Hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp” hiện nay rất nhiều. Nếu được khảo sát kĩ, chúng tôi tin chuyện học sinh ngồi nhầm lớp không phải là chuyện cá biệt mà nó khá phổ biến đối với cấp Tiểu học và Trung học cơ sở.
Bởi đầu 2 cấp học này chưa có kỳ thi chuyển cấp. Mãi khi lên cấp Trung học phổ thông thì kỳ thi tuyển sinh 10 mới “lọc” được cơ bản những em có học lực yếu kém.
Giáo viên biết vậy, nhà trường cũng biết nhưng cứ phải cho học sinh lên lớp bởi quy định của ngành giáo dục từ lâu đã vậy, giáo viên và nhà trường không thể làm sai hướng dẫn của ngành.
Học sinh ngồi nhầm lớp không phải là cá biệt hiện nay (Ảnh minh họa: baodaknong.org.vn) |
Mấy ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều bài viết phản ánh tình trạng một em học sinh lớp 6 ở Gia Lai mà đọc, viết rất chậm khiến cho nhiều người chê trách giáo viên.
Nhưng, giáo viên làm được gì khi mà khả năng của học sinh không tiếp thu được bài vở trên lớp.
Trong khi, Thông tư 22 của Bộ Giáo dục hướng dẫn việc đánh giá, xếp loại học sinh hiện nay cũng rất khó cho học sinh ở lại. Chấm điểm định kỳ thì đã bỏ, thay vào đó là lời nhận xét mà nhận xét thì phải khen, phải khích lệ học trò.
Cuối học kỳ, kiểm tra lấy điểm 1 lần thì đa phần các trường cũng dễ dãi để cho các em trên điểm trung bình. Nếu học sinh quá yếu thì cũng chỉ cho ở lại 1-2 lần rồi phải “kéo” các em lên.
Đối với cấp trung học cơ sở và Trung học phổ thông thì hiện nay đang áp dụng Thông tư 58 để đánh giá, xếp loại học trò.
Trong Thông tư 58 cũng đã quy định rất rõ: “Học sinh xếp loại hạnh kiểm cả năm học từ trung bình trở lên nhưng học lực cả năm học xếp loại yếu, được chọn một số môn học trong các môn học có điểm trung bình cả năm học dưới 5,0 hoặc có kết quả xếp loại chưa đạt để kiểm tra lại.
Kết quả kiểm tra lại được lấy thay thế cho kết quả xếp loại cả năm học của môn học đó để tính lại điểm trung bình các môn cả năm học và xếp loại lại về học lực; nếu đạt loại trung bình thì được lên lớp”.
Học sinh không biết đọc, xin đừng đổ hết tội lên giáo viên chúng tôi |
Với quy định như vậy thì dù học sinh bị xếp loại yếu, có nhiều môn học dưới trung bình nhưng thi lại 1 môn được 5 điểm là mặc nhiên được lên lớp.
Vì thế, khi học sinh thi lại thì dĩ nhiên giáo viên phải cho học sinh qua rồi, không qua thì Ban Giám hiệu nhà trường đánh giá mình ra cái gì nữa.
Thực tế khi ôn thi lại chỉ có một vài em nên giáo viên chủ yếu là ôn trực tiếp vào đề kiểm tra để ngày kiểm tra lại học sinh chỉ việc thực hiện phần việc đã “ôn” trước đó.
Với cách đánh giá, kiểm tra hiện nay, chúng ta thấy trong lớp chủ yếu là học sinh giỏi, khá, chỉ có một số ít em trung bình thì những em đã thi lại phần lớn là không biết gì luôn, có ôn bao nhiêu thì cũng vậy thôi, các em đâu có tiếp thu được gì thêm về kiến thức.
Vì vậy, ôn thi lại cũng chỉ là cách nói hình thức cho đẹp chứ thực chất là thầy cô làm bài trước cho học trò.
Có lẽ vì vậy nên không thầy cô nào muốn để cho học sinh thi lại. Vào dịp hè lại phải đi vận động học sinh vào ôn tập, thầy cô lại phải làm kế hoạch, đề cương, đề thi rồi vào trường ôn hàng tuần mà học sinh cũng chẳng nâng lên được chút nào về kiến thức.
Tại Khoản 3 Điều 37 Điều lệ Trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (Ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3 /2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), thì Học sinh không được lưu ban quá 2 lần trong một cấp học.
Chính vì vậy, dù dở cỡ nào cũng phải “vớt” học sinh lên để các em lên lớp.
Nhiều giáo viên khi tổ chức ôn thi lại dù đã “ôn rất sát” cho học trò vậy mà khi tổ chức kiểm tra các em vẫn không thể nào làm được bài. Vì thế, ngày kiểm tra phải đứng bên cạnh để nhắc nhở và “gà bài” cho học sinh làm bài để kéo các em lên lớp.
Như vậy, dù học sinh dở, yếu thì mỗi cấp học cũng chỉ có thể lưu ban được 2 lần là tối đa. Qúa 2 lần đương nhiên phải đưa các em lên lớp không đưa lên là sai quy định của ngành.
Thực tế học sinh đang ở trình độ nào?
Một anh bạn là giáo viên kể với chúng tôi về chuyện địa phương anh vừa đón đoàn thanh tra của Sở Giáo dục về thanh tra chuyên môn.
Kiểm tra học kì - học sinh “rất khó” bị điểm yếu! |
Khi dự giờ môn Toán của một trường Trung học cơ sở trên địa bàn thì cán bộ thanh tra cho học sinh làm bài khảo sát chất lượng bài dạy.
Kết quả khảo sát 39 học sinh trên lớp về đơn vị kiến thức vừa học xong tức thì nhưng có tới 38 em điểm dưới trung bình.
Khi thống kê chỉ có 1 em được trên điểm trung bình, Sở đã lưu ý nhà trường và Phòng Giáo dục. Sau đợt thanh tra, Phòng Giáo dục triệu tập các Hiệu trưởng trên toàn địa bàn về họp khẩn.
Tất nhiên, ông thầy Hiệu trưởng trường có điểm khảo sát thấp là người chịu trận những lời phê bình của Phòng và chắc chắn khi về trường thì Hiệu trưởng sẽ lại phê bình ông thầy dạy Toán lớp được Sở dự giờ và khảo sát.
Nhưng, biết làm sao được, chất lượng học sinh có vậy, thực tế chất lượng giáo dục là vậy…chỉ tại lãnh đạo ngành giáo dục không biết, không muốn biết và tường tận vấn đề mà thôi.
Hiện nay, vì quy định của ngành giáo dục trong Điều lệ Trường, về tiêu chí trường chuẩn quốc gia; tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới rồi trong đánh giá, xếp loại, xét thi đua giáo viên nó thế.
Vậy nên, nhiều giáo viên phải thực hiện trái với lương tâm, đạo đức của mình. Mỗi lớp học không phải là trường chuyên lớp chọn bây giờ có mấy em có học lực khá giỏi thực sự đâu.
Nhưng, kết quả cuối năm thì hoàn toàn ngược lại…
Vì thế, chuyện học sinh ở Gia Lai chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, là hiện tượng rất bình thường ở các nhà trường hiện nay. Không tin, Bộ- Sở- Phòng Giáo dục cứ khảo sát thử xem.
Khi có một sự việc về tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp" được phanh phui thì một số lãnh đạo Phòng, Sở giáo dục luôn đẩy trách nhiệm về phía giáo viên.
Thế nhưng, mấu chốt vấn đề của tình trạng này là một số văn bản đang còn hiệu lực của ngành giáo dục. Muốn thay đổi, tất nhiên ngành giáo dục phải sửa đổi những hướng dẫn hiện hành để giáo viên được đánh giá thật học trò của mình.