“Đạo” - Những thách thức về đạo đức và liêm chính

06/05/2017 07:24
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Trên đời này, mỗi hành động, mỗi suy nghĩ, được coi là sự lựa chọn của mỗi con người, mỗi thể chế, mỗi đại học, dù cùng là một chữ “Đạo”.

LTS: Bàn về chữ "Đạo" trong giáo dục, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương, một nghiên cứu sinh về giáo dục Hoa Kỳ chỉ ra những thách thức về đạo đức và liêm chính.

Những thách thức này không chỉ được đặt ra với giáo dục Mỹ hay Việt Nam mà còn ở nền giáo dục của nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong một thế giới mà các giá trị đang bị đảo ngược, thế giới học thuật và tháp ngà đại học, giáo dục cũng bị tác động không nhỏ.  

Tinh thần “đại học như doanh nghiệp” giống phần nào với khẩu hiệu “Hãy quản lý đất nước như một doanh nghiệp”… 

Tất cả đều phải dựa trên con số, tỷ lệ đầu tư và sinh lời, và hệ quả là rất nhiều câu chuyện phát sinh, mà bản chất nó đi ngược lại toàn bộ giá trị về một hệ thống văn minh được xây dựng qua bao năm, như dân chủ, công bằng, minh bạch, an toàn và bảo mật thông tin cá nhân.

Những thách thức lớn về đạo đức và liêm chính đang đặt ra với nền giáo dục. Ảnh: Jamaica Observer.
Những thách thức lớn về đạo đức và liêm chính đang đặt ra với nền giáo dục. Ảnh: Jamaica Observer.

Xin được kể một số chuyện của nước Mỹ và mấy nước tiên tiến, mong là chúng ta cũng có cơ hội ngẫm lại tình cảnh của từng cá nhân trong thời cuộc bây giờ.  

Cũng xin chia sẻ ngay là bất chấp những ví dụ tôi nêu ra trong bài này, nó không làm thay đổi niềm tin của tôi vào thể chế quản trị xã hội hiện nay của nước Mỹ.  

Nước Mỹ vĩ đại, nhưng dù vĩ đại, cũng đang phải chiến đấu chống lại những tác nhân “muốn vĩ đại lần nữa”, trong khi đi ngược lại những giá trị Mỹ hàng trăm năm được các Nhà lập quốc thiết lập nên.

Không trích dẫn nguồn khi sử dụng tài sản trí tuệ của người khác

Một nhân vật “hot” nhất tuần trước của nước Mỹ, người được chỉ định vào Tòa án Tối cao của Mỹ và hiện đang chờ phê duyệt của Quốc hội, hiện bị tố cáo là có hành vì “trích dẫn bài viết của người khác mà không dẫn nguồn” [1], theo thông tin của Bloomberg, cho một bài viết cá nhân khá lâu rồi.  

“Đạo” -  Những thách thức về đạo đức và liêm chính ảnh 2

Bàn về đạo đức trong đào tạo tiến sỹ ở Việt Nam

Chưa rõ Thượng viện với đa số là người của Cộng hòa sẽ tìm đường cho bác này được phê chuẩn hay không, tên tuổi của bác “nổi” trên các hệ thống thông tin báo chí và mạng xã hội.  

Câu hỏi mọi người đặt ra là, với học sinh từ cấp 1 – cấp 2 trở đi đến lên đại học, nước Mỹ luôn dạy học sinh phải trung thực, tôn trọng bất kỳ ý kiến của người khác và phải có trách nhiệm trích dẫn nguồn khi sử dụng, nếu không, đây được coi là hành vi “trộm cắp” trí tuệ và tài sản của người khác, vậy người như nhân vật nói trên có xứng đáng để được bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao hay không? 

Nói đến việc không trích dẫn nguồn này, cách đây gần 6 năm (2011), Bộ trưởng Đức cũng bị mất bằng tiến sĩ vì tội “đạo” một số phần từ bài báo của người khác mà không trích dẫn nguồn khi làm tiến sĩ [2].  

Do ông này đang là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, người ta đã lên án “về luận văn không đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức trong khoa học”.

Theo đó, Thủ tướng và Đảng của ông này ra sức phân bua về tính không liên đới giữa đạo đức trong khoa học và đạo đức trong công vụ, do người đi bầu không tin vào tư cách ông “đạo” này.

Thực tế, với người làm nghiên cứu, việc đọc và sử dụng trích dẫn, đặc biệt là sử dụng các học thuyết hay mô hình đã được nghiên cứu trước là một việc dễ hiểu.

Nhiều khi vì hệ thống lưu trữ các trích dẫn không khoa học, việc vừa viết vừa dùng các trích dẫn dễ xảy ra tình trạng vô tình quên, chứ không hề có chủ đích quên.

Tuy nhiên, khi đã tham gia vào học thuật, đã ở những vị trí “công bộc” của chính phủ, người nào cũng bị soi rất kỹ, dù là bài viết báo hay luận án đã viết từ đời nào! 

“Đạo” -  Những thách thức về đạo đức và liêm chính ảnh 3

Ở Mỹ, người ta dạy đạo đức thế nào?

Chỉ có duy nhất một cách đối phó trong trường hợp này: hãy luôn tự cảnh tỉnh bản thân khi viết lách hay phát biểu, và tuyệt đối tự ý thức không “xài trộm” đồ của ai, dù chỉ là trích dẫn một câu.

Lạm dụng vị trí để công bố nghiên cứu không đáp ứng tính “minh bạch” trong khoa học

Trong thời gian qua, một thông báo về việc Chủ tịch Đại học Quốc gia Đài Loan sẽ tự nguyện chấm dứt vị trí của mình vào tháng 6 này làm mọi người ngạc nhiên [3]. 

Hóa ra, Chủ tịch đã tự nguyện từ chức do không muốn tạo thêm những nghi vấn về đạo đức khoa học cho trường đại học, sau khi ủy ban điều tra về minh bạch trong nghiên cứu đã phát hiện ra ngài Chủ tịch đã có hành vi “làm sai” (“wrongdoing”)  trong quá trình công bố nghiên cứu mà mình là đồng tác giả.

Theo phát hiện này, ngài Chủ tịch và cộng sự đã sử dụng 2 trong số 17 hình ảnh được dùng trong một công bố khác, trên những tạp chí khác, do người khác nghiên cứu và công bố, và việc sử dụng hình ảnh này là không phù hợp trong tình huống công bố này. 

Song song với vụ “làm sai”, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Bộ Giáo dục Đài Loan cũng tiến hành điều tra về cáo buộc “có dấu hiệu tham nhũng” trong 4 nghiên cứu được công bố mà trong đó, ngài Chủ tịch cũng đứng tên “đồng tác giả“ trong 2 công bố.

Thế mới thấy, là Chủ tịch một đại học mà giữ không nghiêm về đạo đức nghiên cứu, về tính liêm chính của người làm khoa học, lại làm hại luôn sự nghiệp của mình.  

Điều này để nói lên sự nghiêm minh của một hệ thống quản trị đại học phải đủ tốt để ủy ban điều tra tính minh bạch và đạo đức trong đại học mới có thể điều tra chính Chủ tịch của mình được.  

Không rõ, liệu đến khi nào, Việt Nam chúng ta học và có được mô hình quản trị đại học, mà dù là Chủ tịch cũng không thể đứng trên đạo đức và liêm chính của người làm nghiên cứu?

Chủ biên và báo cáo nghiên cứu “dởm”

“Đạo” -  Những thách thức về đạo đức và liêm chính ảnh 4

Đạo đức công vụ - chuyện “bằng giả” và “quan thật”

Do sức ép về công bố theo khẩu hiệu “Công bố hay là chết” của giới học thuật, vì có công bố mới được ký hợp đồng, gia hạn hợp đồng và “n” thứ phụ thuộc vào công bố, rất nhiều nhà nghiên cứu đã “lao đầu” vào việc làm sao để công bố, bất kể là công bố không có chất lượng, không có ai đọc và chả có tí ứng dụng gì.  

Điều này tạo ra một hệ thống hoàn hảo để “kinh doanh” phục vụ cho những người sẵn sàng trả tiền cho việc làm “dởm” từ dữ liệu nghiên cứu, viết công bố và đưa ra công bố, trên toàn thế giới. 

Theo The Conversation, trong số 28.100 [4] các tạp chí khoa học đang hoạt động, có một số kha khá là những tạp chí “rất ít độ tin cậy” và thậm chí, họ đã thuê “ban biên tập” dởm [5], để vượt qua yêu cầu “công bố” và “công bố qua hệ thống peer-review” (peer-review là quy trình bình duyệt nghiên cứu và công bố thông qua các nhà nghiên cứu khoa học cùng chuyên ngành).

Báo Washington Post đã đưa một tin chấn động về 64 công bố của các nhà nghiên cứu khoa học Trung Quốc đã làm công bố theo hệ thống peer-review “dởm”, vào 25/8/2015 [6].   

Điều này không mới với hệ thống các tạp chí khoa học hay nhà xuất bản của Mỹ và châu Âu, khi mà số lượng các nghiên cứu được công bố với tác giả từ Trung Quốc thường hay vướng vào “làm dởm công bố được đánh giá theo hệ thống bình luận và đánh giá bởi những nhà khoa học cùng ngành”.

Một ý kiến đã chia sẻ trên Weibo của Trung Quốc về việc “Dối trá đã nằm trong hệ thống nghiên cứu”.

Điều này trước mắt là làm các nhà xuất bản và tạp chí có uy tín phải cẩn trọng hơn nhiều lần với những công bố mà tác giả là người Trung Quốc và nghiên cứu từ Trung Quốc.  

Tác hại xa hơn có lẽ là hình ảnh của Trung Quốc trong giới học thuật thế giới, và dù có gì xảy ra, chắc trong học thuật và nghiên cứu, “sự thật” vẫn đang được coi trọng bởi những nhà nghiên cứu hàng đầu, bởi những trường đại học hàng đầu trong nghiên cứu, bởi những người coi trọng giá trị của nghiên cứu. 

Lừa dối về chất lượng sản phẩm và dịch vụ thông qua những nghiên cứu và thông tin không đúng sự thật

Một vụ việc đình đám xảy ra trước bầu cử Mỹ năm 2016, đại học của một ứng viên Tổng thống Mỹ bị kiện ra tòa vì những cáo buộc “lừa dối” người học qua những quảng cáo và cam kết về chất lượng, về cơ hội học việc kinh doanh trực tiếp với người chủ là nhà đầu tư bất động sản nổi tiếng khi tham gia học một khóa ở trường đại học này [7].  

“Đạo” -  Những thách thức về đạo đức và liêm chính ảnh 5

Sáng kiến, thực ra là copy trên mạng, mà nói thẳng ra là ăn cắp của nhau

Các khách hàng tham gia khóa học đã cáo buộc sự bất minh trong thông tin quảng cáo khóa học và kiện trường ra tòa vì những “thông tin dởm” về chất lượng của chương trình.  

Cho đến cuối cùng, trường đã phải đồng ý bồi thường 25 triệu đô la Mỹ nhằm giải quyết vụ kiện này, cho khoảng 5000 học viên trên toàn liên bang.

Có những học viên không đồng ý với phán quyết này của Tòa, do họ nhìn thấy với việc bồi thường bằng tiền, đại học đã chối bỏ việc thừa nhận “sai trái” trong quảng cáo và chất lượng chương trình, một hình thức lừa dối người học một cách công khai. 

Và điều gian dối này có thể ảnh hưởng không chỉ đến tiền học, mà còn bao gồm cả chi phí cơ hội làm việc, chi phí không liên quan trực tiếp đến khóa học, những stress cho người học khi họ đi học và học những gì mà trường, dù hứa hẹn, nhưng đã không hề có kế hoạch cung cấp cho họ. 

Những ví dụ trên là những minh chứng cho một chữ “Đạo” mà cả thế giới, theo nhà báo Thomas Friedman, tờ New York Times đã chia sẻ, “vì vòng quay của xã hội nhanh quá, chúng ta luôn vội vã và quên làm những việc nên làm” [8], trong cuốn “Xin cảm ơn, bạn đã đến muộn” của mình gần đây.

Đạo có thể hiểu là đạo đức, là những trách nhiệm và nghĩa vụ, mà dù có hay không có quy định của pháp luật, chúng ta cũng phải tự nguyện tuân thủ, để đảm bảo mọi việc chúng ta làm không ảnh hưởng đến ai, không làm hại hay xâm phạm ai, dù chỉ là cái tên, hình ảnh, hay trí tuệ của người khác, dù chỉ là trong một câu trích dẫn.

Đạo cũng có thể hiểu là hành vi vi phạm, khi trở thành ‘đạo văn”, “đạo chích”, “vô đạo” khi mà vì muốn đạt được mục tiêu của mình, hoặc vô tình hoặc có chủ ý, sẵn sàng hy sinh tư cách và đạo đức, trách nhiệm và nghĩa vụ mà mình phải làm, mà không làm, để “trộm” của người khác. 

Trong một xã hội văn minh và thượng tôn pháp luật, dù có công bố nhiều hay thứ hạng ra sao, thường, ăn trộm thì sẽ không thể được lâu dài và không thể là bền vững.

Bất kể ai đó tin rằng để phát triển, để đi tắt đón đầu, để giảm chi phí, con người cần trải qua giai đoạn “mượn tạm” của người khác, từ tên tuổi, hình ảnh, trí tuệ, profile và cả những ý tưởng và sau đó rồi, sẽ đến giai đoạn tự phát triển.

Trên đời này, mỗi hành động, mỗi suy nghĩ, được coi là sự lựa chọn của mỗi con người, mỗi thể chế, mỗi đại học, dù cùng là một chữ “Đạo”.  

Hãy chọn đạo đức cho phát triển bền vững và đúng tinh thần của giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.bloomberg.com/view/articles/2017-04-05/gorsuch-s-plagiarism-is-worthy-of-embarrassment

[2 http://www.bbc.com/vietnamese/mobile/world/2011/02/110222_guttenberg_phd_lost.shtml

[3] http://www.universityworldnews.com/article.php?story=20170328170940119; https://www.insidehighered.com/quicktakes/2017/03/23/amid-scandal-president-university-taiwan-step-down?utm_content=buffer6c5fd&utm_medium=social&utm_source=twitter&utm_campaign=IHEbuffer; http://retractionwatch.com/2017/03/22/president-taiwan-university-step-amidst-investigation/

[4] https://theconversation.com/why-you-should-care-about-the-rise-of-fake-journals-and-the-bad-science-they-publish-72130

[5] http://www.universityworldnews.com/article.php?story=20170324135257123

[6] http://blogs.wsj.com/chinarealtime/2015/08/25/fake-peer-review-scandal-shines-spotlight-on-china/

Nguyễn Thị Lan Hương