Hội đồng trường được quy định tại Luật 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP; vì:

Thứ nhất, Hiệu trưởng hay Quyền hiệu trưởng đều là một chức vụ được bổ nhiệm và nhân sự này cũng sẽ do Hội đồng trường quyết định như tôi đã nói ở trên.

Nếu Tổng Liên đoàn vẫn cố tình bổ nhiệm thì cũng có nghĩa là cố tình vi phạm quy định pháp luật; chưa kể nhân sự này tối thiểu cũng phải qua việc lấy phiếu tín nhiệm của tập thể lãnh đạo trường và sự nhất trí của Đảng ủy.

Nếu Tổng Liên đoàn bỏ qua quy trình này thì không những không đúng luật định mà còn không đúng quy định của Đảng; lúc đó nhân sự được bổ nhiệm này liệu có hợp pháp không?.

Thứ hai, trong thời gian chuyển tiếp chờ bầu Hội đồng trường và Hiệu trưởng nhiệm kỳ mới, Hiệu trưởng nhiệm kỳ cũ được kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điểm a, Khoản 6, Điều 7, Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

Như tôi đã nói trước đây, Hiệu trưởng đang làm nhiệm vụ trong thời gian chuyển tiếp này là thực hiện theo quy định của Chính phủ, việc có thay đổi nhân sự làm nhiệm vụ Hiệu trưởng trong thời gian này thì chỉ có Chính phủ mới có quyền quyết định.

Tuy nhiên, trong Nghị định 99/2019/NĐ-CP cũng chỉ nói về việc kéo dài nhiệm vụ Hiệu trưởng; không quy định việc Chính phủ sẽ thay đổi nhân sự này khi cần thiết; vì thực ra tình huống hiệu trưởng được kéo dài mà lại bị đình chỉ trái pháp luật là điều Chính phủ không hình dung ra trước đó. Do đó, khi và chỉ khi Tổng Liên đoàn được Chính phủ ủy quyền quyết định việc này thì Tổng Liên đoàn mới có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Ngay cả trong trường hợp này, thì Tổng Liên đoàn sẽ thực hiện theo quy trình như thế nào?.

Thứ ba, nếu không thực hiện việc bổ nhiệm hiệu trưởng hoặc quyền hiệu trưởng, mà chỉ là Phụ trách trường thì đây cũng chỉ là phân công nhiệm vụ, không phải chức vụ, câu chuyện lúc này lại quay về như thời điểm phân công người tạm điều hành như hiện nay.

Như vậy, khi một nhân sự hiệu trưởng được bổ nhiệm không đúng quy định pháp luật hoặc chỉ là sự phân công nhiệm vụ Phụ trách trường thì việc ký bằng tốt nghiệp cho sinh viên cũng không có giá trị pháp lý theo quy định.

Từ những vấn đề trên, tôi có thể khẳng định rằng trong một tháng không thể làm xong quy trình bầu nhân sự Hiệu trưởng theo đúng qui định pháp luật (6 bước như trên). Như vậy, Tổng Liên đoàn muốn làm đúng như phát biểu thì chỉ có cách “xé rào”, vi phạm pháp luật thì mới kịp.

Tôi mong rằng không có sự “xé rào” nào trong quá trình giải quyết các vấn đề ở TDTU. Bởi nếu xảy ra thì tôi vô cùng e ngại cho khả năng m đổ vỡ một mô hình tự chủ tốt trong suốt 10 năm qua là TDTU. Ngoài ra còn cho xã hội thấy một hình ảnh rất xấu là một cơ quan ngang Bộ lại liên tục làm sai, vi phạm pháp luật. Câu chuyện này xảy ra trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc thật không hay tí nào cho uy tín của Đảng và Nhà nước!

PV: Trân trọng cảm ơn Luật sư.

Hồng Thủy