Để thầy cô yên tâm dạy tăng tiết thời Covid, Bộ Giáo dục cần hướng dẫn quy đổi

01/02/2021 06:10
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên, cán bộ quản lý cấp phòng, sở ở nhiều địa phương đều mong muốn Bộ Giáo dục cần có hướng dẫn cụ thể việc quy đổi tiết dạy cho giáo viên mùa dịch bệnh.

Năm học 2019-2020 đã qua nhưng chuyện lùm xùm về trả tiền tăng tiết cho giáo viên vẫn chưa có hồi kết.

Nhà trường đau đầu vì giáo viên thắc mắc, phòng, sở giáo dục ở nhiều địa phương cũng mất quá nhiều thời gian để giải quyết các đơn thư khiếu nại của giáo viên ở nhiều trường học.

Đặc biệt Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng liên tục nhận được đơn thư khiếu nại vượt cấp từ cơ sở hỏi về việc trả tiền dạy tăng giờ ở các trường học.

Tuy thế, mọi giải quyết vẫn là chờ hướng dẫn cụ thể nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Học sinh không đến trường nhưng giáo viên hằng ngày vẫn phải gửi bài qua tin nhắn thế này (Ảnh: Phan Tuyết)Học sinh không đến trường nhưng giáo viên hằng ngày vẫn phải gửi bài qua tin nhắn thế này (Ảnh: Phan Tuyết)

Nhiều giáo viên bức xúc vì công sức dạy vượt tiết của mình cả năm bỗng xôi hỏng bỏng không nên tỏ ra chán chường, có tâm lý muốn buông xuôi không muốn nhận tiết dạy tăng giờ trong năm học 2020-2021.

Nhưng nếu không nhận thì những trường học thiếu giáo viên sẽ phải làm thế nào? Nhưng dạy mà cứ phập phồng lo sợ ngộ nhỡ lại nghỉ học như năm ngoái hóa công sức thầy cô thành công cốc hay sao?

Trước thông tin tỉnh Quảng Ninh vừa công bố cho toàn bộ học sinh, sinh viên từ cấp mầm non đến đại học trong toàn tỉnh sẽ nghỉ học tạm thời từ ngày 28-1 đến hết tuần để phòng tránh Covid, nhiều thầy cô giáo bất an.

Giáo viên lo sợ vì học sinh lại phải nghỉ học, lo sợ nếu dịch lan nhanh (dù không muốn nghĩ đến điều này) thì “kịch bản” giáo viên tiếp tục hành trình đi đòi tăng giờ như năm học vừa qua sẽ tái diễn?

Hướng dẫn quy đổi tiết dạy của Bộ Giáo dục còn mơ hồ

Năm học 2019-2020, do dịch bệnh Covid bùng phát, các tỉnh thành trong cả nước đã cho học sinh nghỉ học tới trường. Do, thời gian nghỉ dài ngày nên Bộ giáo dục kêu gọi các trường học thực hiện việc ngừng đến trường nhưng không ngừng học.

Để tính toán ngày giờ công cho giáo viên trong thời gian học sinh không đến trường nhưng giáo viên vẫn làm việc, Bộ Giáo dục đã ban hành Công văn số 1366/BGDĐT-NGCBQLGD V hướng dẫn một số nội dung về chế độ làm việc, nghỉ hè đối với giáo viên trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 năm học 2019- 2020.

Công văn có yêu cầu các trường quy đổi tiết dạy, tuy nhiên do không có một công thức quy đổi cố định nhiều địa phương đã rất lúng túng trong chuyện thực hiện quy đổi.

Do không có công thức quy đổi cố định nên mỗi trường làm một nẻo sẽ không có sự thống nhất.

Ví như trong thời gian học sinh nghỉ học, giáo viên vẫn lên trường làm việc như trực trường, dọn vệ sinh, bình chọn sách giáo khoa, họp chuyên môn, lên kế hoạch giao bài cho học sinh hằng ngày, lên phân phối chương trình, rút gọn, giảm tải kiến thức (do chương trình VNEN nên Bộ không giảm tải)…

Trường thì nói quy đổi kiểu này, trường lại bảo phải quy đổi kiểu kia mới hợp lý dẫn đến số tiết khi thừa, khi lại thiếu.

Do bất cập như thế nên hầu như các trường học đều không làm. Và hậu quả là tiền dạy tăng giờ của giáo viên đã không được nhận.

Bộ Giáo dục cần đưa ra công thức quy đổi tiết dạy cho giáo viên làm việc trong thời gian phòng chống dịch

Giáo viên, cán bộ quản lý cấp phòng, sở ở nhiều địa phương đều mong muốn Bộ Giáo dục cần có hướng dẫn cụ thể.

Thứ nhất, cách tính số tuần thực học, thực dạy của giáo viên mùa dịch như việc dạy vượt quy định tuần nào được thanh toán thù lao tuần đó, không thể lấy tiết quy định của năm bình thường áp vào năm học có dịch bệnh để tính.

Thứ hai, cần có công thức quy đổi rõ ràng cho từng công việc như lên kế hoạch dạy, phụ đạo, giao bài về nhà, chấm chữa bài cho học sinh quy ra bao nhiêu tiết? Lên trường làm các công việc để chuẩn bị an toàn cho việc dạy…tính bao nhiêu tiết?

Từ công thức chung, nhà trường mới có đủ cơ sở để quy đổi tiết dạy trong thời gian không dạy ở trường mà là dạy ở nhà cho giáo viên, tránh tình trạng giáo viên phải bức xúc, khiếu nại như hiện nay dẫn đến chán nản trong công việc và mất lòng tin với ngành.

Tài liệu tham khảo:

https://tuoitre.vn/quang-ninh-cho-toan-bo-sinh-vien-hoc-sinh-nghi-hoc-kich-hoat-chong-dich-muc-cao-nhat-20210128070859777.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết