Đại học Hoa Sen, những màn ảo thuật vụng về

07/04/2016 07:41
Phương Thảo
(GDVN) - Sai phạm nối tiếp sai phạm, thủ phạm tại Đại học Hoa Sen đã làm lộ diện, phanh phui hệ thống các vi phạm khác trong khâu quản lý và điều hành trường.

LTS: Trong bài viết trước, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã làm rõ cái gọi là “phi lợi nhuận” do ban điều hành Đại học Hoa Sen tự ý “gắn mác”, nhằm thực hiện “màn ảo thuật” ngoạn mục tại trường đại học tư thục này. 

Nếu hiểu Đại học Hoa Sen là một doanh nghiệp tư nhân (bởi nó là đại học tư, được thành lập bởi các cổ đông góp vốn và hoạt động theo sự điều hành của HĐQT), có thể coi việc nhóm “ảo thuật gia” tại Đại học Hoa Sen tìm mọi cách chuyển đổi trường sang mô hình hoạt động không vì lợi nhuận là một “màn ảo thuật”, nhằm “phù phép” biến tài sản của các cổ đông thành tài sản riêng và giấu giếm sai phạm tại đây. 

Mồi lửa dữ dội
  
Điểm lại những chỉ dấu dẫn tới các vi phạm mang tính hệ thống tại Đại học Hoa Sen, có thể lấy điểm bùng phát là vào tháng 5/2013, một số phòng ban của Đại học Hoa Sen phát hiện Ban quản lý dự án xây dựng trụ sở Đại học Hoa Sen tại số 8 Nguyễn Văn Tráng đã quản lý lỏng lẻo, khiến cho công trình bị phát sinh chi phí hơn 22,9 tỷ đồng. 

Các phát sinh này sau đó được kết luận thuộc trách nhiệm của tiểu ban kỹ thuật trực tiếp thực hiện xác nhận đại diện cho chủ đầu tư (tức là Đại học Hoa Sen), trong khi tiểu ban này không có thẩm quyền về việc này. 

Tiểu ban kỹ thuật hóa ra chính là đơn vị giới thiệu nhà cung cấp/nhà thầu phụ cho các phát sinh nêu trên. Điểm j, khoản 4 Điều 32 Quy chế Đại học Hoa Sen đã quy định rõ:

“Hiệu trưởng được quyết định đầu tư mua sắm tài sản trang thiết bị ngoài kế hoạch có giá trị không vượt quá  10% tổng giá trị tài sản theo sổ sách kế toán; không vượt quá 20% giá  trị đầu tư nếu đã có kế hoạch được Hội đồng quản trị duyệt. 

Được quyết định bán, thanh lý tài sản trang thiết bị có giá trị không vượt quá 1 tỷ đồng Việt Nam”.

Do vậy, với tư cách là trưởng ban dự án, trách nhiệm của bà Bùi Trân Phượng trong vụ việc phát sinh 22,9 tỷ đồng đã rõ, đó là không tuân thủ quy trình mua sắm của nhà trường, không tuân thủ quyền hạn và trách nhiệm của ban quản lý dự án. Nhưng mọi việc chưa dừng lại ở đó. 

Mâu thuẫn ngày càng dữ dội tại Đại học Hoa Sen khiến các giảng viên, nhân viên luôn ở trong tâm thế bất an.
Mâu thuẫn ngày càng dữ dội tại Đại học Hoa Sen khiến các giảng viên, nhân viên luôn ở trong tâm thế bất an.

Vụ bê bối nêu trên mới chỉ là “que diêm” nhen lên mồi lửa, khiến “đám cháy” sai phạm tại Đại học Hoa Sen tiếp tục bùng phát dữ dội, trong đó nghiêm trọng nhất có lẽ là việc nội bộ trường tiếp tục phát hiện vào tháng 12/2013, Ban giám hiệu Đại học Hoa Sen giữ lại khoản doanh thu 119 tỷ đồng, thu được từ các khoản học phí trong các niên khóa từ năm 2010 đến năm 2013, nhưng được chuyển vào các khoản “Học phí thu trước” và “Nợ phải trả”, thay cho “doanh thu”. 

Mục đích là để giấu khoản doanh thu rất lớn này. Việc làm sai trái này khiến cho doanh thu của Đại học Hoa Sen bị thâm hụt lớn và làm sai lệch nghĩa vụ nộp thuế của nhà trường đối với Nhà nước. 

Hệ quả là hiện tại, trường vẫn đang phải nộp phạt cho cơ quan thuế với số tiền nhiều tỷ đồng. Ngoài ra, che giấu doanh thu đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông – những người góp vốn xây dựng và duy trì hoạt động của trường. 

Trong Biên bản họp Ban Kiểm soát ngày 8/5/2014, khi đề cập đến vấn đề này, Ban Kiểm soát chỉ nhận xét chung chung: “Cuối năm 2013, Kế toán trưởng của Đại học Hoa Sen phát hiện và báo cáo lại Hiệu trưởng, sau đó Hiệu trưởng đã báo trong kỳ họp HĐQT ngày 9/1/2014 và sau đó có văn bản báo cáo cho HĐQT và Ban kiểm soát ngày 10/1/2014 để khắc phục hậu quả”. 

Việc khắc phục hậu quả cụ thể là Đại học Hoa Sen phải nộp kê khai thuế và lãi vì chậm nộp thuế lên tới 15.361.543.418 đồng, một số tiền rất lớn.

Sa thải nhân viên vô cớ

Trong quá trình tìm hiểu sự thật tại Đại học Hoa Sen, chúng tôi đã được tiếp cận với một bản báo cáo do Ban tổ chức Đại hồi đồng Cổ đông bất thường Đại học Hoa Sen tổ chức ngày 23/7/2014, trong đó có đoạn viết: 

“Ban tổ chức Đại hội đồng Cổ đông bất thường Trường Đại học Hoa Sen năm 2014 xin báo cáo các sai phạm nghiêm trọng của Hiệu trưởng – bà Bùi Trân Phượng. 

Các sai phạm này trong suốt thời gian vừa qua đã gây thiệt hại nhiều chục tỷ đồng cho trường Đại học Hoa Sen, gây thiệt hại cho các cổ đông, làm giảm uy tín của Đại học Hoa Sen đối với phụ huynh, học sinh – sinh viên”. 

Đại học Hoa Sen, những màn ảo thuật vụng về ảnh 2

Đại học Hoa Sen tự phong là “phi lợi nhuận”

Sai phạm đầu tiên và cũng rất nghiêm trọng, được nhóm cổ đông nêu ra là việc quản lý nhân sự tại trường có nhiều khuất tất, vi phạm”. Theo thống kê do nhóm cổ đông tiến hành khảo sát, tổng số giảng viên, nhân viên của Đại học Hoa Sen bị cho nghỉ việc từ năm 2009 đến hết tháng 5/2014 là hơn 400 nhân viên, giảng viên. 

Tỉ lệ nghỉ việc chung của toàn trường luôn ở mức cao, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2009-2011, tỉ lệ này luôn cao hơn 15%. 

Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2014, tỉ lệ nghỉ việc đã lên đến mức 11%. Tỉ lệ thay đổi ở quản lý cấp trung, bao gồm Trưởng phó phòng, Trưởng phó khoa, Giám đốc, Phó Giám trong 2 năm 2010, 2011 lần lượt là 35% và 43% tương ứng. 

Riêng 5 tháng đầu năm 2014, tỉ lệ thay đổi này ở mức 22%. Đó là những con số đáng báo động, gây ảnh hưởng lớn đến sự ổn định trong hoạt động của một trường đại học lớn như HSU.  

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sự mất ổn định nhân sự quản lý cấp trung tại các phòng, khoa quan trọng của Đại học Hoa Sen đã dẫn đến sự mất ổn định của toàn trường, đơn cử một số trường hợp sau: 

Phòng Nhân sự – từ  tháng 1/2010 đến hết tháng 5/2014 (53 tháng), trường đã trải qua 4 trưởng phòng nhân sự, với tổng thời gian làm việc, bao gồm thời gian thử việc, là 29 tháng chiếm khoảng 54%, còn lại là các khoảng trống. 

Phòng Kế toán Tài chính – từ tháng 10/2010 đến tháng 7/2014 đã có 4 Trưởng phòng; Khoa Khoa học Công nghệ – từ năm 2007 đến tháng 7/2014 có 6 trưởng/phó khoa, với thời gian làm việc trung bình là 19 tháng/vị trí… 

Ngoài ra, Chương trình Giáo dục Tổng quát từ tháng 10/2010 đến tháng 1/2013 đã có 3 giám đốc và tính đến thời điểm trường tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường này cũng không có người phụ trách từ tháng 1/2014.  

Nếu tính trung bình lương của một nhân viên/giảng viên nghỉ việc là 10.000.000 đồng, tổng chi phí cho hơn 400 nhân viên nghỉ việc lên tới trên 63 tỉ đồng… (báo cáo đã dẫn).

Một trường đại học lớn như Hoa Sen không thể hoạt động ổn định trong công tác giáo dục và đào tạo sinh viên, nếu bộ khung nhân sự biến động quá lớn như đã đề cập ở trên. 

Vấn đề còn nghiêm trọng hơn khi bản thân những nhân sự này, bao gồm những giảng viên giỏi, cũng không hiểu lý do vì sao mình bị sa thải. 

Có chăng, họ chỉ tự biết với nhau rằng sự trung thực, không chấp nhận thỏa hiệp với cái sai của mình đã bị trừng phạt, thông qua các quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đột ngột, không thỏa đáng, mặc dù họ hoàn thành công việc được giao.

Phương Thảo