Hiệu trưởng đâu phải quan chức mà đòi biên chế suốt đời

04/11/2019 06:29
Thùy Linh
(GDVN) - Theo thầy Tùng Lâm thì không chỉ giáo viên mà ngay cả các hiệu trưởng cũng phải chuyển đổi sang chế độ hợp đồng.

Chiếu theo quy định trong dự thảo Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức mà Quốc hội đang thảo luận tại thì kể từ ngày 01/7/2020 tất cả các trường hợp chưa thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn phải ký kết hợp đồng xác định thời hạn.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, không chỉ ngành giáo dục mà cả những bộ, ngành khác cũng nên tiến tới bỏ công chức thay vào đó là chế độ hợp đồng có thời hạn để chọn lọc cán bộ có chất lượng. Bởi lẽ, chỉ có cạnh tranh mới nâng cao được chất lượng và thiết lập được chế độ đãi ngộ tương xứng. 

Bên cạnh đó, theo xu hướng, về lâu dài, nhà nước không thể đứng ra quản lý tất cả các cơ quan đơn vị mà chỉ thiết lập luật chơi và cách chơi nên chuyển biên chế sang hợp đồng có thời hạn sẽ là việc mà sớm hay muộn tất cả các ngành đều phải làm. 

Như vậy, theo dự thảo này thì không chỉ giáo viên mà ngay cả hiệu trưởng ở các trường phổ thông công lập và nhiều trường đại học sẽ không còn là công chức nữa.

Nhiều người băn khoăn việc thay đổi như vậy liệu có ảnh hưởng đến vị thế, vai trò trong công tác quản lý của hiệu trưởng hay không.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý-giáo dục Hà Nội cho rằng hoàn toàn đồng ý với dự thảo.

Thậm chí, thầy Lâm còn nhấn mạnh: "Hiệu trưởng không phải quan chức nhà nước nên hợp đồng có thời hạn là đúng". 

Theo thầy Tùng Lâm thì không chỉ giáo viên mà ngay cả các hiệu trưởng cũng phải chuyển đổi sang chế độ hợp đồng. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Theo thầy Tùng Lâm thì không chỉ giáo viên mà ngay cả các hiệu trưởng cũng phải chuyển đổi sang chế độ hợp đồng. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Có nghĩa là theo thầy Lâm thì không chỉ giáo viên mà ngay cả các hiệu trưởng cũng phải chuyển đổi sang chế độ hợp đồng. 

Nói cách khác, trước khi chọn giáo viên, sẽ phải chọn hiệu trưởng trước với các quy định cụ thể về quyền của hiệu trưởng, quyền của giáo viên một cách rõ ràng, sòng phẳng.

"Khi hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về số phận của trường mình thì mới khách quan, công tâm thực sự trong tuyển dụng, bởi nếu trường không phát triển thì hiệu trưởng cũng sẽ bị mất hợp đồng vì không hoàn thành nhiệm vụ được giao", thầy Lâm nói. 

Trường tôi muốn ký biên chế suốt đời với nhiều giáo viên nhưng họ không muốn

Trước đó, cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Vi Thị Mỹ- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nà Ca, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng cho rằng, việc thực hiện hiệu trưởng là công chức đã tạo ra khó khăn, vướng mắc khi thực hiện nhiệm vụ và chi trả chế độ.

Nên chuyển sang viên chức sẽ phù hợp hơn.

Theo cô Mỹ: “Trong thực tế khi thành công chức, một số hiệu trưởng không còn là một đồng nghiệp nhiệt tình, có uy tín trong chuyên môn như khi họ còn là giáo viên nữa.

Thay vào đó, nhiều người đã mất dần sự tôn trọng đồng nghiệp, luôn muốn khẳng định uy quyền, dễ dẫn đến nhiều sai phạm trong quản lý.

Vì thế khi là viên chức thì hiệu trưởng sẽ luôn ý thức được họ là một giáo viên làm quản lý có thêm phụ cấp chức vụ.

Trong hoạt động điều hành, thay vì "tôi đề nghị các đồng chí..." sẽ là "chúng ta sẽ cùng cố gắng...". Điều này khiến môi trường giáo dục có thể sẽ bớt được một tầng áp lực cho thầy, trò và phụ huynh như hiện nay”.

Thùy Linh