Giáo viên đổ xô đi học chứng chỉ
Ngày 2/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non đến trung học phổ thông công lập.
Việc ban hành các Thông tư lập tức trở thành tiêu điểm của dư luận giáo giới, nhiều giáo viên lo lắng và hầu hết đều mong muốn bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp bởi theo các thầy cô, bản thân loại chứng chỉ này không đánh giá đúng năng lực, thực lực giảng dạy của đội ngũ giáo viên hiện nay.
Vì lo lắng cho việc “giữ hạng, giữ lương”, giữ “bát cơm” của chính mình nếu vẫn muốn tiếp tục nghề giáo nên các thầy cô giáo đổ xô đi học chứng chỉ. Số giáo viên muốn giữ hạng thì học chứng chỉ để giữ hạng, số còn lại có điều kiện phù hợp thì học thăng hạng để phấn đấu được tăng lương theo quy định mới.
Vậy cuộc thi đua về năng lực, chuyên môn giảng dạy biến thành cuộc chạy đua đi học chứng chỉ để giữ và thăng hạng.
Điều này tương đương với việc giáo viên có lương cao tức là có “điều kiện” thăng hạng, giữ hạng “tốt” hơn so với những giáo viên có “điều kiện” thăng hạng, giữ hạng “kém” hơn chứ không hẳn do cống hiến của các giáo viên đó cho ngành giáo dục nhiều hơn, tâm huyết hơn.
Cũng chính vì được đánh giá năng lực, bậc lương qua loại chứng chỉ này nên mặc dù phải bỏ ra số tiền gần 3 triệu đồng, chưa kể công sức và thời gian thì các thầy cô vẫn phải “cố” để hoàn thành mặc dù biết hoàn thành xong chưa chắc đã cần thiết.
Bên cạnh đó, vì nhu cầu học của giáo viên tăng lên rất nhiều sau khi các Thông tư ra đời nên các trường, trung tâm tổ chức vô vàn lớp chiêu sinh bồi dưỡng chuẩn chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Các thầy cô giáo đã phải rất băn khoăn trong việc học hay không học để thăng hạng, giữ hạng lại thêm phần những băn khoăn nên học ở đâu, học bằng cách nào và thời gian như thế nào để hợp lý.
Nhu cầu là có thật và “đẻ” ra các “lò” đào tạo chứng chỉ gấp rút với nhiều cách thức học, các lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cũng là có thật. Dạy online 100%, thậm chí “hỗ trợ đầu ra” được các trường, trung tâm dùng để cam kết khi chiêu sinh, tuyển sinh.
Việc học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chưa bao giờ rộn ràng như tại thời điểm này. Chiêu sinh chính thống tại các cơ sở đào tạo, hay trong các hội, nhóm thông báo chiêu sinh các lớp chứng chỉ chức danh được “chào mời” tấp nập.
Thiết nghĩ, có người cần, có nhà cung cấp, chưa bao giờ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp - cái đang được sử dụng để đánh giá năng lực của các thầy cô lại dễ dàng mở lớp hơn lúc này. Hơn tất thảy, việc đăng ký học chứng chỉ, sở hữu loại chứng chỉ này không được mấy giáo viên tự nguyện, ủng hộ.
Gần 3 triệu đồng nhân lên với số lượng 1 triệu giáo viên đi học đồng nghĩa với việc tiêu tốn gần 3.000 tỷ đồng.
Trên các báo, các diễn đàn có rất nhiều ý kiến của giáo viên trên toàn quốc đều xin bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp bởi loại chứng chỉ này theo họ không thể đánh giá được năng lực, chuyên môn của giáo viên. Như vậy, các trung tâm, trường đại học vẫn mở lớp đều đặn, sôi nổi bởi vì người học không nhiệt tình vẫn phải học để dùng, để chuẩn bị, thậm chí học xong không biết để làm gì.
Việc mở các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hoàn toàn có lợi cho các trung tâm vì lượng học viên được cung ứng đều đặn với số lượng nhiều và phải chăng vì có lợi như thế nên dù bất lợi, dù không được đồng tình thì vẫn đang diễn ra sôi động như hiện nay?
Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là không cần thiết
Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải (là giáo viên nhiều năm tại trường cấp 3 Tây Thụy Anh, Đông Thụy Anh, tỉnh Thái Bình) cho biết: “Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không thể đánh giá năng lực, chuyên môn đứng lớp cũng như đạo đức nghề nghiệp của giáo viên hiện nay.
Việc bỏ ra số tiền hơn 2,5 triệu đồng để học một chứng chỉ không cần thiết trong chuyên môn giảng dạy không phải đối với giáo viên nào cũng dễ dàng. Đời sống giáo viên cũng rất vất vả, khó khăn, vậy tại sao phải quy định những loại chứng chỉ này để xét duyệt về năng lực, về bậc lương?”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Theo Tiến sĩ Khải, để một giáo viên theo học lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không chỉ tốn tiền bạc mà còn tốn thời gian, công sức. Kể cả việc dạy online thì vẫn rất mất thời gian. Nếu không mất thời gian hay công sức thì kết quả không chuẩn. Đã là một chứng chỉ không cần thiết, lại đào tạo không chuẩn thì sinh ra lãng phí sức người và tiền của vô cùng.
Cũng theo ông Khải, việc đào tạo năng lực, chuyên môn và đạo đức của giáo viên đã được đào tạo ở hệ đại học. Tức một giáo viên muốn hành nghề nhà giáo thì bắt buộc phải có những thực lực và phẩm chất trên ngay từ ban đầu.
Chuyên môn của giáo viên cần được bổ sung, học hỏi, phải qua rèn luyện và cống hiến, những thứ đó được tôi luyện từ ý chí phấn đấu và lòng yêu nghề của các thầy, cô chứ không thể thông qua một, hai loại chứng chỉ từ trước tới nay.
Lấy ví dụ từ bản thân mình, ông Khải cho biết: “Tôi tốt nghiệp đại học, đi làm, đi dạy học và đến lúc nghỉ hưu tôi chưa từng sở hữu một tấm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nào cả. Mọi thành quả đạt được của tôi là do sự cố gắng, học hỏi và rèn luyện của bản thân. Không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nhưng giáo viên như tôi vẫn cố gắng cống hiến hết mình cho ngành giáo dục, được đồng nghiệp và học trò yêu quý. Đối với tôi, một giáo viên giỏi, lương cao được thể hiện đánh giá bằng thực lực, bằng cống hiến, không thông qua chứng chỉ, bằng cấp”.
Đánh giá năng lực để bổ nhiệm và xếp lương thông qua chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đang gây tranh cãi trong dư luận, nhất là cộng đồng giáo viên vì ảnh hưởng trực tiếp đến nghĩa vụ và quyền lợi của bộ phận này.
Việc có điều chỉnh các thông tư hay bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là thẩm quyền của các các cơ quan chức năng ngành giáo dục. Tuy nhiên, bất cứ quy định nào đưa ra cũng đều phải hợp lý, khách quan và nhận được sự đồng tình của xã hội./.