Giật mình với nhiều "đề tài nghiên cứu khoa học" của học sinh phổ thông

13/01/2021 09:59
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với người làm khoa học, nghiên cứu khoa học, trung thực phải đặt lên hàng đầu. Đừng gieo vào học trò sự giả dối vì bệnh thành tích của người lớn.

Hàng năm, các địa phương trên cả nước đều tổ chức cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học.

Cuộc thi được tổ chức rầm rộ từ cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh, cấp quốc gia. Những tấm giấy chứng nhận đạt giải của học trò là niềm tự hào của nhà trường, gia đình, địa phương.

Bên cạnh niềm tự hào, đó là quyền lợi của cá nhân và tập thể. Với tập thể, thành tích của học sinh trong Cuộc thi Khoa học kĩ thuật sẽ được cộng điểm trong xét danh hiệu thi đua. Với cá nhân, nếu đạt giải quốc gia, được tuyển thẳng vào đại học v.v...

Bệnh ngụy thành tích đã len sâu vào cả những cuộc thi sáng tạo dành cho học sinh. (Ảnh minh họa: Tienphong.vn)

Bệnh ngụy thành tích đã len sâu vào cả những cuộc thi sáng tạo dành cho học sinh. (Ảnh minh họa: Tienphong.vn)

Cuộc thi có thực chất?

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta chỉ cần nhìn vào tên một số đề tài mà học trò mang đi thi, đạt giải Nhất ở Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia năm 2019-2020.

- Nghiên cứu mối liên quan của đa hình đơn nucleotide với ung thư vòm họng để đánh giá nguy cơ của đối tượng nhiễm EBV trong cộng đồng.

- Nghiên cứu chế tạo vật liệu đa chức năng kích thước nano định hướng ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị ung thư.

- Nghiên cứu đặc tính hấp phụ protein hạt chùm ngây trên vật liệu nanosilica chế tạo từ vỏ trấu và ứng dụng trong xử lý kháng sinh.

- "Ứng dụng Deep Learning trong chuẩn đoán ung thư di căn hạch qua mẫu sinh thiết mô hạch bạch huyết". [1]

Hàng trăm ngàn bệnh nhân ung thư trên cả nước chắc vô cùng phấn khởi, chờ đợi, khi đọc tên các đề tài của học trò Việt Nam nghiên cứu về căn bệnh mà thế giới đang... bất lực!

Học sinh Việt Nam thông minh, điều đó người viết không nghi ngờ, nhưng đọc tên những đề tài mang “tầm cỡ quốc tế, có khả năng đạt giải Nobel” như trên, ít ai dám nghĩ do học sinh phổ thông nghiên cứu trong... vài tháng!

Liệu các em học sinh phổ thông vừa học văn hóa, vừa nghiên cứu trong thời gian ngắn, có thể hoàn thành những đề tài trên?

Phần đánh giá, người viết xin dành cho bạn đọc; thế nhưng với cá nhân người viết, cách tổ chức cuộc thi như vậy trở nên không thực chất, vô hình trung tạo ra sự không trung thực trong môi trường giáo dục.

Tại sao vậy? Tất cả các nhà khoa học muốn hoàn thành các công trình của mình, đều phải có hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mình nghiên cứu kèm theo những điều kiện ngặt nghèo về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm. Với những công trình nghiên cứu về dược phẩm, dược lý càng khó hơn.

Trong lúc đó, dù có học giáo trình của trường chuyên, học sinh cũng không thể có hàm lượng kiến thức đủ để nghiên cứu những đề tài uyên thâm như thế.

Học sinh chỉ là diễn viên đóng thế, diễn xuất báo cáo để lấy giải về cho nhà trường?

Đó là một thực tế, không ít đề tài thi khoa học kĩ thuật đạt giải của học trò chính là... luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ của giáo viên, giảng viên.[2]

Một thầy giáo (đề nghị không nêu tên) chia sẻ “Nếu những đề tài “tầm quốc tế, có khả năng đạt giải Nobel y học” trên, do chất xám của học sinh sáng tạo ra, mình nghĩ chẳng phụ huynh hay giáo viên nào cho các em mang đề tài đó đi thi.

Thứ nhất, các em có thể bị ăn cắp bản quyền.

Thứ hai, các em có thể bị bắt cóc để đối tượng xấu khai thác chất xám.

Thứ ba, làm kinh tế, những đề tài đó nếu thực tế, thực sự có giá trị, các ông trùm sản xuất dược phẩm trên thế giới đã bảo trợ, đưa những nhân tài kiệt xuất đó về với “đội” của họ rồi.

Dù mình muốn tin vào cuộc thi, nhưng mình không khỏi nghi ngờ tính trung thực của nó”.

Với người làm khoa học, nghiên cứu khoa học, trung thực phải đặt lên hàng đầu. Đừng gieo vào học trò sự giả dối vì bệnh thành tích của người lớn.

Cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học có bóng dáng của cuộc thi Sáng kiến kinh nghiệm hàng năm của giáo viên.

Cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học chỉ có tác dụng khi sản phẩm dự thi đúng là sản phẩm của học trò.

Đừng biến Cuộc thi Khoa học kĩ thuật là minh chứng cho bệnh thành tích đang hoành hành trong ngành giáo dục nước nhà.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnexpress.net/11-du-an-gianh-giai-nhat-khoa-hoc-ky-thuat-cap-quoc-gia-4118533.html

[2] https://laodong.vn/ban-doc/co-nen-tiep-tuc-cac-cuoc-thi-nghien-cuu-sang-tao-khoa-hoc-ky-thuat-864671.ldo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai