Góc nhìn khác, đừng vội trách hiệu trưởng lạm thu

05/08/2019 07:19
Hồ Oanh
(GDVN) - Với hai khoản thu “giữ xe, vệ sinh”, cần có cái nhìn khách quan, công bằng; lên án hiệu trưởng lạm thu là thiếu thực tế.

Lạm thu, chuyện không thiếu trong xã hội chúng ta; thế nhưng, lạm thu trong trường học, khai thác, bóc lột phụ huynh lại là người thầy, điều đó làm cho cả xã hội lên án.

Hình tượng thầy cô giáo “giảm giá” trong mắt xã hội, cũng có phần đóng góp của lạm thu. 

Thế nhưng, người thu lợi bất chính không phải toàn bộ thầy cô giáo, chỉ là “một bộ phận rất nhỏ” được hưởng lợi từ lạm thu, đó là Ban giám hiệu và bộ phận tài vụ. 

Vì vậy, việc lạm thu ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục, chính do những người chịu trách nhiệm quản lý. 

Vậy nhưng, cần có cái nhìn khách quan về lạm thu, có những khoản không lạm thu, nhà trường không thể tồn tại, chứ đừng nói phát triển.

Cần có cái nhìn khách quan hơn trong việc nhà trường thu khoản giữ xe và vệ sinh trường học. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)
Cần có cái nhìn khách quan hơn trong việc nhà trường thu khoản giữ xe và vệ sinh trường học. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)

Không được thu tiền giữ xe, nhà trường đành vi phạm lạm thu

Thầy M. tâm sự “Năm học 2018-2019, trường em mất 6 cái xe đạp, 1 cái xe máy của học trò. Truy trách nhiệm cho bảo vệ, không được. Nếu bắt bảo vệ ghi số, giữ xe cho học sinh, với đồng lương đó, chẳng ai có thể làm được. 

Trường tiểu học, số học sinh đi xe ít, có thể không cần người coi, mặt khác những xe các em đi thường nhỏ, thấp, không phải là đối tượng của kẻ cắp. 

Còn trung học, phần lớn các em đi xe đạp, xe máy, số lượng lớn, xe có giá trị, kẻ cắp dễ trà trộn, chôm chỉa. 

Từ thực tế đó, gần như các trường bắt buộc phải thu tiền giữ xe. Vì an toàn của chính học trò, an ninh của nhà trường, cấp trên cấm thu nhưng đành phải vi phạm”. 

Không được thu tiền vệ sinh, nhà trường cũng đành vi phạm

Hà Nội quy định các khoản Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu
Hà Nội quy định các khoản Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu

Học sinh chỉ có thể quét dọn phòng học, hành lang lớp học, còn phòng vệ sinh, không thể làm được. 

Với số lượng người lớn như trường học, sau khoảng giờ ra chơi, nếu không có người dọn phòng vệ sinh, phòng học kế bên khó mà chịu được; có những em học sinh đành “nín” vệ sinh, không dám uống nước cả buổi học, chờ tan học về nhà mới “xả”, vì nhà vệ sinh “mất vệ sinh” quá; đó là một thực tế. 

Vậy ai dọn vệ sinh khu vực nhà vệ sinh? Ngay cả các trường chuyên nghiệp, phần lớn cũng thuê người làm, chứ không phải chỉ các trường phổ thông, tiểu học, mẫu giáo. 

Như vậy, muốn hay không muốn, hiệu trưởng cũng đành “lạm thu” tiền giữ xe, vệ sinh; nhờ ban đại diện cha mẹ học sinh gánh giúp “trách nhiệm”. 

Với hai khoản thu “giữ xe, vệ sinh” này, cần có cái nhìn khách quan, công bằng; lên án hiệu trưởng lạm thu là thiếu thực tế. 

Giải pháp nào, đảm bảo sự minh bạch tiền vệ sinh, giữ xe? 

Không ít trường, tiền thu từ dịch vụ giữ xe, là khoản thu lớn, phục vụ cho phúc lợi tập thể.

Các trường cho đấu thầu giữ xe, mỗi tháng nhà thầu giữ xe cho học trò, còn đóng cho nhà trường... hàng chục triệu đồng nữa.

Để thắng thầu, chuyện cũng đầy “thâm cung”. Bản chất nguồn thu đó là từ... học trò, thế nhưng, học trò không được hưởng.

Để hạn chế tình trạng lạm thu ở các trường học hiện nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Thế nhưng, đến nay, thông tư này đã bộc lộ những vấn đề không bám sát thực tế cuộc sống.

Vì thế, điều chỉnh Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, đảm bảo theo hướng có lợi cho người học là mệnh lệnh của cuộc sống. 

Vậy điều chỉnh như thế nào có lợi cho học sinh? 

Thanh Hóa cho phép thu tiền trông giữ xe của học sinh nhưng cấm cha mẹ đóng góp
Thanh Hóa cho phép thu tiền trông giữ xe của học sinh nhưng cấm cha mẹ đóng góp

Cần cho phép nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh, phối hợp tính toán, thuê người dọn vệ sinh các phòng vệ sinh trong trường học.

Trên thực tế tiền công ở địa phương, tính toán kinh phí, thu tiền đóng góp từ phụ huynh học sinh cho phù hợp; đảm bảo số tiền thu vừa đủ chi cho nhân viên dọn vệ sinh.

Cho phép nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh đấu thầu, giữ xe cho học sinh; giá giữ xe do Uỷ ban nhân dân Tỉnh quy định. 

Số tiền “nhà thầu” nộp cho nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh, phải nhập quỹ phụ huynh; sử dụng phục vụ các hoạt động vì học trò; không dành cho các hoạt động khác của nhà trường.

Việc cho phép, công khai, minh bạch, người dân biết, giám sát, đem lại lợi ích cho học trò; để xảy ra tình trạng nửa nạc, nửa mỡ, người thiệt thòi là phụ huynh, học sinh.

Hồ Oanh