Nói về gánh nặng chứng chỉ hiện nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà từng chia sẻ: "Hy vọng trong thời gian tới, các bộ, ngành sẽ đồng hành cùng Bộ Nội vụ sửa đổi các thông tư liên quan để sớm cởi bỏ triệt để gánh nặng chứng chỉ bồi dưỡng đối với hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức".
Ngay sau khi Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà ký văn bản số 2499/BNV-CCVC gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức thì việc học chứng chỉ ở các địa phương đã chững lại.
Giáo viên gần về hưu cần biết từ chối những lời mời học chứng chỉ (Ảnh minh họa: Thông tấn xã Việt Nam) |
Nhiều địa phương đã có công văn gửi về các trường yêu cầu tạm dừng việc liên kết với các cơ sở giáo dục mở lớp cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên các cấp.
Những thầy cô giáo chưa có chứng chỉ, cũng như những giáo viên đã có một chứng chỉ khá vui mừng trong tâm trạng chờ đợi đầy hy vọng cái chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vô lý kia sẽ được bỏ.
Thế nhưng, niềm vui chẳng tày gang, ước vọng mong chờ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp sẽ bị khai tử đã không xảy ra.
Ngày 18/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 89/2021, theo đó, chỉ còn lại 1 chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp dùng chung cho tất cả các hạng. Nghĩa là, giáo viên các cấp vẫn phải có một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
“Chợ” chứng chỉ bắt đầu khởi động
Không ai bắt buộc thì giáo viên vẫn phải tự tìm đến các cơ sở giáo dục được phép đào tạo chứng chỉ để đăng ký học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Bởi vì, không có chứng chỉ chức danh thì dù có đủ các điều kiện về bằng cấp, hay có đủ chứng chỉ khác, có đủ năng lực, phẩm chất thì những thầy cô giáo ấy cũng không được quyền dự thi hoặc xét thăng hạng.
Nắm được nhu cầu khá lớn của giáo viên, một số địa phương đã nhanh chóng mở lớp chiêu sinh về chứng chỉ.
Thường thì người ta chỉ quan tâm đến số lượng giáo viên đăng ký học chứng chỉ chứ không có chuyện hướng dẫn thầy cô giáo nào nên học chứng chỉ, giáo viên nào không cần học, không nên học để tránh lãng phí một số tiền.
Vẫn còn không ít giáo viên không nắm rõ thông tin về quy định nên cứ ngỡ địa phương mở lớp là phải đăng ký học ngay.
Vì thế, mới có chuyện thầy cô cầm được chứng chỉ sau khi đã đóng vài triệu đồng thì về cất đấy hoặc có được xét thăng hạng cũng chẳng được cải thiện đồng lương là bao.
Giáo viên nào không nên đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp?
Cô giáo Lê Thị T. ở Thanh Hóa hỏi rằng: “Tôi sinh tháng 10/1969 tăng bậc lương cuối cùng là 4,98 vào tháng 10/2021, nay sở đang có công văn đi học lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì có nên đi không?
Hay thầy giáo Văn H. ở Bình Thuận cũng hỏi rằng: “Hiện tôi đang ở hạng II cũ, hưởng hệ số lương 4.98 mà còn 2 năm nữa là về hưu. Vậy, tôi có nên đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để được giữ lại hạng II không?”
Có khá nhiều người tôi biết cùng chung thắc mắc như cô giáo T., thầy giáo H.
Tôi sẽ đi sâu phân tích cụ thể 2 trường hợp này để bạn đọc tiện theo dõi.
Trường hợp của cô giáo T. và thầy giáo H. không nên đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp bởi những lý do sau:
Học lấy được chứng chỉ sẽ mất một khoản học phí từ 2.300.000 đến 2.500.000 đồng. Cô giáo T. sẽ được tăng lương lần sau vào tháng 10/2024.
Nếu như cô có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và nếu địa phương có xét cho cô được giữ lại hạng II thì mức lương sẽ được tăng lên hệ số lương 5.02.
Nếu địa phương lại tổ chức thi thăng hạng mà không xét thì cô sẽ mất trắng số tiền đã đi học vì thi thăng hạng không hề đơn giản chút nào.
Còn không có chứng chỉ chức danh, thì đến tháng 10/2024 vẫn sẽ được hưởng mức lương 5% vượt khung.
Làm một phép so sánh nhỏ sẽ thấy được giữa hệ số lương 5.02 với hệ số 4.98 (có thêm 5% mức vượt khung) thì chẳng chênh lệch số tiền là bao.
Trường hợp thầy H. có chứng chỉ sẽ được điều chỉnh lên hệ số lương 5.02, và đây là mức lương cuối cùng thầy nhận được cho đến khi về hưu.
Còn nếu không có chứng chỉ thầy hệ số lương của thầy vẫn là 4.98, giữa 2 hệ số lương 4.98 và 5.02 chỉ chênh lệch khoảng vài chục ngàn đồng lại không phải tốn gần 3 triệu đồng học phí chứng chỉ.
Theo quy định, giáo viên phải có chứng chỉ mới được thăng hạng thì các thầy cô, đặc biệt là các giáo viên trẻ nên thực hiện vì sẽ có nhiều cơ hội chuyển hệ số lương. Tuy nhiên, những giáo viên đã lớn tuổi, sắp về hưu cần cân nhắc kỹ việc có nên đi học chứng chỉ hay không rồi hãy quyết định.
Đừng nên thấy nhà trường thông báo, thấy phòng, sở giáo dục gửi công văn, thấy đồng nghiệp hò nhau đi học chứng chỉ thì mình cũng đi. Cần tìm hiểu kỹ để đỡ phải mất thêm một khoản tiền vô ích.
Tài liệu tham khảo:
https://tuoitre.vn/bo-truong-pham-thi-thanh-tra-som-coi-bo-triet-de-ganh-nang-chung-chi-boi-duong-2022020109444164.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.