Giáo viên dạy chương trình VNEN sẽ không bỡ ngỡ khi tiếp cận chương trình mới

12/12/2019 06:38
Phan Tuyết
(GDVN) - Việc làm khẩn thiết nhất chính là việc trang bị thêm cơ sở vật chất để giảm sĩ số học sinh trong mỗi lớp học, ít nhất phải đưa về sĩ số theo quy định 35 em/lớp

Theo lộ trình, chỉ còn mấy tháng nữa là chương trình mới bắt đầu được triển khai ở khối lớp 1 trong năm học 2020-2021.

Giáo viên đang nghiệm thu sản phẩm của học sinh ở các nhóm (Tiết học theo mục tiêu phát triển năng lực của học sinh tại Trường Tiểu học Tân Bình thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận. Ảnh Phan Tuyết)
Giáo viên đang nghiệm thu sản phẩm của học sinh ở các nhóm (Tiết học theo mục tiêu phát triển năng lực của học sinh tại Trường Tiểu học Tân Bình thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận. Ảnh Phan Tuyết)

Chương trình được kỳ vọng sẽ thay đổi cách dạy, cách học của giáo viên và học sinh. Đây là sự chuyển đổi từ việc truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực học sinh. Cụ thể là chuyển đổi từ "biết" sang "làm" như mục tiêu của chương trình đề ra.

Khá nhiều người tò mò không biết việc dạy và học theo chương trình mới sẽ thế nào?

Bóng dáng của chương trình VNEN?

Chương trình VNEN hiện đang được áp dụng ở nhiều tỉnh thành cũng chú trọng việc phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Giáo viên không còn phải áp dụng phương pháp truyền thụ kiến thức theo kiểu đọc-chép mà tổ chức cho học sinh các hoạt động dạy học để các em tự khám phá kiến thức.

Mỗi bài học được quy định với 4 phần cơ bản là mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, và vận dụng.

Giáo viên đóng vai trò là người quan sát, học sinh tự làm những nhiệm vụ mà thầy cô giao, từ những nhiệm vụ với kiến thức đơn giản đến những kiến thức khó, nâng cao hơn.

Giáo viên dạy chương trình VNEN sẽ không bỡ ngỡ khi tiếp cận chương trình mới ảnh 2
Sĩ số lớp học quá đông sẽ rất khó thực hiện việc đổi mới giáo dục

Sau khi tự mình khám phá, các em trao đổi với bạn bên cạnh và nghe bạn nói.

Sau đó, chia sẻ kết quả của mình với các bạn cùng nhóm để đi đến thống nhất một kết quả đúng.

Trong quá trình học sinh thảo luận, chia sẻ, giáo viên chỉ đóng vai trò quan sát, giúp đỡ khi các em cần sự hỗ trợ. Những nhóm làm xong, giáo viên sẽ kiểm tra và ghi nhận kết quả (nếu đúng).

Nếu thiếu, chưa đủ hay chưa chính xác thì thầy cô sẽ hướng dẫn, giảng giải lại để đưa ra kiến thức chuẩn cần tìm cho các em nắm lại.

Còn trong chương trình mới, mặc dù chưa có sách giáo khoa, chưa được dự một tiết học nào nhưng theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học cho biết:

Sách giáo khoa, mỗi bài học cũng được quy định với 4 phần cơ bản là mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng; tương ứng với các hoạt động học sẽ được tổ chức cho học sinh thực hiện.

Yêu cầu cần đạt trong các chủ đề của chương trình mới đều thể hiện rõ học sinh phải làm được gì với kiến thức được trang bị trong chủ đề đó.

Vì vậy, nội dung và phương pháp dạy học trong mỗi chủ đề đều phải đáp ứng yêu cầu này.

Cụ thể: Để học sinh được phát triển phẩm chất năng lực thì giáo viên phải tổ chức cho học sinh hoạt động. Học sinh sẽ phải tự làm những nhiệm vụ mà giáo viên giao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp; rồi phải nói với bạn về những việc mình đã làm được; phải nghe bạn nói về việc mà bạn đã làm... {1}

Giáo viên dạy chương trình VNEN sẽ không bỡ ngỡ khi tiếp cận chương trình mới

Cách dạy học theo chương trình VNEN và yêu cầu dạy học của chương trình mới (theo lời của Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học) sẽ chẳng có gì khác nhau.

Bởi thế, giáo viên đã và đang dạy học theo mô hình trường học mới VNEN sẽ có nhiều lợi thế khi chương trình mới được đưa vào áp dụng.

Những thầy cô giáo này sẽ không bỡ ngỡ, xa lạ với cách dạy học phát triển năng lực.

Thế nhưng, chính vì quá hiểu rõ phương pháp dạy học này nên điều làm giáo viên chúng tôi lo lắng và băn khoăn nhất chính là phòng học và sĩ số học sinh hiện nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học theo chương trình mới.

Nhiều nơi điều kiện vật chất và sĩ số học sinh chưa đảm bảo dẫn đến mục tiêu đề ra của chương trình mới khó đạt

Giáo viên dạy chương trình VNEN sẽ không bỡ ngỡ khi tiếp cận chương trình mới ảnh 3
Nếu sĩ số lớp 1 vẫn gần 60 em nhất định không thể triển khai chương trình mới

Tại tỉnh Bình Thuận hiện nay, sĩ số học sinh ở các trường tiểu học được xem là đạt chuẩn với 35 học sinh/lớp.

Thế nhưng nhiều phòng học có diện tích dưới 50 mét vuông nên khi lớp học được kê thành 6 nhóm thì không còn một chỗ hở để học sinh, giáo viên có thể đi lại.

Khi triển khai các hoạt động dạy học, học sinh thì ngồi nhóm san sát nhau, giáo viên vô cùng khó khăn khi di chuyển từ nhóm này đến nhóm khác.

Thế mà nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt ở một số thành phố lớn như Bình Dương, Hà Nội, Biên Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh…sĩ số lớp học lên đến hơn 50 học sinh, có nơi còn hơn 60 em, cá biệt còn gần chạm ngưỡng 70 em/lớp.

Phòng học nhỏ, số lượng học sinh lại quá đông như thế, chúng tôi chắc chắn rằng để dạy học theo yêu cầu phát triển năng lực chắc chắn giáo viên sẽ không thể nào thực hiện được.

Vì học sinh đông như thế, tổ chức sinh học tập theo nhóm giáo viên không thể có đủ thời gian đi hết nhóm này đến nhóm khác kiểm tra. Ngay cả việc chỉ ổn định trật tự cũng sẽ mất khá nhiều thời gian.

Chúng tôi sợ rằng, giáo viên lại phải quay về phương pháp dạy học truyền thống như thầy giảng trò nghe, thầy đọc, trò chép. Và nếu như thế thì mục tiêu đổi mới chương trình mà chúng ta đã đổ bao công sức, tiền của sẽ trở nên vô ích.

Việc làm khẩn thiết nhất hiện nay, chính là việc trang bị thêm cơ sở vật chất để giảm sĩ số học sinh trong mỗi lớp học, ít nhất phải đưa về sĩ số theo quy định 35 học sinh/lớp (mặc dù với sĩ số này, vẫn là khá cao so với sĩ số học sinh của một số nước có nền giáo dục phát triển).

Tài liệu tham khảo:

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/hoc-sinh-chuyen-tu-biet-sang-lam-nhu-the-nao-trong-chuong-trinh-moi-4052037-t.html{1}

Phan Tuyết