Dặm đường mang con chữ lên vùng hẻo lánh

01/03/2020 06:45
Thùy Linh
(GDVN) - Mỗi buổi sáng thứ hai, cô Trang lại một tay ôm con, tay kia xách balo lên đến điểm trường. Trong balo của 2 mẹ con vỏn vẹn vài cân gạo và một vài con mắm...

Giữa tháng 11/2019, cô Đinh Thị Huyền Trang cùng hơn 100 giáo viên khác có mặt ở Hà Nội, để dự lễ tôn vinh những tấm gương điển hình tiên tiến cấp học mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Với nhiều thầy cô, đây là lần đầu được thăm Thủ đô sau những năm tháng kiên trì bám bản “gieo chữ”. 

Khi nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp chăm sóc, dạy dỗ trẻ mầm non, cô Đinh Thị Huyền Trang chia sẻ, những phần thưởng như thế này là sự động viên rất lớn cho đội ngũ giáo viên mầm non trên cả nước. 

Chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Đinh Thị Huyền Trang cho biết, cô sinh ra ở thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Hà Nam, năm 2014 cô được tuyển và công tác tại bản Ka Oóc, Trường Mầm non số 2 Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). 

Mỗi buổi sáng thứ hai, cô Trang lại một tay ôm con, tay kia xách balo lên đến điểm trường. Trong balo của 2 mẹ con vỏn vẹn vài cân gạo và một vài con mắm...(Ảnh: Thùy Linh)
Mỗi buổi sáng thứ hai, cô Trang lại một tay ôm con, tay kia xách balo lên đến điểm trường. Trong balo của 2 mẹ con vỏn vẹn vài cân gạo và một vài con mắm...(Ảnh: Thùy Linh)

Cô Trang nhận công tác khi mới 23 tuổi và lúc đó đang mang bầu đứa con thứ hai, để có tiếp tục được công việc, cô phải gửi đứa con đầu chưa tròn 16 tháng tuổi cho ông bà. 

Ở nơi thiếu thốn vật chất đủ thứ, thiếu nước sạch, không có điện, không có sóng điện thoại, điều kiện để chăm sóc sức khỏe thai sản không đảm bảo nên cô sinh con thứ hai chỉ vỏn vẹn 2kg. Nhưng thời gian được "ưu tiên nuôi con nhỏ" không bao lâu, cô phải ôm con đến lớp. 

"Cứ như vậy mỗi buổi sáng thứ hai, tôi lại một tay ôm con, tay kia xách balo lên đến điểm trường. Trong balo của 2 mẹ con vỏn vẹn vài cân gạo và một vài con mắm,... cứ đi về như thế để bám lớp" - cô Trang kể lại.

Cũng nhờ có sự động viên, tin tưởng của gia đình và đồng nghiệp đã tiếp thêm động lực giúp cô Trang vượt qua những khó khăn, cố gắng bám bản, theo nghề đến nay đã hơn 6 năm.

Làm thầy giáo dạy học trò bán trú chả khác gì làm cha, mẹ!
Làm thầy giáo dạy học trò bán trú chả khác gì làm cha, mẹ!

“Tôi thật sự rất thương con và đến bây giờ tôi chưa một lần được đưa con mình đi khai giảng, cũng chưa một lần được đưa con đi học nhưng chứng kiến điều kiện khó khăn của những đứa trẻ vùng cao chạc tuổi con mình nơi đây, tôi lại càng muốn cống hiến sức trẻ của mình cho chúng. 

Tôi nghĩ một điều đơn giản rằng, nếu ai cũng chọn nơi thuận lợi thì ai sẽ mang con chữ đến với những nơi khó khăn, hẻo lánh. Chỉ mong lũ trẻ biết con chữ, tiến bộ hơn để có được cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn”, cô giáo mầm non này giãi bày. 

Nhớ lại những năm tháng đầu tiên khi đến bản Ka Oóc để dạy trẻ, cô Trang kể: “Thời điểm đó, đây là điểm trường mầm non khó khăn nhất huyện Minh Hóa (Quảng Bình). 

Khi đến vận động trẻ đi học, lúc đó phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con cái nên dù tôi có nói gì đi chăng nữa thì họ vẫn cương quyết rằng học chẳng để làm gì, học rồi sau vẫn cưới vợ, cưới chồng. 

Đặc biệt, giữa cô và trò có sự bất đồng ngôn ngữ vì 2 cô trò không hiểu tiếng của nhau nên trẻ gặp cô là chạy trốn, không muốn tiếp xúc với cô.

Chính điều này đã khiến tôi trăn trở nhất khi công tác ở điểm lẻ, với mong muốn để trẻ hiểu được ngôn ngữ của mình nên tôi đã đi học tiếng dân tộc bằng cách đến từng nhà dân để nghe họ nói, cuộc họp thôn bản nào tôi cũng đến đó để giao lưu, học hỏi. 

Sự cố gắng của thầy cô đã khiến phụ huynh thay đổi suy nghĩ và bây giờ 100% trẻ được bố mẹ đưa đến trường, trao tận tay cho cô giáo. Đây là điều khiến chúng tôi vui lắm”. 

Cô Giàng Thị Chá ước bản làng sẽ có điện để học sinh bớt thiệt thòi
Cô Giàng Thị Chá ước bản làng sẽ có điện để học sinh bớt thiệt thòi

Hiểu nỗi vất vả và những hy sinh của giáo viên mầm non, tại lễ tôn vinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, giáo dục mầm non là nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng, áp lực nhất.

Học sinh còn bé và rất hiếu động, giáo viên phải làm việc trong thời gian dài nhất của ngày trong khi lương lại thấp nhất so với bảng lương của ngành giáo dục.

”Mặc dù Đảng, Nhà nước và xã hội rất quan tâm, đã có nhiều chính sách, nhưng hiện nay đời sống của giáo viên mầm non nhìn chung còn nhiều khó khăn. Nhận thức của xã hội và chính sách chưa tương xứng với vị trí, vai trò và sự đóng góp của giáo viên mầm non” - Bộ trưởng nhìn nhận.

Ghi nhận sự nỗ lực của bậc học mầm non và giáo viên mầm non, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong Luật Giáo dục 2019 đã quy định mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của con người.  Trong những năm gần đây, giáo dục mầm non đã có được những thành tựu đáng ghi nhận.

“Tôi mong mỗi nhà giáo sẽ và mãi là tấm gương sáng về tình yêu nghề, mến trẻ, tâm huyết đổi mới sáng tạo, luôn rèn luyện tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn để đóng góp cho sự phát triển của giáo dục nước nhà, đưa giáo dục mầm non lên tầm cao mới, đạt mức tiên tiến trong khu vực và trên thế giới” - Bộ trưởng nhấn mạnh.


Thùy Linh