Dạy – học trực tuyến bậc Phổ thông, Bộ nên xắn tay vào làm cùng các trường

02/08/2020 06:36
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hình thức dạy – học trực tuyến tại bậc Phổ thông cần phải nói được, làm được, làm thật chất lượng nếu không dễ biến thành phong trào, khẩu hiệu, chạy theo “mốt”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gấp rút xây dựng dự thảo: Quy chế dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông và dự kiến sẽ đưa vào áp dụng từ năm học tới.

Theo đó, dạy học trực tuyến sẽ trở thành một phần của hoạt động dạy học trong nhà trường, không phải chỉ là giải pháp tình thế chỉ được áp dụng khi học sinh phải nghỉ học vì dịch bệnh như giai đoạn vừa qua.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: Việc dạy học trực tuyến còn liên quan đến nhiều yếu tố về điều kiện thực tế ở các nhà trường như đội ngũ giáo viên, đường truyền internet, máy tính...Vì thế, Bộ sẽ chỉ quy định khung, việc thực hiện sẽ do các trường tự chủ dựa trên thực tiễn ở địa phương, cơ sở mình.

Xoay quanh vấn đề này, Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Trưởng ban hỗ trợ chất lượng đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Thưa Tiến sĩ, với những hiệu quả có thể nhận thấy rõ của hình thức đào tạo từ xa trong đó có dạy học qua truyền hình, dạy học trực tuyến trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, thầy đánh giá thế nào về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo gấp rút xây dựng dự thảo quy chế dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông và dự kiến sẽ đưa vào áp dụng từ năm học tới?

Trải qua đợt cách ly toàn xã hội do dịch Covid-19 song song với việc đóng cửa trường học, theo tôi không chỉ riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo mà các trường học, hiệu trưởng, giáo viên cũng như toàn xã hội đều nhận thấy những ưu điểm tích cực của hình thức đào tạo từ xa trong đó có dạy trực tuyến, dạy qua truyền hình…

Những ưu điểm đó đã cứu cánh cho năm học này một bàn thua trông thấy đồng thời chỉ ra rằng hình thức đào tạo từ xa là xu thế tất yếu của giáo dục không chỉ trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh…

Chính vì thế việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận và xây dựng dự thảo quy chế dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông và dự kiến sẽ đưa vào áp dụng từ năm học tới là rất kịp thời, thức thời và không có gì là quá sớm.

Hiện nay hình thức dạy - học trực tuyến tại bậc phổ thông vẫn còn là một hình thức khá lạ lẫm, do vậy theo Tiến sĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những kiến giải như thế nào đã xã hội nhận thấy được tầm quan trọng và vai trò của hình thức đào tạo từ xa?

Theo tôi, song song với quá trình xây dựng dự thảo quy chế học trực tuyến ở bậc phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền đại chúng. Trước tiên phải giải thích cho xã hội hiểu: học trực tuyến là gì, hình thức đào tạo học trực tuyến có những điểm gì khác biệt so với học trực tiếp, cách tổ chức đào tạo của học trực tuyến cũng khác với học truyền thống.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có những hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết chứ không chỉ hô hào suông khẩu hiệu rồi làm lớt phớt, ào ào.

Trong thời gian học sinh nghỉ dịch Covid-19 chúng ta thấy được hình thức dạy trực tuyến là một hình thức ưu việt nhưng nếu triển khai sâu rộng và công nhận nó thì phải tổ chức dạy-học thật chứ không phải chỉ là hình thức.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (Ảnh:T.L)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (Ảnh:T.L)

Trong thời gian dịch học sinh nghỉ dịch Covid-19, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có nhiều sáng kiến đặc biệt là kiến nghị áp dụng hình thức đào tạo từ xa (học trực tuyến và học qua truyền hình). Theo Tiến sĩ, hai hình thức đào tạo này có ưu và nhược điểm gì có thể bổ trợ cho nhau?

Quan điểm của Hiệp hội ngay tại thời điểm học sinh nghỉ do dịch Covid-19, các trường đóng cửa là phải chuyển từ hình thức học trực tiếp sang đào tạo từ xa: học qua truyền hình, vệ tinh, trực tuyến…

Hình thức học qua internet chính là học trực tuyến. So với học trực tuyến, học qua truyền hình có nhược điểm là khả năng tương tác kém hơn nhưng mức độ phổ biến cao hơn vì đòi hỏi về hạ tầng, trang thiết bị không cao và độ phủ sóng lớn.

Hình thức học trực tuyến có khả năng tương tác tốt hơn nhưng đòi hỏi cơ sở hạ tầng phải tốt, mạng internet phải mạnh…

Do đó theo tôi, học truyền hình phù hợp với quan điểm của giáo dục phổ thông hơn vì độ phủ sóng gần như 100% trong khi đó học trực tuyến sẽ phù hợp với giáo dục Đại học hơn. Bởi vì chương trình Đại học mỗi trường mỗi kiểu, mỗi thầy dạy mỗi kiểu nên việc học trực tuyến sẽ phù hợp hơn là bậc phổ thông.

Đối với bậc phổ thông chúng ta cần xây dựng một chương trình học thống nhất cho cả nước có thể dạy qua truyền hình.

Tiến sĩ có thể đánh giá những thay đổi trong cách tiếp cận hình thức dạy-học trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường học và cả xã hội nói chung?

Tôi nhận thấy tín hiệu đáng mừng là Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường và cả xã hội đã tiếp thu những góp ý của các chuyên gia, giáo viên và thừa nhận hình thức đào tạo từ xa trong đó có học trực tuyến.

Bằng chứng là thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản thừa nhận và công nhận kết quả của học sinh học trực tuyến. Những cái tiến bộ đó rất đáng khen.

Tuy nhiên tới đây nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý định đưa dạy học trực tuyến vào các trường phổ thông cần phải đảm bảo là làm thật, quyết tâm thực hiện chất lượng, nghiêm túc.

Nếu không rất dễ rơi vào tình trạng chạy theo mốt thịnh hành, làm chỉ có lệ, hình thức như vậy lợi bất cập hại.

Trong thời gian chuẩn bị và xây dựng dự thảo, Bộ cần có hướng dẫn cụ thể đến các trường đặc biệt nên tổ chức những khóa tập huấn, trang bị kỹ năng cho đội ngũ giáo viên giảng dạy. Nếu không làm được việc này thì bản thân các trường và giáo viên vẫn còn mơ hồ lắm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần triển khai nhiều công việc nếu muốn đưa hình thức dạy học trực tuyến vào bậc Phổ thông (Ảnh:T.G)

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần triển khai nhiều công việc nếu muốn đưa hình thức dạy học trực tuyến vào bậc Phổ thông (Ảnh:T.G)

Thưa Tiến sĩ, Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nói: Bộ sẽ chỉ quy định khung, việc thực hiện sẽ do các trường tự chủ dựa trên thực tiễn ở địa phương, cơ sở mình; Tiến sĩ có cho rằng Bộ nên giao cho các trường tự chủ về việc dạy trực tuyến hay không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xắn tay áo làm cùng với các trường thay vì giao cho các trường, địa phương tự chủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nên tiếng nói của Bộ phải đóng vai trò quan trọng.

Thêm nữa nếu giao cho các trường, các địa phương tự chủ sẽ dẫn đến tình trạng trăm hoa đua nở - mỗi nơi thực hiện một kiểu, một cách làm. Lấy ví dụ như việc học qua truyền hình có địa phương thực hiện rất tốt, có nơi thực hiện chưa tốt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chỉ đạo chi tiết và nhất quán. Việc học qua truyền hình Bộ có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhóm họp một số tỉnh thành phố rồi giao nhiệm vụ. Chẳng hạn có tỉnh sẽ phát sóng từ lớp 1 đến lớp 5, có tỉnh phát sóng từ lớp 6 đến lớp 10 chứ không thể một tỉnh mà phát trọn vẹn từ lớp 1 đến lớp 12 được.

Quan sát các mô hình giáo dục nước ngoài, tôi thấy rằng họ không mất quá nhiều thời gian để triển khai dạy học trực tuyến vì khâu chuẩn bị của họ rất tốt từ con người đến hạ tầng.

Tuy nhiên tại Việt Nam chúng ta vẫn thời sự thiếu đồng đều giữa các địa phương cho nên nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không có hướng dẫn cụ thể, xắn tay vào làm mà giao cho các trường tự chủ thì các trường sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo thầy, để việc đưa hình thức giảng dạy trực tuyến vào trong các trường phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải chuẩn bị và hoàn thiện những công việc gì?

Tôi cho rằng học trực tuyến có thể áp dụng ngay cho các trường Đại học; còn đối với khối Phổng thông chúng ta chỉ dạy trực tuyến đối với một số khóa nâng cao, dạy xen kẽ giữa trực tiếp và trực tuyến thậm chí dạy trên truyền hình chứ không tuyệt đối hóa bất cứ hình thức nào. Đây là hình thức bổ sung cho nhau.

Muốn dạy trực tuyến tại Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tập huấn cho các trường và cho đội ngũ giáo viên chứ không phải để giáo viên tự mò mẫm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để đảm bảo hạ tầng mạng tốt phục vụ việc dạy học trực tuyến.

Ngoài ra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần làm rất nhiều việc như xây dựng phần mềm, chương trình đào tạo, chương trình giảng dạy…để áp dụng chung cho cả nước.

Nhưng theo tôi quan trọng nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quyết tâm làm thật, làm đến cùng, làm triệt để chứ không thể làm theo kiểu vừa làm vừa nghe ngóng, thăm dò dư luận như trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua được.

Trân trọng cảm ơn thầy!

Vũ Ninh