“Học kỳ quân đội” lợi đến đâu, hại đến mức nào?

26/06/2016 08:25
Phúc Lai
(GDVN) - Tất nhiên, chắc chắn các nội dung chương trình “Học kỳ quân đội” sẽ có thay đổi để phù hợp, nhưng biết vạch ranh giới ở đâu?

LTS: “Học kì quân đội” cho trẻ trong hè ngày càng phổ biến tại nhiều địa phương trên cả nước.

Phụ huynh kỳ vọng đây vừa là sân chơi bổ ích trong dịp hè, vừa là nơi rèn luyện những phẩm chất đạo đức cho trẻ.

Chúng ta không thể phủ nhận “Học kỳ quân đội” đã đáp ứng được đúng cái thiếu của nền giáo dục Việt Nam hiện nay. 

Tuy nhiên, chương trình học này còn nhiều điều bất cập. Với tư cách là một bậc phụ huynh, tác giả Phúc Lai nêu quan điểm của mình về “học kỳ quân đội” để các bậc phụ huynh có cái nhìn toàn diện hơn. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Ngay từ khi kỳ nghỉ hè bắt đầu thì khắp nơi rộ lên quảng cáo cho các chương trình rèn luyện kỹ năng sống “Học kỳ trong quân đội” “Chiến sĩ công an tương lai…”.

Lâu nay chúng ta nói nhiều đến việc trẻ em Việt thiếu được đào tạo kỹ năng sống, trong nhà trường học quá nhiều kiến thức “chết,” khô khan, cứng nhắc, ít có ý nghĩa thực tiễn. 

Chính vì vậy, vài năm nay những hoạt động đào tạo kỹ năng sống cho học sinh không chỉ “có đất sống” mà còn “nở rộ” và chắc chắn các bậc phụ huynh sẽ hoa mắt trước rất nhiều đơn vị cùng “nhảy vào làm” như vậy. 

“Học kỳ quân đội” lợi đến đâu, hại đến mức nào? (Ảnh: vtv.vn)
“Học kỳ quân đội” lợi đến đâu, hại đến mức nào? (Ảnh: vtv.vn)

Chứng kiến cảnh “trăm hoa đua nở” này mấy năm nay, người viết vẫn không khỏi băn khoăn, và như đồng cảm, trên báo vov.vn có bài viết với tiêu đề: “Cho trẻ tham gia “Học kỳ quân đội”: Phản tác dụng?” [1] của tác giả Ngô Thiệu Phong như giải tỏa được phần nào băn khoăn đó.

Chúng ta không thể phủ nhận “Học kỳ quân đội” đã đáp ứng được đúng cái thiếu của nền giáo dục Việt Nam hiện nay. 

Đọc các chương trình sẵn trên internet, chúng ta đều thấy đúng là chúng rất… bổ ích như nội dung bài viết “Đi trên mảnh thủy tinh” [2]).

Rồi đến tính kỷ luật với bản thân, tự chăm sóc cho bản thân, tăng cường ý chí và tính tự lập trong cuộc sống, tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm, kỹ năng giải quyết vấn đề, ứng xử phù hợp với các xung đột và các tình huống bất thường xảy ra, yêu thương, trân trọng biết ơn bản thân, gia đình và những người xung quanh, hợp tác tốt khi ở trong môi trường tập thể…[3] 

Tất cả những nội dung trên đây, chính là điều mà cả nhà trường lẫn gia đình mong muốn, và đặt đó là mục tiêu của giáo dục ngoài chuyện dạy chữ?

“Học kỳ quân đội” lợi đến đâu, hại đến mức nào? ảnh 2

Để trẻ học hè đúng cách

(GDVN) - Trẻ em không chỉ cần kiến thức sách vở, mà cần cả những kĩ năng sống quan trọng để trưởng thành và khẳng định bản lĩnh trong xã hội sau này.

Chẳng lẽ nền giáo dục của chúng ta đã tệ đến thế, nghĩa là cả năm học đến trường chỉ học chữ, còn kỷ luật, tính tập thể, ý chí, tự lập… thì để đến hè “phang” cho con vài ngày, vài tuần. 

Sự “thiếu thốn” này thực sự có không chỉ là một số, mà rất nhiều gia đình khi chúng ta bao bọc con cái, phó mặc chúng cho… người giúp việc.

Do đó, đã “thiếu thốn” thì phải có nhu cầu “bù đắp,” và “Học kỳ quân đội” sinh ra để làm nhiệm vụ đó.

Vậy chúng ta đã bao giờ đặt lại vấn đề, rằng liệu chúng ta sẽ tiếp tục để công việc cuốn đi cùng những lo toan “cơm áo gạo tiền” để khiến con cái luôn luôn như những đứa trẻ bị bỏ rơi từ sáng đến khuya, một tuần được ăn cơm tối cùng bố mẹ đếm trên đầu ngón tay… 

Khi chúng ta đã để con cái “thiếu thốn” đến cái mức mà thiếu đủ thứ như trên thì vài ngày trong doanh trại có bù cho con chúng ta được hay không, hay lợi cũng có, mà lại có cả những cái hại chưa lường được trước?

Nếu chúng ta can đảm thay đổi chính bản thân mình, hi sinh bớt đi những đam mê công việc làm giàu để có thêm thời gian giáo dục con cái, thì con cái chúng ta chắc cũng không đến nỗi thiếu thốn đến như vậy. 

Có một lần, người viết đưa con đi sinh hoạt nhóm kỹ năng sống và người phụ trách mời các nhân viên của chính công ty T.V được đề cập trên đây đến để… kết hợp. 

Và người viết đã thực sự choáng với cách hành xử của những thanh niên trẻ măng đó, khi họ ăn nói rất không chừng mực, thậm chí quát mắng các em nhỏ học tiểu học.

Người viết không nghi ngờ năng lực giáo dục của các cán bộ quân đội, công an… trong giáo dục rèn luyện chiến sỹ, nhưng hoàn toàn đồng ý với tác giả Ngô Thiệu Phong rằng: 

Liệu bây giờ có phải là thời đại cần “nhân rộng mô hình” thiếu sinh quân?

Kỷ luật của quân đội là một điều rất khác, nó được áp dụng cho các chiến sỹ ít nhất đủ 18 tuổi (đã thành niên) mà theo các nghiên cứu tâm sinh lý là đủ năng lực hành vi dân sự và năng lực chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ, và cũng có đầy đủ các quyền công dân.

Lúc đó chiến sỹ sẽ hiểu rõ về kỷ luật của quân đội, là kỷ luật sắt “quân lệnh như sơn”. 

Tất nhiên, chắc chắn các nội dung chương trình “Học kỳ quân đội” sẽ có thay đổi để phù hợp, nhưng biết vạch ranh giới đến đâu? 

Và cũng sẽ có một “chắc chắn” nữa, là sẽ có những cháu thích thú và thoải mái với kỷ luật đó, còn có những cháu khác có khi còn bị ảnh hưởng tiêu cực.

Hoạt động tương tự đã có một nước đã làm và làm rất… dữ dội, đó là Hàn Quốc [4]. 

“Học kỳ quân đội” lợi đến đâu, hại đến mức nào? ảnh 3

Cuộc chiến với thời gian của cha mẹ học sinh đã bắt đầu!

(GDVN) - “Trẻ cần được chơi trong mùa hè” nhưng cho trẻ chơi ở đâu? “ Những sân chơi an toàn và hiện đại thì không miễn phí…”.

Nhưng theo người viết bài này hiểu, thì tiếp cận vấn đề của mỗi nước, mỗi xã hội là khác nhau.

Hàn Quốc hiện vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, và chế độ nghĩa vụ quân sự của Hàn Quốc là bắt buộc với tất cả mọi công dân. 

Nếu như vậy thì việc trẻ em được rèn luyện trước, sau này khi vào quân ngũ thật cũng không quá khó khăn… là cần thiết. 

Trong khi đó, chính chúng ta đã nói nhiều đến tình trạng bất bình đẳng trong thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự [5],, chỉ có con nhà nghèo mới phải đi, còn con nhà khá giả chẳng mấy khi “đến lượt.” 

Và người viết dám chắc là những gia đình đủ điều kiện cho con đi “Học kỳ quân đội” ngày hôm nay, dăm bảy năm nữa không được một phần nhỏ lại đủ dũng cảm khuyến khích con ngừng du học, hay hoãn học đại học để lên đường làm nghĩa vụ quân sự.

Tình yêu Tổ quốc phải là một cái gì đó sâu sắc hơn thế, là sẵn sàng lên đường dù chỉ 18 tháng gian khổ kỷ luật sắt, chứ không phải chỉ là học gấp quần áo chăn màn. 

Chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến cho rằng “Học kỳ quân đội” là bổ ích và cần thiết để giáo dục tình yêu Tổ quốc, ý thức bảo vệ Tổ quốc khi Tổ quốc lâm nguy trước họa xâm lược, tình đồng đội… và luôn luôn phải chuẩn bị tốt nhất cho tình huống xấu nhất. 

Nhưng người viết lại luôn luôn cảm thấy rất khó khăn khi xem những bức ảnh các cháu còn rất nhỏ, chỉ 10, 11 tuổi bằng con của mình, đang cầm những khẩu súng thật, tập luyện cũng lăn lê bò toài, ngắm bắn vào đâu đó… 

Tác giả Ngô Thiệu Phong đã chỉ ra đúng, chiến tranh là điều không ai muốn nhưng nguyên nhân của chiến tranh thì có nhiều và cực kỳ phức tạp.

Liệu chúng ta có dạy được cho những đứa trẻ đang cầm súng hôm nay lòng yêu thương, nhân đạo đối với chính những người đang cầm súng ở chiến tuyến bên kia song song với việc hiểu, bóp cò cũng là cần thiết?

Bởi vì học yêu thương thì có khi cần cả đời, còn học hận thù thì chẳng cần bao lâu mà hơn nữa chúng ta đang sống trong một thời đại bùng nổ đủ thứ lệch chuẩn trong đó có cả bạo lực học đường.

Vậy “học kỳ quân đội” lợi đến đâu, hại đến đâu, xin để là câu hỏi mở để các bậc cha mẹ cùng suy xét.

Tài liệu tham khảo: 

[1] http://vov.vn/blog/cho-tre-tham-gia-hoc-ky-quan-doi-phan-tac-dung-408259.vov

[2] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/258545/muon-di-dau-hay-dam-manh-thuy-tinh.html

[3] http://www.hockyquandoi.net/2016/03/hoc-ky-quan-oi-tam-viet-2016.html

[4] http://www.dailymail.co.uk/news/article-1295011/South-Korean-children-taught-discipline-military-style-harsh-summer-camp.html

[5] http://cadn.com.vn/news/102_123599_huo-ng-de-n-bi-nh-da-ng-ve-nghi-a-vu-quan-su-.aspx

Phúc Lai