Giáo viên trực Tết, cần lắm sự cảm thông từ hai phía

25/01/2022 07:05
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi hiệu trưởng và giáo viên thỏa thuận với nhau về việc trực Tết thì mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Bài viết “Hiệu trưởng ép giáo viên trực Tết, vừa trái luật vừa thiếu sự cảm thông” đăng tải trên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 23/1/2022 nhận được nhiều sự quan tâm của giáo viên trên cả nước.

Theo quy định hiện hành, nghỉ Tết là một trong những quyền lợi cơ bản của người lao động cũng như giáo viên. Giáo viên không bắt buộc phải trực Tết và có thể từ chối nếu muốn.

Tuy vậy, vì nhiệm vụ chung của đơn vị, giáo viên và hiệu trưởng có thể thỏa thuận để làm sao việc trực Tết trở nên nhẹ nhàng, thoải mái nhất đến từ hai phía.

Cần sự chia sẻ giữa hiệu trưởng và giáo viên

Ngày 24/1/2022, nguyên hiệu phó một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh (xin phép không nêu tên thầy cô vì lí do bảo mật danh tính) trao đổi với người viết rằng, trực Tết là chia sẻ trách nhiệm bảo vệ ngôi trường.

Hiệu trưởng có quyền phân công giáo viên làm công tác chuyên môn và các công tác khác, miễn sao gắn với nhà trường.

Sở dĩ vị hiệu phó nêu quan điểm như vậy vì Khoản 6 Điều 27 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định nhiệm vụ của giáo viên như sau (trích):

Thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và của ngành giáo dục, các quyết định của hiệu trưởng; thực hiện nhiệm vụ do hiệu trưởng phân công, chịu sự kiểm tra, đánh giá của hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục.

Tuy vậy, cá nhân người viết cho rằng, người lao động nói chung và giáo viên nói riêng đều phải tuân thủ Bộ luật Lao động, trong đó khoản 1 Điều 112 quy định (trích): Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây: Tết Âm lịch: 05 ngày.

Nếu vì nhiệm vụ chung của nhà trường, hiệu trưởng phải trình bày lí do rõ ràng trong cuộc họp hội đồng sư phạm, thỏa thuận với giáo viên, nhân viên về việc trực Tết thì chắc chắn sẽ được nhiều thầy cô đồng thuận.

Bởi trường học nào cũng có nhiều tài sản đắt tiền như máy vi tính, máy chiếu, thiết bị thí nghiệm thực hành… Và những ngày Tết, nếu nhà trường sơ hở, chủ quan, thiếu giáo viên trực thì sẽ tạo cơ hội cho trộm cắp nhòm ngó.

Hơn nữa, việc trực trường cũng không phải là vấn đề gì quá khó khăn, không sắp xếp được. Khoảng một tuần nghỉ Tết, không phải giáo viên nào cũng về quê, đi du lịch… nên thầy cô có thể tham gia trực Tết tối đa là một buổi.

Giáo viên trực Tết cần sự cảm thông, chia sẻ của hiệu trưởng. (Ảnh minh họa: Báo Lao Động)

Giáo viên trực Tết cần sự cảm thông, chia sẻ của hiệu trưởng. (Ảnh minh họa: Báo Lao Động)

Một số giáo viên làm việc ở trường tư thục tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với người viết rằng, lãnh đạo quy định việc trực trường trong dịp Tết Nguyên đán là bắt buộc nhằm tạo sự gắn kết giữa người lao động và chủ trường.

Thường giáo viên trực 1 ca là 2 tiếng và hội đồng quản trị trả tiền đầy đủ theo luật. Giáo viên nào bận không trực được thì nhờ đồng nghiệp hoặc nhân viên bảo vệ trực thay và trả tiền công rõ ràng.

“Lãnh đạo nói rằng, nhà trường có thể bỏ tiền thuê dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp trực trong những ngày Tết. Nhưng thay vì thuê bảo vệ thì giáo viên, nhân viên thay nhau trực để có thêm một khoản tiết kiệm cho tiền thưởng cuối năm”, giáo viên một trường tư thục ở quận Tân Phú nói thêm.

Ngược lại, nếu hiệu trưởng nào chỉ biết chỉ đạo theo mệnh lệnh hành chính thì sẽ gây nên sự bức xúc cho giáo viên, cho dù thầy cô được trả tiền trực Tết theo đúng quy định. Tiền chưa phải là vấn đề quan trọng nhất mà cái cần là sự tôn trọng, cảm thông, chia sẻ của hiệu trưởng nhà trường.

Thầy giáo dạy bậc trung học phổ thông ở Quận 10 thông tin, mấy năm trước hiệu trưởng đều yêu cầu giáo viên phải trực Tết, ai từ chối thì bị trừ thi đua. Nhưng năm nay hiệu trưởng chuyển sang vận động thì cũng có nhiều giáo viên xung phong trực Tết.

Như thế để thấy rằng, chỉ cần hiệu trưởng và giáo viên thỏa thuận về việc trực Tết thì mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Ngoài ra, ngày nay với sự hỗ trợ của hệ thống camera thì việc phân công giáo viên trực Tết cũng chỉ là sự hỗ trợ thêm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương