Học 2 buổi mỗi ngày, chẳng khác gì học thêm

17/08/2018 07:19
Phan Tuyết
(GDVN) - Những trường dạy 10 buổi/tuần hiện nay chủ yếu là ôn luyện lại kiến thức đã được học ở buổi trước mà ít chú ý đến việc rèn nhiều kĩ năng khác cho học sinh.

LTS: Bàn về vấn đề giáo dục tiểu học có nên dạy 10 buổi/tuần hay không, cô Phan Tuyết - người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy đã có bài viết chia sẻ cùng bạn đọc.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

Dư luận đang nóng lên về việc đề xuất cho học sinh nghỉ học ngày thứ 7 ở 2 bậc học trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Thế nhưng, trong thực tế, chính bậc tiểu học ở nhiều địa phương học sinh vẫn đang phải đi học dự giờ, thao giảng vào ngày thứ 7 do các trường tiểu học đều bố trí dạy và học 10 buổi/tuần.

Giáo dục tiểu học nên học bao nhiêu buổi/tuần (Ảnh minh họa: dangcongsan.vn).
Giáo dục tiểu học nên học bao nhiêu buổi/tuần (Ảnh minh họa: dangcongsan.vn).

Mục đích cho học sinh học 2 buổi/ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo “nhằm giãn thời gian học và tăng cường những môn học, những hoạt động giáo dục làm giảm bớt sự nặng nề của chương trình học”.

Nói về học 2 buổi/ngày, Giáo sư Hoàng Tụy cũng cho biết: “thực tế ở nhiều nước trẻ con cũng ở trường cả ngày, nhưng không phải để học chữ hay nhồi nhét kiến thức”.

Nhưng, việc tổ chức cho học sinh học hai buổi/ngày đối với nhiều trường học ở nước ta hiện nay chưa đạt được mục đích “giảm tải” mà đúng hơn chỉ là một hình thức “dạy thêm, học thêm”.

Điều này thể hiện rõ nhất trong việc bố trí thời gian học, phân chia thời khóa biểu và nội dung chương trình học hiện nay ở nhiều trường đang đi ngược với mục tiêu “giảm bớt sự nặng nề” cho học sinh tiểu học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra.

Học buổi 2/ngày chẳng khác gì học thêm

Nhìn bất kỳ thời khóa biểu của một trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày nào cũng thấy dày đặc các môn Toán, tiếng Việt, hết tiết học chính khóa đến tiết học bổ sung.

Còn các hoạt động giáo dục thì gần như vắng bóng. Mỗi ngày trò tiểu học học 7 tiết/ngày, giáo viên chủ yếu chỉ luyện 2 môn Toán, tiếng Việt.

Học 2 buổi mỗi ngày, chẳng khác gì học thêm ảnh 2Vì sao học sinh không thích học 2 buổi/ngày?

Ví như sáng học Toán, tiếng Việt, chiều ắt sẽ học môn Toán, tiếng Việt (bổ sung). Học sinh sau khi học lý thuyết là thực hành trong sách giáo khoa theo quy định.

Buổi chiều, giáo viên chủ yếu cho học sinh luyện sách bài tập, sách nâng cao theo yêu cầu nâng chuẩn.

Ngoài đọc, viết chính tả bài trong sách theo quy định ở tiết học chính. Tiết bổ sung lại đọc, luyện viết bài ngoài chương trình, làm tập làm văn… cứ miệt mài ngồi học và làm như thế từ đầu đến cuối buổi.

Hỏi suốt ngày gần như chỉ học và thực hành như thế, sao các em không thấy sợ học cho được?

Học cả tuần, thay vì được nghỉ 2 ngày cuối tuần thứ 7 và chủ nhật thì học trò thường xuyên phải đến trường học thao giảng dự giờ vào sáng thứ 7. Khối lớp càng ít, học sinh càng phải đi học thứ 7 nhiều.

Việc các em học cả ngày thứ 7 không chỉ áp lực cho chính học sinh còn làm khó cho khá nhiều phụ huynh khi phải nghỉ làm để đưa đón con đi học.

Do các em chỉ học từ 1-2 tiết (khoảng 8-9 giờ là tan trường) nên thời gian đón con cũng dở dang.

Nên bố trí cho học sinh tiểu học, học 8-9 buổi/tuần là phù hợp

Chương trình cũ được xây dựng cho trường tiểu học dạy 5 buổi/tuần. Những trường dạy 10 buổi/tuần hiện nay chủ yếu là tăng cường ôn luyện lại những kiến thức đã được học ở buổi trước mà ít chú ý đến việc rèn nhiều kĩ năng khác cho học sinh.

Học 2 buổi mỗi ngày, chẳng khác gì học thêm ảnh 3Trẻ sợ hãi thế này, có nên dạy học 2 buổi/ngày bậc trung học nữa không?

Thế nên buổi học thứ 2 chẳng khác nào buổi dạy thêm, học thêm (nhiều trường phụ huynh đang phải đóng tiền cho con học buổi chiều hàng tháng).

Nay, chương trình mới cũng sắp được thông qua. Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, đối với tiểu học, có những trường dạy được 2 buổi/ngày tức 10 buổi/tuần.

Nhưng, có những trường chỉ dạy được 8 buổi, 6 buổi, thậm chí một số trường chỉ dạy được 5 buổi/tuần. Do đó, chương trình phải cân đối cho phù hợp. 

Vì thế đâu nhất thiết phải bố trí bậc tiểu học phải học 10 buổi/tuần như hiện nay một số địa phương đang áp dụng?

Học trò tiểu học phải ngồi học suốt ngày trong tuần thì không có lý do gì ngày thứ 7 cũng bắt các em phải lên trường.

Với giáo viên, khi áp dụng chương trình mới sẽ phải đi học tập và dự giờ nhiều hơn nữa.

Các hình thức dự giờ ngày càng phong phú và dày như tiết dạy mẫu, tiết dạy chuyên đề cấp tổ, cấp trường, dự giờ liên trường, cụm trường, dạy cho Ban giám hiệu, dạy cho cán bộ cốt cán, dạy cho chuyên môn phòng, sở, cho các đoàn công vụ thanh kiểm tra...

Nếu bố trí dạy kín 10 buổi/tuần như hiện nay, hoặc thầy cô phải bỏ lớp đi dự giờ hoặc học sinh phải đi học cả vào ngày nghỉ và chính giáo viên cũng chẳng còn thời gian học hỏi để tiếp cận chương trình mới một cách tốt nhất.

Phan Tuyết