Dự thảo Luật GDĐH: Phân tầng đại học không giống ai?

13/06/2012 06:03
Xuân Trung
(GDVN) - Trước khi trình Quốc hội biểu quyết về dự thảo Luật GDĐH sắp tới, các chuyên gia nhận định, dự thảo chưa có “độ chín” và còn nhiều điều đáng bàn, chưa nên vội vàng thông qua.
“Phân tầng” hay “đa dạng hóa”?
Tại Điều 8 của Dự thảo Luật GDĐH được trình Quốc hội vừa qua có nói về phân tầng các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), trong đó có đưa ra bốn tiêu chí để phân tầng GDĐH như sau: “Vị trí, vai trò trong hệ thống giáo dục đại học. Quy mô, cơ cấu và trình độ đào tạo. Cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ và chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Điều đáng nói, dựa trên các tiêu chí này Chính phủ sẽ ban hành khung xếp hạng các cơ sở GDĐH và tiêu chuẩn của từng hạng trong khung xếp hạng”. 

Trong khi đó, tiếp tục nêu “Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng; trên cơ sở kết quả xếp hạng quyết định kế hoạch đầu tư trọng điểm và cơ chế quản lý đặc thù đối với các đại học quốc gia, đại học vùng, trường đại học phù hợp với nhu cầu nhân lực và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong từng giai đoạn”. 

Điều đó được cho là cách làm mà nói như TS Vũ Thị Phương Anh (Trưởng phòng Quản lý khoa học và Quan hệ quốc tế - Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) là “không giống ai”.

TS Vũ Thị Phương Anh cho rằng, dự thảo luật GDĐH hiện nay chưa đủ độ chín để Quốc hội thông qua. Ảnh Xuân Trung
TS Vũ Thị Phương Anh cho rằng, dự thảo luật GDĐH hiện nay chưa đủ độ chín để Quốc hội thông qua. Ảnh Xuân Trung

TS Vũ Thị Phương Anh đồng ý với việc phân tầng nhưng cụ thể về cách làm như trên là chưa hợp lý. Theo TS Phương Anh, tại các nước Chính phủ không tham gia vào việc xếp hạng sâu như vậy. “Theo tôi, Điều 8 nên bỏ ra vì thấy bất hợp lí, vừa bất công và không giống ai. Không giống ai ở chỗ không có nước nào trên thế giới mà nhà nước lại can thiệp vào xếp hạng sâu như vậy, xếp hạng phải là toàn dân, của toàn xã hội họ lựa chọn và họ đánh giá, người tiêu dùng giáo dục họ cảm nhận và họ xếp hạng mình. Đấy là phản hồi và nó thay đổi theo năm”, TS Phương Anh nhận định.

Điều này dẫn đến một bất công lớn tới các trường,  thực tế cho thấy sứ mạng các trường rất đa dạng, có trường thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, trường giảng dạy, trường phục vụ cộng đồng, do vậy không trường nào hơn trường nào về nghĩa đóng góp cho xã hội. 

“Hiện nay chúng ta nói chữ phân tầng nghĩa là có cao và thấp. Tôi lại liên tưởng tới hệ thống đẳng cấp của Ấn Độ, người sinh ra làm Tu sĩ sẽ suốt đời ăn trên ngồi chốc. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo 'dán'vào một 'mác' như thế sau này các trường sẽ không tự chủ được, vì theo nghĩa đó trường nào xếp hạng thấp sẽ tự chủ ít, đầu tư ít thì không thể khuyến khích phát triển được, trong khi mỗi trường có một sứ mạng riêng. Các sứ mạng đều phải quan trọng như nhau, mình dùng chữ 'phân từng' là một cách nói nhưng thực ra là 'đa dạng hóa hệ thống đại học' thì đúng hơn, không nên dùng chữ phân tầng”, TS Phương Anh đề xuất.

Dự thảo Luật GDĐH sắp tới nếu được Quốc hội thông qua mà không có điều chỉnh, theo TS Phương Anh hệ lụy của nó sẽ làm cản trở sự phát triển cả hệ thống GDĐH của đất nước. Không những ảnh hưởng lớn tới các trường ĐH NCL mà còn trực tiếp ảnh hưởng tới các trường được coi là “con cưng” bấy lâu nay, vì ỉ nại vào mác “con cưng” nên làm dở vẫn được nhà nước “ưu ái”. 

Ảnh minh họa Internet
Ảnh minh họa Internet

Có sự không logic ở đây, trong Điều 8 đã có các tiêu chí phân tầng các cơ sở GDĐH, vậy có cần đến “khung xếp hạng” và “tiêu chuẩn của từng hạng” nữa không? Bản chất của phân tầng và xếp hạng hoàn toàn khác nhau. Phân tầng thường theo vị trí và vai trò (sứ mạng) của cơ sở GDĐH. Phân tầng cơ sở GDĐH có thể thực hiện theo giai đoạn hoặc theo chu kỳ từ 5-10 năm. Xếp hạng được dựa trên chất lượng đầu ra (sản phẩm) và phải được thực hiện hàng năm để công bố thứ hạng của từng cơ sở GDDH. Các cơ sở GDĐH không cùng “một tầng” thì không thể xếp cùng hạng. Nhưng điều đó không có nghĩa là “tầng trên cao hơn, hoặc quan trọng hơn tầng dưới”. Dự thảo Luật không nói rõ “tổ chức nào sẽ đứng ra thực hiện việc xếp hạng?”. Vì vậy để thực hiện được Luật này, sẽ lại phải chờ đợi các hướng dẫn thực hiện. 
Quản lý tài chính trong dự thảo chưa rõ ràng
Tại Điều 67 của dự thảo về Quản lý tài chính của cơ sở giáo dục đại học có nói: Dành ít nhất 25% để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học, cho các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội. Phần này được miễn thuế.

Theo TS Vũ Thị Phương Anh quy định trên nói miễn thuế là tốt. Tuy nhiên, sau đó sẽ “đẻ” ra tài sản tích lũy (nhà đầu tư sau khi bỏ ra phần lời sẽ phải bỏ vào ít nhất là 25% số vốn, sau nhiều năm sẽ thành một khối tài sản, khối đó gọi là khối tài sản tích lũy). 

TS Phương Anh cho rằng, đây là khối tài sản chung không chia, quản lí theo nguyên tắc bảo toàn phát triển, như vậy tài sản không có ai sở hữu sẽ thành khối tài sản ngày càng lớn và không rõ ràng. Và nhìn nhận ở vấn đề “không sáng sủa” này các đầu tư so với ngành nghề khác chắc chắn sẽ không đầu tư vào giáo dục vì khối tài sản càng lớn thì nhà đầu tư càng mất.

“Khối tài sản chung không chia này có thể có người nào đó như hiệu trưởng, công đoàn họ đại diện pháp lí và quyết định họp Hội đồng quản trị định ra hai khối tài sản: Khối tài sản vốn ban đầu, đối với khối này nhà đầu tư nhiều sẽ có tiếng nói nhiều, khi tài sản tích lũy to lên thì người đại diện cho khối tài sản đó sẽ to hơn người đầu tư, như vậy nhà đầu tư không còn tiếng nói, họ nhìn thấy điều đó nên họ sẽ rút ra. Do vậy khối tài sản tích lũy vẫn phải phân biệt sở hữu, vì tài sản tích lũy có thể do người khác hiến tặng. Tài sản tích lũy cũng phải chia làm ba loại sở hữu: Do xin được (phần này không được chia), Nhà nước có thể đầu tư như đất (không được bán), nhưng nếu nhà đầu tư mua đất, mua nhà thì lúc đó vốn đầu tư phải tăng theo tỉ lệ, lúc này vốn của họ tăng lên thì phải được chia theo tỉ lệ đó”, TS Phương Anh băn khoan tại điều khoản chưa được nêu rõ ràng về tài chính. 

Một điều phải thấy rõ trước khi dự thảo Luật GDĐH được trình Quốc hội cũng đã có rất nhiều ý kiến phản biện được đưa ra, hầu hết đều nhận định dự thảo chưa có độ chín để áp dụng vào hệ thống GDĐH của chúng ta. Sắp tới Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo  luật này liệu rằng những nội dung mà các chuyên gia băn khoăn sẽ có được bước ngoặt đáng kể để giúp hệ thống GDĐH Việt Nam phát triển?
Xuân Trung