“Hoa hồng” trong nhà trường và chuyện tranh mua, tranh bán

11/07/2017 07:48
KIÊN TRUNG
(GDVN) - Chắc chắn việc gọi dịch vụ, đi mua sản phẩm, thiết bị có nhiều "ma lực hấp dẫn" nên một số Hiệu trưởng, kế toán lại nhiệt tình, sốt sắng đến thế.

LTS: Bàn về vấn đề hoa hồng trong các dịch vụ cung ứng cho trường học, thầy giáo Kiên Trung phản ánh câu chuyện thực tế về vấn đề này.

Theo đó, thầy đặt câu hỏi về việc khi các khoản "hoa hồng" nhận được đều do Hiệu trưởng và kế toán quyết định thì làm sao có thể đảm bảo minh bạch cũng như chất lượng dịch vụ, sản phẩm là đúng theo yêu cầu.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sau khi cung ứng cho nhà trường các loại thiết bị, sách vở, giấy bút, bàn ghế, máy tính… hoặc xây dựng, sửa chữa lớn, nhỏ, các nhà dịch vụ, công ty xây dựng luôn để lại đơn vị một tỉ lệ "hoa hồng" bất thành văn khoảng từ 10 đến 15% giá trị sản phẩm. 

Mang tiếng để lại chút đỉnh cho nhà trường “uống nước” nhưng tất cả khoản “hoa hồng” đó đều do Hiệu trưởng và kế toán quyết định. 

Có Hiệu trưởng và kế toán thảo thơm thì trích lại một ít chuyển vào quỹ phúc lợi tập thể, lúc liên hoan, lễ tết thì chia, bồi dưỡng hay mua quà cho mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên mỗi chút, gọi là “của trời cho”. 

Có Hiệu trưởng và kế toán tham lam thì “ẵm sạch”.

Mang tiếng để lại chút đỉnh cho nhà trường “uống nước” nhưng tất cả khoản “hoa hồng” đó đều do Hiệu trưởng và kế toán quyết định. (Ảnh minh họa, nguồn: Vietnamnet.vn)
Mang tiếng để lại chút đỉnh cho nhà trường “uống nước” nhưng tất cả khoản “hoa hồng” đó đều do Hiệu trưởng và kế toán quyết định. (Ảnh minh họa, nguồn: Vietnamnet.vn)

Có Hiệu trưởng khôn ngoan, biết điều, chia cho các Phó hiệu trưởng, mấy bộ phận trực tiếp liên quan như thủ quỹ, người phụ trách cơ sở vật chất một chút ít, từ vài trăm đến mấy triệu đồng, tùy vào gói sản phẩm giá trị lớn hay nhỏ, để họ “kề vai sát cánh” với mình, có trách nhiệm với công việc chung hơn. 

Ở nhà trường, mỗi “triều đại” Hiệu trưởng mới lên là thường xuất hiện một lực lượng nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm mới, phù hợp với “tiêu chuẩn”, quan hệ của Hiệu trưởng ấy. 

Việc mua sắm, sửa chữa, xây dựng của nhà trường được thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, có sự thống nhất, đồng thuận cao của tập thể lãnh đạo, hội đồng sư phạm. 

Tuy nhiên, trong thực tế nguyên tắc, quy định này chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ tất cả mọi thứ từ nhà cung cấp, đến giá cả, mẫu mã, chất lượng sản phẩm đều do chủ tài khoản - Hiệu trưởng định đoạt, điều khiển hết.

“Hoa hồng” trong nhà trường và chuyện tranh mua, tranh bán ảnh 2

Tiền hoa hồng bảo hiểm đi đâu khi giáo viên phải thu mà không được đồng nào?

Đúng ra, việc đi mua sắm của đơn vị thường giao cho một bộ độc lập gồm giáo viên và nhân viên tổ văn phòng đảm trách, không có chuyện chủ tài khoản (Hiệu trưởng) người ký duyệt hoặc thành phần kế toán, người “gác cổng” về tài chính làm việc đó để đảm bảo tính khách quan, minh bạch.

Vậy mà có vị Hiệu trưởng tự cho mình cái quyền đi lấy báo giá, khảo giá và mua sản phẩm, thiết bị.

Vậy mà có nhiều kế toán nhà trường rất thích giành phần: gọi người làm, cung cấp dịch vụ và mua sắm vật tư từ cái nhỏ đến cái lớn cho đơn vị. 

Chắc chắn việc gọi dịch vụ, đi mua sản phẩm, thiết bị có nhiều "ma lực hấp dẫn" nên một số Hiệu trưởng, kế toán lại nhiệt tình, sốt sắng đến thế. 

Thực hiện sai nguyên tắc về mua sắm, tài chính quá rõ nhưng cán bộ, giáo viên, nhân viên biết cả song vì nể nang, sợ bị sếp trù dập, gây khó dễ trong công tác đành lơ đi, mặc cho kế toán, Hiệu trưởng làm gì thì làm…

Làm càng lâu, càng có nhiều “kinh nghiệm” mánh khóe để luồn lách, thậm chí gian dối, tiêu cực, có một nói mười, hàng xấu bảo hàng tốt, đố ai biết?

Do đó, không ít Hiệu trưởng, kế toán kiếm chác được, kinh tế gia đình khấm khá, đầy đủ hơn hẳn.

Nhiều Hiệu trưởng và kế toán bị phanh phui, xử lý kỷ luật, phần lớn cũng đều liên quan đến tài chính, mua sắm, ăn chia… mờ ám, tham nhũng vặt mà ra cả.

Chị N., chủ một cơ sở chuyên cung cấp, đóng các loại tủ, bàn ghế, thiết bị cho nhà trường ở quê tôi thổ lộ: 

Bây giờ làm ăn khó khăn, cạnh tranh dữ lắm em, để có hợp đồng, mối làm, chỗ chị phải quan hệ, săn đón, chạy đến long tóc gáy.

Có vị Hiệu trưởng, bộ phận kế toán đòi hỏi, sách nhiễu kinh khủng, để lại 15% vẫn chê ít, còn yêu cầu để riêng cho Hiệu trưởng, kế toán 5-7% nữa.” 

“Hoa hồng” trong nhà trường và chuyện tranh mua, tranh bán ảnh 3

Những ẩn khuất phía sau chuyện mua sắm, sửa chữa, xây dựng...ở nhà trường

Một khi, tỉ lệ “hoa hồng” để lại cho một số người nhiều thì đương nhiên các nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm, công ty xây dựng sẽ tìm cách cắt xén khối lượng, chất lượng công trình, sản phẩm xuống… Chứ lấy tiền bạc ở đâu chi đủ cho các vị có liên quan?  

Một khi đã được ăn chia “no nê” thì làm sao không có chuyện du di, dễ dãi, “cho qua” trong giám sát, kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm, công trình.

Nhiều thiết bị, phòng ốc ở trường học mới mua sắm, xây dựng đã sớm xuống cấp, hư hỏng, không sử dụng được… gây bức xúc dư luận, phản ánh liên tục trên các phương tiện truyền thông trong thời gian qua là tại lẽ gì vậy?

Nếu quản lý tốt, đúng luật, không tham nhũng, lợi ích nhóm thì đâu đến nỗi nào. Nhân dân, phụ huynh, học sinh, giáo viên cùng được hưởng lợi và nhà nước bớt lo.

Xin hỏi, giờ có mấy vị lãnh đạo biết quản lý, làm việc vì cái chung ấy?    

Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức, góc nhìn và kinh nghiệm của riêng tác giả.

KIÊN TRUNG