Liên tục trong nhiều tháng qua, gần 3000 giáo viên hợp đồng tại Thành phố Hà Nội gửi đơn kêu cứu lên các cấp.
Mặc dù Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo thế nhưng vấn đề này vẫn đi vào “ngõ cụt”.
Nguyên do: Mặc dù đã có hướng mở xét đặc cách cho số giáo viên hợp đồng đáp ứng 4 điều kiện:
Có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí làm việc
Yêu cầu trình độ đào tạo Đại học trở lên tại vị trí việc làm cần tuyển dụng
Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Tại sao Bộ Chính trị chỉ đạo mà giáo viên hợp đồng vẫn chưa được đặc cách? |
Người ký hợp đồng theo đúng quy định pháp luật làm công tác chuyên môn nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Chiếu theo điều kiện này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cũng trả lời thẳng thừng: Gần 3000 giáo viên hợp đồng không ai có đủ điều kiện để xét đặc cách.
Điều này chẳng khác nào gáo nước lạnh tắt ngấm hy vọng của số giáo viên trên.
Chính vì thế sau khi ông Nguyễn Đình Hoa – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội đã trả lời tường tận về lý do không có giáo viên hợp đồng nào của Hà Nội được xét tuyển đặc cách.
Giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn lại tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên Bộ Nội vụ và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Thầy Đặng Đình Thịnh, thay mặt cho 256 giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn nói:
“Khi chúng tôi biết Bộ Chính trị có chủ trương xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng, tập thể giáo viên hợp đồng tại Hà Nội cảm thấy rất vui mừng trước quyết định nhân văn này.
Tuy nhiên một vài ngày sau ông Hoa lại nói không có giáo viên nào đủ điều kiện để xét đặc cách. Điều này khiến chúng tôi vô cùng buồn và thất vọng.
Mặc dù lãnh đạo thành phố đã nhiều lần khẳng định chắc như đinh đóng cột nhưng gần 3000 con người lại không có một ai đủ điều kiện để xét đặc cách. Vì thế chúng tôi mong các lãnh đạo có cơ chế tháo gỡ vướng mắc để chúng tôi yên tâm công tác”.
Đơn kiến nghị của giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn (Ảnh:V.N) |
Trong nội dung đơn của tập thể giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có đoạn:
“Nhờ sự quan tâm và chỉ đạo của Qúy vị lãnh đạo (Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội), vụ việc của chúng tôi đã nhận được ý kiến chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền như sau:
Đích thân đồng chí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội – Nguyễn Đức Chung chỉ đạo 3 lần tại các buổi họp giao ban, họp Hội đồng Nhân dân, trả lời với báo chí với ý kiến chính thức: Hà Nội sẽ tổ chức xét tuyển đặc cách đối với giáo viên hợp đồng lâu năm có bảo hiểm xã hội của huyện Sóc Sơn đồng thời giao cho các Sở, phòng, ban chuyên môn nghiên cứu lập phương án xét tuyển đặc cách”.
Bên cạnh đó giáo viên hợp đồng Sóc Sơn cũng viện dẫn nhiều tài liệu, văn bản có nhắc đến chủ trương xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng lâu năm như công văn 9028 của Bộ Chính trị và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ.
Tóm lược lại, giáo viên hợp đồng Sóc Sơn đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện 2 vấn đề:
Tạm ngừng kỳ thi tuyển viên chức dự kiến được tổ chức từ ngày 15/10/2019 để giải quyết dứt điểm khiếu nại của giáo viên hợp đồng.
Chờ văn bản hướng dẫn xét đặc cách của Bộ Nội vụ và xét tuyển đặc cách cho giáo viên hợp đồng theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng, Bộ Nội vụ, và theo chỉ đạo của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Hai đề nghị của giáo viên hợp đồng Hà Nội (Ảnh:V.N) |
Theo như phản ánh, tình trạng hiện nay của nhiều giáo viên hợp đồng tại một số Quận, huyện, thị xã rất khó khăn.
Đơn cử giáo viên hợp đồng tại Ba Vì, thị xã Sơn Tây và một số huyện khác đã bị cho thôi việc.
Trong khi đó giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức vẫn chưa được giải quyết chế độ bảo hiểm và lương theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Một ý kiến rất đáng lưu tâm: Mặc dù Bộ Chính trị đã có chỉ đạo xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng lâu năm tuy nhiên theo những gì phản ánh sẽ khó có một trường hợp giáo viên nào được xét đặc cách.
Bởi, ngay tại Hà Nội đã không có giáo viên nào đáp ứng và đủ điều kiện thì tại các tỉnh, thành phố khác, khe cửa dành cho các giáo viên hợp đồng lâu năm vẫn rất hẹp.
Đặt mình vào hoàn cảnh của số giáo viên hợp đồng này mới thấy họ đã phải mệt mỏi đấu tranh không ngừng nghỉ cho quyền lợi của mình.
Thầy Thịnh tâm sự: “Tôi năm nay cũng đã 54 tuổi rồi chỉ còn 6 năm nữa là mình kết thúc công việc. Từng ấy tuổi rồi mà vẫn phải đi đấu tranh cho danh dự của người giáo viên.
Câu chuyện này không chỉ đơn giản vì công việc mà nó còn là cái nhìn của xã hội cũng như danh dự của chúng tôi”.
Điều duy nhất vướng mắc hiện nay đó chính là điều kiện thứ 4: Người làm việc trong các đơn vị công lập tự chủ tài chính.
Không biết thời gian tới Chính phủ, Bộ Nội vụ và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có những điều chỉnh hoặc hướng ưu tiên gì dành cho giáo viên hợp đồng hay không?
Nhưng thực sự tình cảnh của một số giáo viên hợp đồng lâu năm hiện nay đang rất khó khăn.