Những việc cần làm ở trường học 2 buổi/ngày sau mùa dịch

03/05/2020 07:52
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Chương trình tinh giản để thỏa mãn thời gian kết thúc năm học còn muốn nâng chất lượng dạy và học buộc phải có thời gian phụ đạo thêm cho học sinh.

Kể từ thời điểm sau Tết Nguyên đán đến nay, học sinh cả nước đã nghỉ học gần 3 tháng.

Hiện đã có khá nhiều tỉnh thành thông báo cho học sinh đi học lại vào ngày 3/5 sắp tới.

Sau mùa dịch, giáo viên phải tăng cường, nỗ lực mới mong bù đắp được kiến thức cho học sinh (Ảnh minh họa: Báo Tài nguyên&Môi trường)
Sau mùa dịch, giáo viên phải tăng cường, nỗ lực mới mong bù đắp được kiến thức cho học sinh (Ảnh minh họa: Báo Tài nguyên&Môi trường)

Để trường học tổng kết vào ngày 15/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tinh giản nội dung kiến thức giảng dạy ở trường, đưa một số kiến thức trùng lắp vào hoạt động tự học có hướng dẫn ở nhà.

Tuy thế, điều lo lắng nhất của phụ huynh, của giáo viên vẫn là chất lượng học tập của các em học sinh sau một kỳ nghỉ quá dài.

Thuận lợi cho trường học 2 buổi/ngày sau mùa dịch

Nếu học sinh trở lại trường vào ngày 4/5, tính đến ngày kết thúc năm học sẽ là 15/7 thì sẽ còn có 11 tuần thực học. Trong khi tiểu học phải còn khoảng 14 tuần, bậc trung học còn 16 tuần kiến thức.

Hiện nhiều trường học 2 buổi/ngày đã lên kế hoạch giảng dạy sau mùa dịch. Cụ thể, học sinh vẫn sẽ học đủ kiến thức và sẽ không tinh giản chương trình.

Những việc cần làm ở trường học 2 buổi/ngày sau mùa dịch ảnh 2
Thời gian để thực hiện chương trình học kỳ II tinh giản ra sao?

Buổi sáng, các em vẫn học đủ 25 tiết/tuần, buổi chiều có 15 tiết sẽ được dạy những kiến thức được tinh giản và củng cố cho học sinh những kiến thức đã bị hổng trong thời gian nghỉ dài.

Riêng một số môn học như âm nhạc, thể dục, thủ công…sẽ học theo tinh giản của Bộ.

Thời gian còn lại dành cho giáo viên chủ nhiệm tăng cường phụ đạo thêm 2 môn toán và tiếng Việt.

Hơn bao giờ hết, vai trò của giáo viên chủ nhiệm có tác động rất lớn trong việc giúp học sinh lấy lại kiến thức.

Khó khăn nhiều cho trường học 1 buổi/ngày

Do thiếu phòng học nên nhiều địa phương vẫn đang dạy 1 buổi/ngày cho học sinh cả 3 cấp học.

Trong thời gian vừa qua, nhiều trường đã dạy online, đưa bài về tận nhà cho học sinh. Nhưng theo ghi nhận phản ánh từ đồng nghiệp, hiệu quả thu được từ những hình thức học này cũng chẳng được bao nhiêu.

Với những học sinh có tinh thần tự học cao thì dù không đến trường, các em vẫn chủ động tìm cách để học qua mạng, qua sách vở, hỏi thầy cô, người thân…

Nhưng gặp em lười học thì bài có đưa đến tận tay, day vào tận mặt cũng chẳng thèm ngó chứ nói gì là học.

Chương trình tinh giản để thỏa mãn thời gian kết thúc năm học còn muốn nâng chất lượng dạy và học buộc phải có thời gian phụ đạo thêm cho học sinh.

Giải pháp nào tăng cường chất lượng học sinh ở trường học 1 buổi/ngày?

Những việc cần làm ở trường học 2 buổi/ngày sau mùa dịch ảnh 3
Những nỗ lực để “tạm dừng đến trường, không dừng học”

Bởi thế, việc dạy phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức cho các em sau khi trở lại trường chắc chắn sẽ không tránh khỏi.

Nhưng trường học 1 buổi/ngày thì lấy phòng đâu để dạy tăng tiết? Đây chính là khó khăn mà nhiều trường dạy một buổi đang phải đối mặt.

Bậc tiểu học chỉ học 5 buổi/tuần, bậc học trung học học 6 buổi/tuần. Bởi thế, để tăng thêm thời lượng kèm cặp, phụ đạo học sinh buộc phải học vào 2 ngày nghỉ cuối tuần.

Dạy tăng tiết, tăng cường thời gian phụ đạo cho học sinh không phải giáo viên nào cũng phải làm, phần lớn chỉ tập trung vào giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy những môn chủ lực như toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, lý, hóa…

Có những giáo viên rất nhiệt tình, luôn tận tâm với học sinh. Nhưng cũng có những thầy cô lại chi li tính toán kể cả chút thời gian dành thêm cho học trò.

Nhà trường không có quyền phân công thầy cô dạy tăng tiết mà không có thù lao. Nhưng, trả thù lao lại chẳng có nguồn. Bởi thế, chủ yếu chỉ là vận động, động viên tinh thần giúp thêm ngày giờ công là chính.

Trong thực tế, trường học nào hiệu trưởng thu phục được nhân tâm thì trường đó giáo viên bỏ thêm công sức của mình ra bao nhiêu cũng không tính toán.

Ngược lại, hiệu trưởng đã mất lòng giáo viên thì khó mà huy động sức mạnh của tập thể trong mọi chuyện.

Và đây sẽ là thời điểm, để các đoàn thể trong nhà trường cùng phát huy triệt để vai trò của mình trong việc vận động giáo viên, hỗ trợ thêm ngày giờ công.

Một sự quyết tâm, đồng lòng từ tập thể, có thế mới chăm lo chất lượng học tập, giáo dục cho học sinh một cách tốt nhất.

Thảo Ly