Giáo sư Nguyễn Minh Hiển: Có việc mà không phải chạy, người tài sẽ vào sư phạm

01/06/2018 07:58
Thùy Linh
(GDVN) - Sức hấp dẫn của ngành sư phạm không dừng ở việc được miễn học phí nữa, mà quan trọng hơn là tìm được việc làm và có được mức lương thỏa đáng.

Trong nội dung sửa đổi của Luật Giáo dục đối với chính sách miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:

Theo quy định hiện hành, học sinh, sinh viên sư phạm không phải đóng học phí, kinh phí thực hiện chính sách không thu học phí sư phạm được ngân sách cấp bù cùng với kinh phí chi thường xuyên của cơ sở giáo dục, tuy nhiên còn nhiều học sinh, sinh viên sư phạm ra trường không làm đúng ngành giáo dục, dẫn đến chính sách hỗ trợ của nhà nước không hiệu quả. 

Đồng thời chính sách này không còn phù hợp với xu hướng tự chủ hiện nay của các trường đại học nói chung và các trường sư phạm nói riêng, không thúc đẩy các trường sư phạm tích cực, chủ động khai thác nguồn thu để tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo do phụ thuộc tâm lý chờ đợi ngân sách bao cấp, cấp bù học phí sư phạm.

Sức hấp dẫn của ngành sư phạm không dừng ở việc được miễn học phí nữa, mà quan trọng hơn là tìm được việc làm và có được mức lương thỏa đáng. (Ảnh minh họa: Vietnam+)
Sức hấp dẫn của ngành sư phạm không dừng ở việc được miễn học phí nữa, mà quan trọng hơn là tìm được việc làm và có được mức lương thỏa đáng. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Vì vậy, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi không quy định miễn học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm: học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học, …

Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.

Liên quan đến chính sách này, Giáo sư Nguyễn Minh Hiển - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ:

Giáo sư Nguyễn Minh Hiển: Có việc mà không phải chạy, người tài sẽ vào sư phạm ảnh 2Sinh viên sư phạm cần nghề chứ không cần miễn học phí

“Trong Luật Giáo dục ban hành năm 1998 có quy định, học sinh, sinh viên các trường sư phạm không phải đóng học phí.

Quy định này đã có tác dụng nhất định trong việc thu hút học sinh giỏi thi vào các trường sư phạm và góp phần đào tạo được đội ngũ giáo viên phổ thông có chất lượng.

Tuy nhiên, từ đó đến nay đã 20 năm, đã có nhiều thay đổi trong xã hội và trong hệ thống sư phạm, việc thực hiện quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, làm cho tác dụng của nó đang bị hạn chế dần.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng, cũng đã đến lúc cần phải xem xét để thay đổi quy định này”. 

Giáo sư Nguyễn Minh Hiển cho rằng, đề xuất của Ban soạn thảo là học sinh, sinh viên các trường sư phạm được vay một khoản tiền nhất định từ quỹ tín dụng để đóng học phí và chi trả một phần sinh hoạt phí cho toàn bộ khóa học.

Sau này, nếu tốt nghiệp, ra công tác trong ngành Giáo dục đủ thời gian quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm. Còn nếu không thì đương nhiên sẽ phải hoàn trả khoản vay này.

Quy định như vậy là hợp lý, vừa đảm bảo được ưu tiên cho những người theo đuổi nghề sư phạm (thực chất là vẫn được miễn học phí và các ưu đãi khác), vừa nâng cao được hiệu quả chính sách ưu đãi của nhà nước, đảm bảo sự công bằng.

Tuy nhiên khi phóng viên hỏi về đánh giá sự thay đổi sẽ tác động thế nào đến chất lượng đào tạo sư phạm trong thời gian tới thì nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói: 

Tôi chưa dám đưa ra các dự báo.

Vì có một thực tế là hiện nay, đối với nhiều học sinh, sinh viên giỏi và gia đình họ, sức hấp dẫn của ngành sư phạm không dừng ở việc được miễn học phí nữa, mà quan trọng hơn là tìm được việc làm và có được mức lương thỏa đáng.

Theo tôi, đây mới là cốt lõi của vấn đề mà chúng ta cần giải quyết”

Thùy Linh