Có thể nói, từ trước đến nay chưa có văn bản nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành, nhận nhiều ý kiến trái chiều của dư luận như Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020.
Bạn chỉ cần gõ vào Google cụm từ “công văn 5512” bạn có ngay 419.000 kết quả trong vòng 0.44 giây. Con số đó đã nói lên nhiều điều về “sức nóng” của công văn 5512 với xã hội.
Với nhà giáo, bài viết “Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH như cơn mưa xóa tan "nắng hạn" mẫu giáo án 5512” đã nhận được gần 1 triệu lượt đọc, cho dù Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH chẳng phải cơn mưa rào mà chỉ là “mưa bóng mây” vì “Bộ chưa sửa đổi, thay thế Công văn 5512 theo Nghị định 30 giáo viên chưa yên tâm”.
Giáo viên phải "sống chung" với Công văn 5512? (Ảnh minh hoạ: Hoatieu.vn) |
Giáo viên phải "sống chung" với Công văn 5512?
Hiện nay, không phải tất cả các địa phương đã triển khai Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH, điều này cũng nói lên một điều, Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH chưa được tất cả các địa phương trên cả nước nhiệt tình ủng hộ?
Để triển khai đầy đủ Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH, giáo viên phải thực hiện bồi dưỡng xong mô-đun 4, nên các địa phương chưa học xong mô-đun 4 đã triển khai Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH là hơi... vội vàng.
Nói cách khác, Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH chi phối chương trình Bồi dưỡng chương trình 2018, cho giáo viên trên cả nước.
Vì thế, theo người viết, sẽ không có chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản thay thế Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH, dù Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH là hình thức, giáo viên sẽ mua bán xin cho các loại Kế hoạch theo phụ lục IV để đối phó.
Nếu bỏ Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH đồng nghĩa với việc hàng triệu giáo viên đã khổ công tập huấn Bồi dưỡng chương trình 2018 sẽ... đổ xuống sông xuống biển.
Theo người viết, chắc chắn giáo viên phải sống chung với Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH, dù muốn hay không muốn!
Kể cả khi giáo viên phản ánh “Công văn 5512 trở thành vật cản đầu tiên khi thực hiện chương trình mới”, Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH là “lũ” thì bạn cũng phải... sống chung với lũ.
Vì thế, giáo viên chúng ta phải chấp nhận các phụ lục trong Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH là “tài liệu tham khảo”, thấy phù hợp với “phong cách” của mình, phù hợp thực tế ở địa phương... thì áp dụng; cái gì hay thì áp dụng; nếu không thấy cái gì áp dụng được cho mình thì coi như không có... Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH.
Cách nào soạn Kế hoạch bài dạy theo phụ lục IV nhưng vẫn ngắn?
Lũ là thiên tai, vậy mà chúng ta phải sống chung với lũ, nay phải "sống chung" với Công văn 5512 chắc cũng chẳng khó khăn lắm.
Thầy giáo H. (đề nghị không nêu tên) ở Vũng Tàu chia sẻ: “Ngay trang đầu giáo án mình đã “mã hóa” các phẩm chất, năng lực của học sinh.
Vì thế khi soạn bài, mình chỉ đánh số thứ tự 1, 2... theo trật tự đã “mã hóa”, bài soạn chỉ dành cho mình, nếu giáo viên khác không thuộc “mã hóa” của mình sẽ không biết.
Làm như thế sẽ giảm bớt được dung lượng bài soạn, nhưng vẫn rườm rà, vô ích. Nếu được đề xuất, mình cũng đề nghị bỏ công văn 5512 để tránh các cơ sở giáo dục gây áp lực cho giáo viên dù các phụ lục đã có hướng dẫn được coi là tài liệu tham khảo”.
Lũ lụt là thiên tai, văn bản là do con người soạn thảo. Văn bản chỉ có giá trị khi nó được áp dụng có kết quả nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nếu văn bản không có giá trị cho cuộc sống, là vật cản của sự tiến bộ xã hội, văn bản đó nên bỏ. Bỏ văn bản không có giá trị là bắt buộc, nhưng không được dừng lại ở đó, cần truy trách nhiệm người tư vấn ra văn bản ‘lũ’, làm bài học kinh nghiệm cho những người khác. Có như thế mới tránh được những văn bản mang tính chất ‘phòng máy lạnh’ xa rời thực tế, gây bức xúc xã hội.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.