Hãy thi tuyển lớp 6 công khai giữa VNEN và truyền thống để đánh giá cho đúng

21/12/2017 07:26
Thuận Phương
(GDVN) - Tỉ lệ học sinh đạt điểm dưới trung bình lớp VNEN chiếm đến 70% trong khi đó lớp học truyền thống tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 20-30%.

LTS: Phản ánh những bất cập trong công tác giáo dục, thi tuyển công khai của các em học sinh trường học theo mô hình VNEN, cô giáo Thuận Phương đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trước thông tin Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ công bố dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông.

Theo đó, Bộ dự kiến cho phép một số trường trung học cơ sở tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực, thay vì cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức như hiện nay.

Mặc dù chưa có quyết định chính thức sẽ thi tuyển thế nào nhưng một số trường học dạy theo mô hình VNEN vẫn tỏ ra lo lắng, bất an.

Mô hình học VNEN (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn).
Mô hình học VNEN (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn).

Mấy năm nay, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học là đương nhiên vào hết lớp 6 nên chất lượng dạy và học của từng trường tiểu học không được kiểm định và công bố một cách công khai, có chăng chỉ giáo viên tại trường trung học cơ sở nơi ấy biết với nhau mà thôi.

Nay nếu thi tuyển công khai thì học sinh trường VNEN sẽ phải cạnh tranh công bằng với học sinh một số trường học khác và đương nhiên phần thua sẽ thuộc về học sinh trường VNEN.

Sẽ có nhiều người thắc mắc “căn cứ vào đâu để người viết bài khẳng định chắc chắn như thế?”. Xin thưa, đây chính là những nhận định của không ít giáo viên dạy tại trường trung học cơ sở nơi hàng năm vẫn thu nhận khá nhiều học sinh ở các địa phương học theo hai mô hình (trường học mới và mô hình truyền thống).

Ở địa phương tôi mỗi xã phường đều có một trường trung học cơ sở nhưng lại có tới 4 trường tiểu học. Trong 4 trường ấy có hai trường học theo mô hình VNEN, 2 trường vẫn dạy truyền thống.

Vào lớp 6, trường trung học cơ sở nơi đây cũng phân học trò học truyền thống chung một lớp, học sinh học theo mô hình VNEN chung một lớp để giáo viên dễ giảng dạy.

Theo phản ánh của một số thầy cô, học sinh học VNEN dạn dĩ, năng động hơn nhưng kiến thức yếu và nắm khá hời hợt. Trong lớp, các em ít tập trung nghe giảng mà ngồi nói chuyện tự do. Nhiều em không có kĩ năng học bài, chuẩn bị bài ở nhà.

Hãy thi tuyển lớp 6 công khai giữa VNEN và truyền thống để đánh giá cho đúng ảnh 2

Ai "thấu cảm" với học trò, phụ huynh ở lớp VNEN?

Giáo viên được phân công dạy, chủ nhiệm những lớp như thế vô cùng áp lực. Một số giáo viên trường trung học cơ sở nơi đây nói rằng “thấy học trò VNEN là sợ”.

Sợ vì các em ngồi học không có nề nếp, tự do nói cười, tự do làm việc riêng, tự do đi lại trong lớp nếu thích. Sợ vì các em không biết ôn bài cũ để trả bài, không có kĩ năng trình bày vở, kiến thức cũ nắm không chắc…

Năm nào cũng thế, thường thì học sinh vào học cả tháng, ổn định xong nhà trường mới tổ chức thi sát hạch. Và bao giờ cũng thế, tỉ lệ học sinh học VNEN đạt từ 5 điểm trở lên luôn đối chọi với những lớp học truyền thống.

Ví như tỉ lệ học sinh đạt điểm dưới trung bình lớp VNEN chiếm đến 70% trong khi đó lớp học truyền thống tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 20-30%.

Có khá nhiều phụ huynh trăn trở:

“Nếu nhà trường tổ chức thi chung giữa hai mô hình dạy học như thế hóa ra con cái chúng tôi học trường VNEN chẳng bị thiệt thòi hay sao? Ai sẽ chịu trách nhiệm về chuyện này?”.

Phụ huynh thắc mắc cũng chẳng bao giờ nhận được câu trả lời thật. Dù giáo viên và ngay chính Ban Giám hiệu trường dạy theo mô hình VNEN cũng nghĩ như thế thì họ cũng buộc lòng phải nói khác đi theo kiểu:

“Dù mô hình dạy học nào các em cũng được học kiến thức chuẩn, kiến thức cơ bản giống nhau có khác chăng chỉ là phương pháp tiếp cận. Vì thế, phụ huynh đừng nên lo lắng nhiều”.

An ủi phụ huynh nhưng người lo nhất có lẽ là Ban Giám hiệu những trường này.

Bởi vì, khi chất lượng học sinh đạt thấp dù cấp trên (cấp phòng, sở) cũng biết nguyên do (hạn chế cho mô hình) nhưng họ vẫn luôn miệng quy trách nhiệm nhà trường chỉ đạo chuyên môn không tốt.

Giáo viên giảng dạy chưa đúng phương pháp, dạy chưa nhiệt tình nên hiệu quả chưa cao…và giáo viên trở thành cái “bị” để hứng chịu tất cả những trận “cuồng phong” bên trên dội xuống.

Dù thế, không ít giáo viên dạy tại trường VNEN cũng khấp khởi cầu mong “sẽ có một cuộc sát hạch tập trung học sinh trường mình với các trường dạy theo mô hình truyền thống.

Lúc đó, những cấp triển khai mới thấy được mình đã sai lầm thế nào và may ra họ mới có ý định từ bỏ để những thế hệ con em sau không trở thành vật “tế thần” hy sinh cho những toan tính vật chất ẩn đằng sau đó.

Thuận Phương